Trả lại tuổi thơ những ngày hè: Bài 2: Hè là... học

Có một cách “nghỉ hè” mà các bậc cha mẹ hay chọn, và coi đó là cách... an toàn: Cho con đi học thêm các môn năng khiếu. Với tâm lý “có học có hơn”, “học nhiều biết nhiều” nên đây là giải pháp “nhất cử lưỡng tiện” khiến các bậc cha mẹ tự thấy yên tâm về... trách nhiệm của mình với trẻ.


Một chuyên gia tâm lý đã đưa ra lời khuyên: Dịp hè, không nên bắt con học thêm quá nhiều, bởi ngoài việc học, mùa hè cũng nên là mùa cho những giây phút thư giãn, vui chơi của trẻ... Thế nhưng, với “bối cảnh” hiện nay, lời khuyên này dường như không được nhiều bậc cha mẹ quan tâm.


“Cả năm học con mới có hơn 1 tháng nghỉ hè, thôi em đừng bắt con học thêm nữa. Cho con nghỉ ngơi chút đi” - lời “can ngăn” này của chồng e cũng là điều chị Diệu Hoa (phố Hàng Giầy, Hà Nội) trăn trở. Tuy nhiên, nếu làm như thế thì vừa không yên tâm vì con mình kém bạn, kém bè; vừa thấy áy náy là liệu mình có làm mất cơ hội được hiểu biết thêm cho con hay không; lại vừa... thiếu chỗ trông con khi mình phải đi làm, nên cuối cùng thời khóa biểu của cô con gái năm nay mới lên lớp 2 của chị Diệu Hoa hè này kín mít: Học vẽ, học võ, học đàn, học bơi và cả học múa nữa. “Tất nhiên con đi học nhiều thì mình cũng phải đưa đón nhiều, nhưng thà mất vài chục phút đưa đón còn hơn cả chục tiếng đồng hồ hàng ngày nơm nớp không yên. Mang đến cơ quan mãi cũng ngại, nhốt ở nhà thì không yên tâm”, chị Diệu Hoa chia sẻ.


Do nhà gần Trung tâm văn hóa & thể thao quận Ba Đình (Hà Nội) nên các lớp học của con chị Diệu Hoa đều tập trung ở đây. Con học vẽ vì hình như có năng khiếu vẽ. Con học nhạc vì có vẻ nó thích nhạc, rất hay đánh đàn organ ở nhà. Con học múa ba lê vì là con gái phải biết múa cho nó mềm mại. Và con học võ vì cần biết tự bảo vệ mình. Cuối cùng, học bơi vì đó là điều ai cũng cần. Thực sự, không biết có bao nhiêu điều “thấm tháp” vào cô con gái mảnh khảnh của chị Diệu Hoa, chỉ biết cô bé suốt ngày lầm lũi xách túi đi học theo chỉ đạo của mẹ. Cả mùa hè, chưa bao giờ thấy cô bé có phút thảnh thơi.


Học múa là một trong những môn được lựa chọn nhiều trong mùa hè. Ảnh: CTV

 

Tâm lý chung của rất nhiều bậc cha mẹ là muốn cho con mình được nghỉ ngơi sau 1 năm học vất vả, nhất là khi cũng chỉ sau khoảng 1 - 1,5 tháng nghỉ hè là trẻ đã lại phải vào năm học mới - Đó là chia sẻ của rất nhiều bậc cha mẹ. Nhưng hiểu, chia sẻ là một chuyện, còn thực tế lại là chuyện khác. Không muốn con đi học, nhưng lại mang tâm lý “học là cách nghỉ hè tốt cho con, bao nhiêu thời gian như thế mà không học thì thật phí”. Bên cạnh đó, thấy việc con tới lớp là an toàn nhất vì vừa có kiến thức, vừa có cô giáo, trung tâm cai quản; nên cuối cùng số lượng trẻ được bố mẹ chọn nghỉ hè bằng việc... học khá là đông đảo.


“Cứ tới kỳ nghỉ hè là số lượng học sinh của Trung tâm lại tăng đột biến, có những môn học mà số lớp tăng gấp 3 lần so với dịp trước hè, mà hầu hết là trẻ mầm non và tiểu học. Với lứa tuổi này, lựa chọn phổ biến của các bậc phụ huynh là các bộ môn năng khiếu ở các lĩnh vực Nghệ thuật, Thể dục thể thao, Kỹ năng sống”, đại diện một trung tâm năng khiếu của Hà Nội cho biết. Và đây cũng chính là tình trạng của Cung thiếu nhi Hà Nội mỗi dịp hè. Theo một đại diện phòng giáo vụ của Cung thiếu nhi Hà Nội, cứ dịp hè, số lượng thiếu nhi đăng ký học tập tại Cung Thiếu nhi lại tăng gấp 2 - 3 lần so với các kỳ học thông thường, tới mức nhiều lớp như lớp múa, lớp vẽ phải từ chối học sinh vì số lượng đăng ký quá đông.


Anh Hoài Anh, phụ huynh cháu Phương Trang (học sinh lớp 5, trường Lômônôxốp - Hà Nội) cho biết: “Tôi chọn cho con lớp học vẽ, học đàn và lớp Aerobic tại Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội. Với những lớp học này, thời gian đi học của con tôi giống như trong năm học. Chúng tôi đều là công chức nhà nước, gửi con đi học các lớp năng khiếu là... giải pháp tối ưu. Vừa cho cháu vui chơi, biết thêm môn mới, vừa có người quản lý. Vả lại bây giờ, nhà nhà, người người đua nhau đưa con đi học, mình không cho con học thì sợ con sẽ thua kém bạn bè”.


Thế nhưng, có một điều các bậc phụ huynh chưa quan tâm tới là việc con mình liệu có yêu thích những môn học đó không, và quan trọng hơn là con học được gì ở những lớp năng khiếu này? Trên thực tế, ngoài một số trung tâm có tên tuổi của Hà Nội như Cung thiếu nhi, Trung tâm văn hóa & thể thao quận Ba Đình... với những lớp học thực sự nghiêm túc, bài bản, thì hiện nay cũng có rất nhiều trung tâm được mở ra, nhưng chất lượng đào tạo không đảm bảo, các lớp học chỉ là hình thức, và đôi khi chỉ giống như một chỗ “gửi trẻ” nhiều hơn là dạy dỗ trẻ. Chính vì thế, có trường hợp như cháu Nam Anh, hè năm 2011 được bố mẹ cho theo lớp học vẽ 2 tháng. Bố mẹ Nam Anh rất yên tâm khi thấy ngày nào con cũng mang về bài vẽ khá đẹp, đạt điểm 9, 10, và khoe được cô khen. Nhưng tới một hôm bố mẹ thử tài vẽ ở nhà thì mới tá hỏa ra là con mình chẳng học được gì. Và những bài vẽ của cháu hầu hết là do... cô vẽ hộ! Hay như cháu Diệu Linh, theo học một lớp đàn piano với mức học phí tới 200.000 đồng/buổi, nhưng sau 2 tháng vẫn chưa biết hết các nốt nhạc và chưa kịp biết đánh một bản nhạc nào.


Và ngay cả với những lớp học có chất lượng, thì kiến thức các cháu học được sau vài tháng hè cũng chưa đủ để “vỡ vạc” điều gì. Trên thực tế, phổ biến trẻ chỉ được học khoảng 1 - 1,5 tháng, và khi vào kỳ học hè chính thức ở trường thì bỏ ngang luôn những lớp học năng khiếu. “Trong trường hợp ấy, tất nhiên các con chưa thể nắm được kỹ năng gì, vẽ hay múa, hay nhạc cũng vậy. Học kiểu ấy thực sự vừa mất công của các thày cô giáo, vừa phí thời gian của con” - một giáo viên dạy nhạc cho biết.


Ngoài ra, những năm gần đây, còn có một lớp học nữa rất được các bậc cha mẹ ưa chuộng: Học kỹ năng sống. Điều này cũng dễ hiểu. Trong xã hội hiện đại, trẻ thường dễ bị tác động bởi các vấn đề tâm lý, dẫn tới mắc những căn bệnh như tự kỷ, stress... Bên cạnh đó, do trẻ ít có cơ hội tiếp xúc với xã hội rộng lớn, nên khả năng giao tiếp cũng lại... ”có vấn đề". Được biết tới như một "cứu cánh" để giúp trẻ điều chỉnh những hành vi tâm lý, nên các lớp học kỹ năng sống rất được các bậc cha mẹ "tín nhiệm" chọn cho con vào dịp hè. Tuy nhiên, đã là vấn đề của "tâm lý", thì lại đòi hỏi sự cẩn trọng về giáo trình, về nội dung giảng dạy. Nhưng trên thực tế, do nhiều lớp không do các chuyên gia tâm lý giảng dạy, cũng như nhiều trung tâm chỉ đơn thuần là rập khuôn một mô hình đào tạo kỹ năng ở nước ngoài nên hiệu quả của các lớp này chưa thực sự cao, những gì các con tiếp thu được sau một khóa học không nhiều. Chưa kể đến khía cạnh tài chính, có những lớp học "mang danh" quốc tế, nên học phí thực sự “khủng”: 2 triệu đồng/học phần gồm 4 buổi học, và cả khóa học là 10 học phần, nghĩa là kinh phí khoảng 20 triệu đồng.


Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, trẻ em hiện nay bị “bội thực” vì phải học hè. Trên thực tế, lâu nay chúng ta vẫn luôn lên tiếng phản đối học thêm, học hè. Tuy nhiên, với những môn năng khiếu thì dường như chưa có một khuyến cáo nào với các bậc cha mẹ. Thậm chí, mỗi dịp hè về cũng là dịp rộ lên các quảng cáo về các lớp năng khiếu. Cha mẹ “ham cho học”, xã hội “khuyến khích học”, chính bởi vậy, với đa số trẻ hiện nay, hè vẫn đồng nghĩa với... học, thậm chí còn học... nhiều hơn.


Tuyết Anh


Bài 3: Trại hè - Vẫn còn... xa xỉ

Trả lại tuổi thơ những ngày hè-Bài 1: Muôn mặt... “nghỉ hè”
Trả lại tuổi thơ những ngày hè-Bài 1: Muôn mặt... “nghỉ hè”

Nhưng, với sự “bình yên” của các bậc cha mẹ, thì xem ra mùa hè của con trẻ lại không bình yên. Chuyện có những ngày "nghỉ hè" thực sự xem ra đã trở thành điều xa xỉ với con trẻ...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN