Triển khai nhiệm vụ cấp bách ổn định đời sống nhân dân sau mưa lũ

Chiều 23/10, tỉnh Hòa Bình đã họp với Chủ tịch UBND các huyện Đà Bắc, huyện Kim Bôi, Tân Lạc, thành phố Hòa Bình và các sở, ngành liên quan để triển khai một số nhiệm vụ cấp bách ổn định đời sống nhân dân sau thảm họa thiên tai mưa lũ và sạt lở đất.

Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh Hòa Bình bị sạt lở, công trình hạ tầng, thủy lợi đều ngập úng cục bộ, hư hỏng nặng. Ảnh: Nhan Sinh/TTXVN

Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình từ ngày 9-12/10 xuất hiện mưa to trên diện rộng, lũ và sạt lở đất khiến 34 người chết và mất tích (đã tìm thấy 29 thi thể nạn nhân, còn 5 nạn nhân ở Đà Bắc chưa tìm được), 12 người bị thương. Toàn tỉnh có 4.237 hộ bị ngập lụt, 1.109 hộ bị sạt lở đất, đã di dời 697 hộ và cần tiếp tục di dời 1.144 hộ.

Ước tính trong đợt mưa lũ này, tỉnh Hòa Bình bị thiệt hại các công trình hạ tầng giao thông thủy lợi, nhà cửa của dân cư, sản xuất nông nghiệp lên tới 2.473 tỷ đồng. Do Hòa Bình là tỉnh miền núi, ngân sách địa phương hạn hẹp, việc khắc phục hậu quả thiên tai với kinh phí như trên là quá sức đối với tỉnh, cần sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương.

Để ổn định đời sống nhân dân, tỉnh hỗ trợ mỗi nạn nhân bị chết và mất tích trong đợt mưa lũ vừa qua 5 triệu đồng, các huyện tùy theo khả năng của mình cũng hỗ trợ một phần kinh phí và đã thực hiện mai táng theo phong tục địa phương. Đối với các hộ dân phải di dời, hiện nay 100% số hộ đã được bố trí chỗ ở tạm thời, được cung cấp thuốc men, lương thực, thực phẩm, quần áo và các nhu yếu phẩm khác đảm bảo nhân dân không bị đói, bị rét.

Tuy nhiên, hiện nay hàng trăm hộ dân ở vùng cao Đà Bắc vẫn phải ở tạm lều bạt, nhiều hộ tạm trú ở nhà văn hóa thôn, bản, trường học… đời sống sinh hoạt hết sức khó khăn. Toàn tỉnh có hàng chục điểm sạt lở tập trung, để di dời dân tới nơi định cư mới an toàn cần kinh phí ban đầu hơn 350 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang chủ trì phiên họp. Ảnh: Nhan Sinh/TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang chỉ đạo các huyện Đà Bắc, Kim Bôi và thành phố Hòa Bình làm chủ đầu tư, phối hợp với các sở trong thời gian một tuần phải xác định rõ các điểm định cư xen ghép và tái định cư tập trung; cho phép áp dụng hình thức đầu tư xây dựng công trình cấp bách; tiến hành đồng thời công tác tư vấn khảo sát thiết kế, thi công san ủi mặt bằng các khu tái định cư tập trung. Các nguồn vốn hỗ trợ, viện trợ nhân đạo cũng ưu tiên dành cho di chuyển dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm.

*Trong đợt mưa lũ vừa qua, Ninh Bình là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại. Theo UBND tỉnh Ninh Bình, công tác phòng chống thiên tai của địa phương đã được thực hiện nghiêm túc từ tỉnh đến cơ sở, tuy nhiên trong đợt mưa lũ cao điểm từ ngày 9 đến 12/10, ước tính sơ bộ tỉnh Ninh Bình đã bị thiệt hại hơn 1.050 tỷ đồng. Trong đó, trên địa bàn tỉnh có 10.713 ngôi nhà bị ngập, 80 trường học, 120 phòng học bị ngập, hư hại; 4 cơ sở y tế và 23 công trình văn hóa bị hư hỏng, ngập nước.

Một số điểm du lịch ở Ninh Bình bị chìm ngập trong nước. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Về sản xuất nông nghiệp, Ninh Bình có 15.179 ha lúa mùa thiệt hại, trong đó 5.703 ha mất trắng; 2.492 ha cây hoa màu bị ảnh hưởng. Ngoài ra, tỉnh Ninh Bình còn bị thiệt hại nặng nề về giao thông, thủy lợi, điện lực, thông tin liên lạc... Mưa lớn trên diện rộng vừa qua còn gây ngập lụt tại nhiều địa phương, trong đó có nhiều xã trên địa bàn các huyện Gia Viễn, Nho Quan bị chia cắt.


Theo ông Đinh Chung Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và các ngành chức năng đã quyết đoán trong việc không xả tràn Lạc Khoái (xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn) đã giảm thiểu tối đa thiệt hại cho nhân dân.

Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống tiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình cùng toàn bộ các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai các huyện Gia Viễn, huyện Nho Quan, lực lượng Công an, Quân đội... đã chủ động theo dõi lũ và phấn đấu mức xả lũ lên +5,5 đến +5,6 mét, vượt tần suất thiết kế đồng thời chỉ đạo đắp cao những điểm nước tràn qua đê, xử lý các cống qua đê...

Việc quyết định thực hiện nâng mức xả tràn đã giảm thiểu thiệt hại và ổn định đời sống cho nhân dân vùng hữu sông Hoàng Long, đảm bảo an toàn cả người và tài sản cho khoảng 20 vạn dân của 18 xã thuộc các huyện Nho Quan, Gia Viễn và 9 xã của các huyện Hoa Lư, Yên Mô và thành phố Tam Điệp.

Nhan Sinh - Đức Phương (TTXVN)
Nhiều công trình thủy lợi tại Yên Bái bị hư hỏng do mưa lũ
Nhiều công trình thủy lợi tại Yên Bái bị hư hỏng do mưa lũ

Đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề đối với huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái). Ngoài 13 người chết và mất tích, 130 ngôi nhà bị ảnh hưởng, thì 115 công trình thủy lợi cũng bị hư hỏng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN