Tại buổi lễ, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố thay mặt lãnh đạo thành phố Cần Thơ đã ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương các ngành, các cấp của thành phố đã phát huy tinh thần trách nhiệm, có nhiều cố gắng, nỗ lực, tích cực phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Thành ủy, Hội đồng nhân dân và UBND thành phố triển khai thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công và thân nhân của người có công với cách mạng. Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa thể hiện sự tôn vinh, tri ân sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với các Anh hùng Liệt sỹ và thân nhân các Anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh cao cả, cống hiến lớn lao cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, độc lập tự do của Tổ quốc.
Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong thời gian tới tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt tinh thần "Uống nước nhớ nguồn" bằng những việc làm thiết thực, tổ chức chăm sóc, phụng dưỡng tốt Mẹ Việt Nam Anh hùng, quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và những người có công với cách mạng để cuộc sống của Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với nước, hộ nghèo... ngày càng được đầy đủ và tốt đẹp hơn, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố thực hiện tốt hơn nữa Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng chính sách, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và ác liệt, thành phố Cần Thơ đã có 38.240 người có công được ghi nhận, tôn vinh, được hưởng trợ cấp ưu đãi của Đảng, Nhà nước và sự chăm lo của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, 6.624 người con ưu tú đã hy sinh; có 2.015 người là thương binh, bệnh binh; 3.243 Mẹ Việt Nam Anh hùng; có 1.373 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc; có 1.314 người và gia đình có công giúp đỡ cách mạng; 1.240 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; 1.078 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học.