Không dựng rào chắn, không phong tỏa diện rộng
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện có nhiều cách để phát hiện F0 trong cộng đồng như phát hiện tại các phòng xét nghiệm khẳng định COVID-19 được Bộ Y tế công nhận hoặc từ xét nghiệm tầm soát đối với các nhóm nguy cơ, nguy cơ cao ở chợ đầu mối, bến xe, bệnh viện...; qua khám sàng lọc tại các bệnh viện; người dân tự xét nghiệm khi có triệu chứng nghi ngờ hay tiếp xúc với người mắc COVID-19...
Về cách xử lý khi phát hiện F0 trong cộng đồng, ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết, tiếp thu tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh sẽ thay đổi cách xử lý F0 khi phát hiện trong cộng đồng.
Theo đó, trước đây, khi phát hiện F0 trong cộng đồng thì chiến lược xử lý triệt để bằng việc cách ly điều trị F0 ở các bệnh viện và các F1 cũng được đưa đi cách tập trung. Khu vực có F0 sẽ phong tỏa ở mức độ rộng, điều này ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt người dân. Hiện nay, nếu trong khu vực có một hộ gia đình chỉ có 1 ca F0 thì cơ quan y tế địa phương sẽ đến khám sàng lọc, đánh giá tình trạng F0. Theo đó, nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà thì F0 sẽ được cách ly tại nhà, nếu F0 có biểu hiện nặng hoặc SpO2 dưới 96% thì báo cho tổ phản ứng nhanh để được chuyển viện.
"Nếu như trước đây khi phát hiện một ca F0 trong cộng đồng thì khu vực đó sẽ bị phong tỏa cả khu phố, dựng rào chắn, còn hiện nay không còn phong tỏa cả khu phố và các hộ xung quanh chỉ hạn chế tiếp xúc, hạn chế ra ngoài”, ông Nguyễn Hữu Hưng nói.
Ông Nguyễn Hữu Hưng cũng cho biết, Sở Y tế đã tổ chức họp trực tuyến với UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức để triển khai quy trình xử lý F0 khi phát hiện trong cộng đồng. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến các địa phương, Thành phố sẽ có sự điều chỉnh công tác xử lý F0 cho phù hợp.
Theo lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại nhà máy, doanh nghiệp cũng đã được Sở xây dựng nhằm đảm bảo thích ứng, an toàn, linh hoạt. Đa số lao động đã được tiêm vaccine nên khi phát hiện F0, cách làm sẽ khác so với trước đây. Cụ thể, F0 sẽ được đưa đến các khu vực cách ly tách biệt trong phân xưởng của nhà máy, xí nghiệp nhằm giảm tải cho các khu cách ly ở quận, huyện theo hướng dẫn chuyên môn của ngành y tế.
Trong khi đó, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, 12 chốt kiểm soát ở cửa ngõ và 39 chốt tại các khu vực giáp ranh TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vẫn sẽ được duy trì kiểm soát 24/24h đến hết ngày 30/11. Tại các chốt này, lực lượng chức năng thực hiện quản lý dân vùng dịch, người ra vào vùng dịch và quản lý tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên nền tảng dữ liệu dân cư, dừng kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19.
Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản đề nghị các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cung cấp thông tin cấp độ dịch tại địa bàn để cập nhật lên Cổng thông tin COVID-19 của TP Hồ Chí Minh từ ngày 25/10. UBND các cấp thuộc TP Hồ Chí Minh có nhiệm vụ thường xuyên rà soát và cập nhật lên Cổng thông tin COVID-19 khi có biến động, thay đổi về cấp độ dịch trên địa bàn.
Thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh những ngày qua, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đang điều trị cho 11.516 bệnh nhân, trong đó có 333 bệnh nhân nặng đang thở máy, 13 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 20/10, có 748 bệnh nhân nhập viện, 630 bệnh nhân xuất viện và 41 trường hợp tử vong.
Sẽ tiêm cho trẻ em khi vaccine được phê duyệt
Về việc tổ chức tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi, ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết, ngày 14/10, Bộ Y tế có văn bản số 8688/BYT-DP về việc tiêm phòng vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, trong đó chỉ đạo một số vấn đề liên quan cho Sở y tế các tỉnh, thành tham mưu UBND để ban hành kế hoạch tiêm chủng. Trên tinh thần này, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp với các sở, ngành liên quan để thảo luận kỹ các nội dung trong văn bản 8688 của Bộ Y tế và các số liệu.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, do phải chờ Bộ Y tế tập huấn, hướng dẫn việc tổ chức tiêm cho trẻ em và loại vaccine được phê duyệt nên TP Hồ Chí Minh chưa xác định được thời gian tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. Tuy nhiên, Sở Y tế đã có tờ trình đề nghị ngành giáo dục lập danh sách học sinh đồng thuận hoặc không đồng thuận tiêm chủng, số trẻ bệnh nền theo độ tuổi.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức lập danh sách tiêm cho nhóm trẻ có độ tuổi từ 12-17 không đi học hoặc các học sinh đang học, đang nuôi dưỡng tại các trường, trung tâm thuộc Sở Lao động và Thương binh Xã hội quản lý. Trẻ đang điều trị nội trú tại các bệnh viện chuyên khoa nhi và bệnh viện đa khoa có chuyên khoa nhi sẽ được các nơi này lập danh sách (kể cả trẻ có địa chỉ cư trú tại tỉnh, thành khác) để tiêm chủng theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.
Theo thống kê, hiện có khoảng 780.000 trẻ trong độ tuổi tiêm vaccine, chủ yếu là học sinh phổ thông và khoảng 10.000 trẻ không đi học hoặc học các hệ khác.
"TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ ngay sau khi Bộ Y tế có quyết định về loại vaccine tiêm cho trẻ. Tất cả các trẻ trong độ tuổi trên đều được tiêm vaccine trong thời gian diễn ra chiến dịch tiêm chủng. Điểm tiêm có thể là trạm y tế, bệnh viện, trường học", ông Nguyễn Hữu Hưng khẳng định.
Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, việc tổ chức tiêm chủng cho trẻ được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, có sự đồng ý của cha mẹ. Trước khi tiêm, ngành giáo dục sẽ phối hợp với ngành y tế để tư vấn cho phụ huynh về lợi ích tiêm chủng, cách xử trí biến chứng có thể xảy ra, cách theo dõi sau tiêm.
Về việc tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên, ông Nguyễn Hữu Hưng cho rằng, tỷ lệ tiêm vaccine của thành phố đến nay đạt tiến độ khả quan. Thành phố đã tổ chức tiêm được 99% mũi 1 và 76,8% mũi 2 cho người trên 18 tuổi trở lên và đang cố gắng tổ chức tiêm cho nhiều người để đạt mục tiêu bao phủ vaccine; kể cả người dân từ các địa phương khác sắp quay về thành phố sinh sống, làm việc.
“Sau thời gian Thành phố nới lỏng giãn cách, một số người dân từ các tỉnh, thành quay về thành phố sinh sống, làm việc nếu chưa tiêm đủ 2 mũi hoặc mới tiêm mũi 1 nên chủ động đến địa phương đăng ký tiêm. Trường hợp người dân đã tiêm mũi 1 nhưng vì lý do nào đó không đủ giấy tờ chứng minh vẫn có thể tiêm dựa trên bản cam kết thông tin”, ông Nguyễn Hữu Hưng nói.
Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị các doanh nghiệp lập danh sách người lao động chưa được tiêm vaccine gửi về cho UBND TP Hồ Chí Minh và Sở Y tế để ngành y tế tổ chức tiêm cho người lao động. Ngoài ra, Thành phố còn tổ chức các xe tiêm lưu động đến các quận, huyện.
Tính từ 17 giờ ngày 20/10 đến 17 giờ ngày 21/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.255 trường hợp nhiễm mới tại TP Hồ Chí Minh. Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã có tổng cộng 418.784 trường hợp nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố.