Mất thời gian, chi phí
Sáng 24/3, tại TP Hồ Chí Minh, báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm “Giải pháp dài hạn để gỡ vướng trong đăng kiểm” cho các cơ sở đăng kiểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Chia sẻ thông tin về tình trạng “quá tải” tại các trung tâm đăng kiểm, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Hàng hoá TP Hồ Chí Minh cho biết, gần đây tình trạng đăng kiểm xe có biến động lớn khi tất cả các trung tâm đăng kiểm đều rơi vào cảnh quá tải. Nguyên nhân là do ngành đăng kiểm thiếu người kiểm định, thiếu trang thiết bị đăng kiểm, thiếu cơ sở hạ tầng… khiến cho người dân, doanh nghiệp ngành vận tải gặp nhiều khó khăn, tốn kém chi phí và thời gian đăng kiểm.
“Hiện nay, công việc của chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào việc đăng kiểm nên chúng tôi mong muốn các cơ sở đăng kiểm có giải pháp tháo gỡ. Cụ thể, các đơn vị đăng kiểm nên có app chung, tích hợp công nghệ thông tin để người dân đặt lịch dễ dàng, tránh việc phải xếp hàng chờ đăng kiểm như vừa qua. Phần mềm này cần được ứng dụng chung cho cả nước, có như vậy mới giúp cho tài xế có nhiều lựa chọn để đăng kiểm, tránh ùn ứ tại một điểm”.
Theo ông Bùi Văn Quản, tiêu chí nội dung của đăng kiểm rất chi li, phức tạp, nếu đáp ứng được theo Cục đăng kiểm thì xe cũ thành xe mới. Vì thế, đề nghị Cục đăng kiểm nên xem xét lại để giảm bớt thủ tục và áp lực cho các trung tâm đăng kiểm.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Trang, Giám đốc HTX Vận tải Thương mại Dịch vụ Du lịch Sen Việt cho biết, vừa qua có một số xe chở học sinh, sinh viên của đơn vị gặp khó khăn trong đăng kiểm. Nguyên nhân xe của đơn vị thiết kế cửa cơ, nhưng trong quá trình vận hành lái xe đã chế tạo thành cửa điện tử để mở cửa đưa đón học sinh trên đường, tạo thuận lợi cho bảo mẫu và học sinh vì lái xe không thể lên xuống mở cửa cho từng học sinh.
“Khi chúng tôi đi đăng kiểm xe, chúng tôi phải xếp hàng lấy số trong vòng ba ngày, khi vào đăng kiểm lại bị trả về làm lại hồ sơ do cửa không đúng quy cách ban đầu. Đơn vị đăng kiểm còn yêu cầu chúng tôi phải sửa chữa lại như ban đầu và lại xếp hàng từ đầu. Điều này gây khó khăn cho việc đưa đón học sinh, sinh viên của các trường”, bà Trang nói.
Theo bà Trang, thực tế việc này không đến nỗi ảnh hưởng đến việc an toàn hay lưu thông trên đường nên cơ quan quản lý có thể tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch và xe khách. Ngoài ra, Cục đăng kiểm cũng cần rút ngắn thời gian đăng kiểm xe để tránh ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp.
Thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp
Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam cho biết, vừa qua ngành đăng kiểm và các cơ quan chức năng liên quan đã có nhiều biện pháp và đề xuất để giải tỏa ùn tắc cho đăng kiểm như: Tăng cường kiểm định viên của lực lượng CSGT và quân đội để hỗ trợ; kiến nghị cho phép các phương tiện quá hạn đăng kiểm trong vòng 15 ngày được phép di chuyển đến các đơn vị kiểm định; cho các đăng kiểm viên đã nghỉ hưu được làm việc lại.
Mới đây nhất, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 02/2023 có hiệu lực từ 00 giờ ngày 22/3 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021 (về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ) theo hướng miễn kiểm định đối với xe ô tô mới và kéo dài chu kỳ kiểm định của nhiều loại xe.
Nhằm củng cố, kiện toàn và đổi mới hoạt động của lĩnh vực đăng kiểm, Bộ GTVT cũng đang chỉ đạo các cơ quan đơn vị tập trung, khẩn trương đề xuất sửa đổi Nghị định số 139 ngày 8/10/2018 của Chính phủ quy định về Kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, với nhiều nội dung quan trọng.
Về góc độ quản lý nhà nước, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, từ tháng 10/2022, Sở đã gặp biến động rất lớn trong ngành đăng kiểm, ảnh hưởng lớn tới các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Có thời điểm, TP Hồ Chí Minh chỉ còn 8/19 trung tâm, hiện còn 11/19 với 13 chuyền, công suất hơn 1.400 lượt/ngày. Theo thống kê, trung bình giai đoạn tháng 3 sẽ có 50.000 xe đến hạn đăng kiểm, tháng 4 là 85.000 xe và công suất sẽ là không đủ. Chưa kể, lượng đăng kiểm chưa đạt và chưa được đăng kiểm. Thời gian qua, chỉ giải quyết tình thế, làm theo giờ, Thứ 7 và Chủ nhật.
Cũng theo ông Hòa An, Thông tư 02 là một điểm tích cực của Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm, góp phần giải quyết sự ùn ứ. Theo thống kê, công suất kiểm định tại TP Hồ Chí Minh một ngày được 570 xe, một chuyền/60 xe. Hiện nay, lực lượng công an và quân đội đã hỗ trợ, có hiệu quả ở thời điểm này. Qua tuần tới, Sở sẽ khôi phục lại hoạt động 5 trung tâm, nhưng mỗi trung tâm cũng chỉ hoạt động một chuyền, vẫn không đủ nhân lực đăng kiểm viên để đáp ứng.
Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng cục Đăng kiểm Việt Nam chia sẻ thêm, Bộ GTVT và Cục đăng kiểm đang cố gắng khôi phục lại một số trung tâm đăng kiểm nhằm khẩn trương giải toả ách tắc. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện này là việc thiếu hụt nhân sự, đó cũng là điểm nghẽn cơ bản. Theo đó, sắp tới Cục đăng kiểm sẽ đào tạo, tập huấn đăng kiểm viên mới, đồng thời tổ chức đánh giá các đăng kiểm viên hiện tại. Đặc biệt, mới đây Bộ Nội vụ cũng đã có hướng dẫn để ký hợp đồng với đăng kiểm viên, đăng kiểm viên nghỉ hưu để có thể quay trở lại làm việc. Đây là cơ sở để mở lại các trung tâm đăng kiểm đang bị đóng cửa và từ từ tăng dần công suất nhằm giải tỏa việc ùn ứ xe hiện nay.
Ngoài ra, hiện tình trạng ùn tắc đăng kiểm chủ yếu xảy ra ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Nguyên nhân là do đa phần Cục Đăng kiểm chỉ quản lý hơn 10 trung tâm đăng kiểm, số khác là do các Sở GTVT và khối doanh nghiệp theo mô hình xã hội hóa quản lý. Vì vậy, trong thời gian thiếu hụt đăng kiểm viên, Cục đăng kiểm chỉ có thể điều động trong Cục để hỗ trợ, hoặc từ các trung tâm đăng kiểm do Sở GTVT quản lý để hỗ trợ các nơi đang bị ùn tắc. Tuy nhiên, việc hỗ trợ thời gian qua cũng chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, chưa phải giải pháp lâu dài. Vì vậy, việc sửa đổi Nghị định 139/2018 theo như chỉ đạo của Chính phủ để đáp ứng năng lực của đội ngũ kiểm định viên là cần thiết để không xảy ra tình trạng tương tự sau này.
Đồng thời, ông Nguyễn Tô An cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến để kiến nghị lên Chính phủ và Bộ GTVT để có giải pháp cụ thể hơn như: miễn kiểm định xe mới và giãn chu kỳ kiểm định cho một loạt xe mới...