Trả lại tuổi thơ những ngày hè-Bài 1: Muôn mặt... “nghỉ hè”

Những ngày đầu hè, khi các trường chưa tổ chức học hè và các lớp học thêm cũng chưa mở, thì vấn đề “làm gì với con cái" thực sự là câu chuyện đau đầu của các bậc cha mẹ ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi các gia đình hầu hết đều sống riêng, nên không thể nhờ ông bà giúp trông nom trẻ như xưa.


 

Không ít phụ huynh phó mặc việc trông giữ con cái cho người giúp việc.

 

Rất nhiều giải pháp đã được các bậc cha mẹ cân nhắc: Tìm một chỗ để có thể gửi trẻ, tìm lớp học thêm các môn năng khiếu, tìm các trại hè... Tất cả đều nhằm mục đích “giải phóng” mình khỏi con trẻ, để có thể yên tâm với công việc thường nhật, với thời khóa biểu thường nhật của mình.


Nhưng, với sự “bình yên” của các bậc cha mẹ, thì xem ra mùa hè của con trẻ lại không bình yên. Chuyện có những ngày "nghỉ hè" thực sự xem ra đã trở thành điều xa xỉ với con trẻ...

 

Bài 1: Muôn mặt... “nghỉ hè”

 

Đã hai tuần nay, trưa nào cũng thấy anh em Tuấn Minh - Minh Ngọc (Khu tập thể KHXH&NVQG - Kim Mã Thượng, Hà Nội) dắt xe đạp ầm ầm trên cầu thang từ tầng 4 xuống tầng 1. Và sau đó là những pha đạp xe đèo nhau vòng quanh khu nhà tập thể. Khó chịu vì sự ồn ào thì ít, mà sững sờ vì chúng đi chơi vào cái giờ nắng nóng lẽ ra phải nghỉ ngơi như thế thì nhiều, nên bà Huấn - bán nước chè trong xóm, mới túm lại hỏi: “Sao hai anh em lại cứ chạy nắng thế hả cháu?”. Tuấn Minh, cậu anh trai đã 13 tuổi, lớn lộc cộc cười toét miệng khoe: “Chúng cháu được nghỉ hè rồi ạ. Bố mẹ cháu đi làm suốt ngày. Ông bà ngoại còn phải trông con của cậu cháu gửi, nên bọn cháu được tự do”. Cũng chỉ có thể khuyên chúng ít ra nắng, giờ nào râm mát hãy xuống sân chơi, còn thì bà Huấn cũng đành lắc đầu: “Ờ, nghỉ hè rồi, bố mẹ thì đi làm vắng, nên có ai quản chúng nó đâu, muốn làm gì thì làm, muốn chơi lúc nào thì chơi mà!”.


Cũng ở khu nhà tập thể này, cũng nghỉ hè và cũng... ở nhà không có bố mẹ (bởi người lớn đâu có được nghỉ hè), nhưng những ngày nghỉ hè vừa qua của Mai Anh còn “tù túng” hơn vì cô bé 10 tuổi này phải chịu cảnh... nhốt trong nhà. Không thể yên tâm cho con ra đường, ông bà nội, ngoại thì đều ở tỉnh khác, không thể nhờ ai trông được, nên giải pháp của bố mẹ Mai Anh chỉ có thể là: Nhốt.


Hai tuần rồi, chỉ có ngày thứ bảy và chủ nhật được đi chơi, còn thì Mai Anh quanh quẩn từ phòng trong ra phòng ngoài, hết bật ti vi phòng trong đến bật ti vi phòng ngoài, rồi đọc truyện, học bài. Xong hết việc thì vào mạng xem tin, nghe nhạc... và nhắn tin theo những hướng dẫn trên ti vi. “Hôm trước về cứ thấy con loanh quanh hỏi: ‘Mẹ ơi, liệu khi người ta gửi hóa đơn thanh toán tiền điện thoại cho mẹ, có ghi rõ nội dung từng tin nhắn không?’, biết là con lại có trò gì mới rồi, nên mình mới dọa rằng ‘có’, thế là đành thú nhận với mẹ là con nhắn tin bình chọn cho tất cả các thí sinh của “Bước nhảy hoàn vũ”.

 

Thế có khổ tôi không. Mấy chục ngàn một cái tin nhắn chứ có ít đâu” - chị Khánh Linh, mẹ Mai Anh “kể tội” cô con gái duy nhất trong nhà. “Mà đâu chỉ có nhắn tin, còn vào mạng chat chit nữa cơ. Con mới ở nhà có 2 tuần mà rồi một tối, hai vợ chồng tá hỏa thấy con có nick trên trang mạng Zing, với rất nhiều bạn bè và chat chit như ai, cũng kết bạn, cũng sẻ chia âm nhạc. Mà nó nghe gì đâu, toàn nhạc Hàn, tải ảnh các ca sĩ Hàn về đầy máy. Trời ạ, không thể hiểu trẻ con nó nhiễm các trò chat chit, thần tượng nhanh tới thế nào”, chị Khánh Linh than vãn


Không kém gì Mai Anh, Lan Chi (học sinh lớp 4, trường tiểu học Kim Đồng, Hà Nội) cũng thành “siêu lướt web” sau chỉ hơn chục ngày ở nhà. Vốn trong năm học, thời gian chính là ở trường, tối về thì làm bài tập. Thứ bảy, chủ nhật ở nhà với bố mẹ thì cũng phải “tự do trong khuôn khổ”, tức là ưu tiên số 1 là làm bài, ưu tiên tiếp theo là xem ti vi (nhưng cũng hạn chế vì còn phải đi ngủ sớm), nên thời gian dành cho các “thú vui” của Lan Chi rất ít. Hơn chục ngày vừa rồi ở nhà, bố mẹ thì đi vắng, chẳng có ai quản, một mình một “giang sơn” nên cô bé rất... chăm chỉ vào mạng, đọc hết từ tin cô người đẹp này bị công an bắt vì... bán dâm, tới chuyện khu nào cháy nhà, ở đâu công an đánh người. Trẻ con, đọc xong rồi thì lại không nhịn được, nên tối về tới bữa cơm là... vanh vách kể lại cho bố mẹ nghe. Bố mẹ Lan Chi phát hoảng khi nghe được những gì con đọc trên mạng, và quyết định... khóa máy tính không cho Lan Chi dùng nữa. “Thế nhưng, nghĩ lại cũng tội cho con, biết làm gì cho hết những thời gian ở nhà, chẳng lẽ cứ dán mắt vào ti vi hay ngủ. Mà ti vi thì xem nhiều cũng đâu có tốt, vợ chồng mình vì thế đang đau cả đầu nghĩ xem nên làm gì cho con vào dịp hè này đây” mẹ Lan Chi - một doanh nhân bận rộn, tâm sự.


Quả thật, trong cuộc sống hiện nay, khi nhu cầu làm việc của các bậc cha mẹ ngày càng tăng lên về số giờ (đến mức một nghiên cứu mới nhất của Regue đã tuyên bố rằng, người Việt Nam giờ đây có xu hướng làm thêm ít nhất... 3 tiếng một ngày, và kỳ nghỉ hè của họ hoàn toàn bị đánh cắp), thì làm sao có thể nghĩ tới việc cha mẹ dành thời gian cho con cái vào dịp nghỉ hè của chúng.

 

Thế là, mỗi nhà một cách giải quyết khâu “trông trẻ” - thực sự mới chỉ là khâu trông trẻ, chứ chưa nói tới chuyện nghỉ ngơi hay “mùa hè thú vị” như lũ trẻ luôn mong chờ. Để trẻ lông bông “tự lo” thì có nghĩa là chấp nhận chúng sẽ mải chơi, đàn đúm, rồi bêu nắng, ốm đau. Nhốt trẻ trong nhà “tránh những tệ nạn đường phố” thì canh cánh sợ hiểm họa về điện, về cháy nổ khi trẻ ở nhà một mình. Chưa kể tới việc với sự phát triển của công nghệ hiện nay, qua hệ thống ti vi, máy tính, trẻ sẽ có thể “tự nạp” vào mình cả những văn hóa không lành mạnh mà chúng ta khó có thể kiểm soát nổi. Và nữa, như nhiều bà mẹ đã than thở, nhốt con ở nhà nhiều quá, ban đầu chúng buồn, rồi sau chúng quen, lại... ngại ra phố. Mẹ có rủ đi chơi hay gợi ý lên nhà ông bà thì lại bảo: “Thôi, con ở nhà cho mát”. “Vô số nguy cơ có thể đến với con mình nếu không có người trông nom, ai cũng biết điều đó, nhưng trong khi công việc vẫn mải mốt mỗi ngày, trong khi không thể cứ xin nghỉ làm để ở nhà trông con, thì biết làm thế nào?” - Huyền Anh, một nhân viên PR cho biết.


“Với tôi, cứ tới đầu hè khi con vừa nghỉ là lại vội đưa con về nhà bà ngoại ở cách Hà Nội cũng tới hơn 200 km, nên nói thật cả tháng chẳng về thăm con được lấy một lần. Chơi với ông bà thì vui, nhưng trẻ con đứa nào chẳng nhớ bố mẹ, thế là ngày nào cũng thấy con gọi giục xem hôm nào bố mẹ về đón. Về quê, cũng có cái thú vị là không khí trong lành hơn, nhiều bạn bè, hàng xóm hơn; nhưng ngược lại trẻ con cũng mất một thời gian mới thích nghi được với môi trường mới, chưa kể vừa chỉ kịp quen với quê thì lại đã hết hè... Thế nên, nói là về quê có mùa hè thú vị, nhưng như với con mình thì cũng chẳng biết có thể gọi là thú vị không” - anh Viết Hoàng, một nhân viên máy tính ở Hà Nội, than thở.


Quả là “bập” vào mới thấy, chuyện trông trẻ ngày hè thật nan giải làm sao. Ngày xưa, còn nhớ trẻ con bao giờ cũng háo hức chờ hè, vì được nghỉ ở nhà, được có thời gian chơi với bạn bè trong xóm, trong phố, được đá bóng, được chơi ô ăn quan, chơi cá ngựa, tam cúc... rộn ràng cả ngõ... Lại còn được bố mẹ thỉnh thoảng cho đi chơi, đi ăn kem, đi xem phim... Tối đến có thể rảnh rang hơn cho những phút giây xem “Những bông hoa nhỏ”. Nhưng giờ thì sao, một mùa hè bình dị nhưng hạnh phúc ấy đã quá xa vời. Những trò chơi con trẻ không còn, tính gắn kết cộng đồng xóm, phố hiếm hoi. Bố mẹ thì có khi 7 giờ sáng ra khỏi nhà, 6 giờ tối mới về tới cửa... Mùa hè của trẻ, bởi vậy dường như cũng bị “đánh cắp”, và với chúng, mùa hè chỉ là những ngày cô đơn, vắng bạn bè, trường lớp, vắng cả người thân trong gia đình. Thế nên, lũ trẻ giờ đây, hỏi chục đứa thì cả chục đứa thở than: “Con chỉ mong đi học thôi, nghỉ hè thế này chán lắm!”.


Tuyết anh

Bài 2: Hè là... học

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN