Liên tiếp những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng xảy ra trong những ngày gần đây, như vụ xe khách chở đoàn giáo viên đi tham quan đâm vào vách núi ở Khánh Hòa; vụ lật xe khách Mai Linh tại Đà Nẵng… đã cho thấy tình hình trật tự an toàn giao thông đang ở mức báo động. Hàng loạt chiến dịch, hàng loạt giải pháp về đảm bảo trật tự an toàn giao thông được triển khai, nhưng rất tiếc, những vụ tai nạn giao thông thảm khốc vẫn cứ xảy ra. )
Thống kê của Cục CSGT đường bộ và đường sắt cho thấy, từ đầu tháng 6 đến nay, cả nước đã xảy ra 339 vụ tai nạn giao thông, làm 151 người chết, 230 người bị thương… Những con số nêu trên quả là nhức nhối và vấn nạn tai nạn giao thông vẫn luôn là nỗi ám ảnh đối với nhiều người.
Thường sau mỗi vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra, vấn đề trách nhiệm lại được đưa ra truy vấn, mổ xẻ. Để xảy ra tai nạn giao thông có rất nhiều nguyên nhân, có thể quy vào một số nguyên nhân chính: Ý thức chủ quan, coi thường pháp luật của người điều khiển phương tiện; hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp tốc độ phát triển của xã hội; các lực lượng kiểm tra, kiểm soát chưa làm hết trách nhiệm; sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương; trách nhiệm của chủ xe bị xem nhẹ…
Qua phân tích các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng cho thấy, có tới 18 - 24% số vụ là do lái xe vi phạm về tốc độ; 24 - 32% vi phạm đi sai phần đường; 12 - 19% vượt không đúng quy định. Bên cạnh lỗi từ ý thức, đạo đức của lái xe, còn có nguyên nhân các cơ quan chức năng chưa xử lý kiên quyết với những vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải.
Đã có rất nhiều các văn bản quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông được ban hành, nhưng thực tế người được giao trách nhiệm lại thực hiện không nghiêm. Đó là chưa nói đến tình trạng tiêu cực, chung chi giữa người vi phạm và người xử lý vi phạm; có dấu hiệu bảo kê, tiếp tay, dung túng cho các cơ sở kinh doanh vận tải, các cơ sở kiểm định, cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe vi phạm. Thế mới có chuyện, xe quá tải, xe chở quá số người quy định, xe quá thời hạn kiểm định phạt xong rồi lại tiếp tục lưu hành!!! Chưa hết, phần lớn các vụ tai nạn xe khách, lỗi trực tiếp là do lái xe, nhưng lỗi gián tiếp là do chủ xe khoán doanh thu cho lái xe. Phần lớn các doanh nghiệp vận tải do tiết kiệm chi phí nên chỉ tuyển lái chính, không tuyển lái phụ. Như vậy có gì đảm bảo cho lái xe chỉ cầm vô lăng 10 tiếng mỗi ngày và không quá 4 giờ liên tiếp theo quy định của Luật Giao thông đường bộ? Tiếc rằng, khi xử lý xe gây tai nạn, cơ quan chức năng thường bỏ qua trách nhiệm của chủ xe.
Rõ ràng, những bất cập nêu trên chính là lý do dẫn tới các vụ tai nạn giao thông không giảm. Nếu các chủ xe, chủ doanh nghiệp không vì lợi ích trước mắt mà sử dụng các phương tiện không bảo đảm an toàn; lái xe nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường bộ; những người được giao nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông nêu cao vai trò trách nhiệm…, thì chắc chắn sẽ bớt đi những hệ lụy đau lòng từ tai nạn giao thông.
Yến Nhi