TP Hồ Chí Minh: Nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn 'chấp chới'

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là 1 trong 7 chương trình đột phá của TP Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2020. Tuy nhiên, nguồn nhân lực ở TP Hồ Chí Minh đang tồn tại nghịch lý: Nhiều về số lượng, nhưng không ổn định về chất lượng.

Lao động kỹ thuật cao chỉ chiếm 10%

Hiện nay, nguồn nhân lực của TP Hồ Chí Minh đang hướng đến các ngành kỹ thuật cao nhưng lực lượng lao động còn rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về số lượng lẫn chất lượng của nhà tuyển dụng.

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp mong muốn không phải đào tạo lại người lao động để tiết kiệm chi phí, thời gian.

Kỹ sư Nguyễn Xuân Quang - Trưởng nhóm Ứng dụng và Phát triển Công nghệ mới, Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan thuộc Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro), cho biết, đa số sinh viên mới ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp do chương trình đào tạo nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành. Chính vì vậy, sau khi tuyển dụng được lao động, doanh nghiệp đều phải đào tạo lại cho họ vài năm. "Thiết nghĩ, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về năng lực nghề nghiệp để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nhân, lao động kỹ thuật cao", ông Quang chia sẻ.

Cùng quan điểm với ông Quang, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cồ phần Cơ điện lạnh REE cho hay, công nhân của doanh nghiệp thuộc hai lĩnh vực khác nhau: Kỹ thuật cơ điện lạnh và công nghệ thông tin (IT). Trong đó, công nhân kỹ thuật cao thường tuyển dụng từ trường đại học như Cao Thắng, Lý Tự Trọng…. Những sinh viên này khi tuyển dụng về không thể bắt tay về làm việc ngay bởi còn chưa thể bắt nhịp với hệ thống làm việc của công ty. Để làm được việc, đơn vị bắt buộc phải đào tạo lại các sinh viên mới ra trường. Cụ thể, những lao động giỏi cũng cần đào lại khoảng 1 năm, những lao động kém hơn cần đào tạo 2 năm mới có bắt tay vào làm việc được.

“Hiện nay ở DN của tôi, lực lượng lao động có kỹ thuật cao chiếm khoảng 10%, còn lại đa số là thợ "vịn". Với thực trạng này, rất khó để đáp ứng được tình hình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như nâng cao tay nghề cho người lao động”, bà Nguyễn Thị Mai Thanh cho biết.

Theo đại biểu HĐND Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng, cơ cấu kinh tế TP Hồ Chí Minh đang theo xu hướng công nghệ cao, đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực phải đáp ứng. Thành phố có rất nhiều trường đào tạo nghề, nhưng khi đi làm doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại. Điều này chứng tỏ, đào tạo chưa gắn với thực tiễn, nghĩa là thị trường lao động đang lệch pha cung cầu, vừa thừa vừa thiếu. 

Liên kết trong đào tạo

Ông Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, có thực trạng sinh viên ra trường chưa đáp ứng ngay được yêu cầu của doanh nghiệp, mặc dù đã đổi mới chương trình, phương thức đào tạo. Nguyên nhân do việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, doanh nghiệp cần thì tìm đến nhà trường, nhà trường có kết quả nghiên cứu thì đi tìm doanh nghiệp.

“Vì vậy, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, doanh nghiệp cần liên kết với nhà trường để đầu tư vào đào tạo, từ đó cho ra "lò" những sinh viên làm việc được ngay khi tuyển dụng. Các nhà tuyển dụng cũng cần có chính sách thu hút nhân tài để người lao động phấn đấu nâng cao tay nghề. Nhà trường cần tiếp cận với doanh nghiệp để đào tạo ra những người lao động doanh nghiệp cần…”, ông Huỳnh Thành Đạt cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp và nhà trường cần liên kết trong đào tạo để sinh viên ra trường có việc làm ngay.

Tương tự, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho hay, tính đến nay, thành phố có 4.243.834 lao động đang làm việc. Mỗi năm, có khoảng 55.000 sinh viên các trường đại học, cao đẳng tốt nghiệp ra trường, nếu kể cả số học viên trung cấp, công nhân kỹ thuật, đào tạo nghề ngắn hạn thì sẽ có khoảng 180.000 người. Trong đó, tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên là 22%; tỷ lệ lao động đào tạo từ 3 tháng đến bậc cao đẳng chiếm 32%; lao động không có bằng và không có chuyên môn chiếm tỷ lệ cao tới 46 %. 

Để nâng cao chất lượng lao động, thời gian qua công tác đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của thành phố đã được thực hiện theo 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu, 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố và các ngành tự do dịch chuyển lao động trong khối Asean. Cụ thể, tỉ lệ lao động qua đào tạo cũng đã tăng lên, năm 2017 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 79%, năm 2018 đạt 81% và năm 2019 đạt mục tiêu đạt 83% trong khi năm 2011 tỷ lệ này chỉ ở mức 61%.

Theo ông Lê Minh Tấn, sắp tới, Sở kiến nghị thành phố sẽ thành lập hội đồng trường cùng với doanh nghiệp định hướng đào tạo kép. Khi đó, doanh nghiệp chỉ cần bồi dưỡng thêm cho lao động, không cần đào tạo lại, đỡ tốn thêm chi phí, thời gian.

“Trước mắt, Sở sẽ rà soát lại cơ sở vật chất hiện nay xem bất cập gì thì để điều chỉnh ở đó; tiếp tục thực hiện cho tốt dự báo nguồn nhân lực thành phố để biết được cơ sở vật chất có đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp hay không. Ngoài ra, Sở sẽ phối hợp các sở, ngành liên quan tiếp tục nâng cao hiệu quả đào tạo, giải quyết việc làm, dự báo nguồn nhân lực phải đảm bảo tính chính xác nhu cầu thị trường lao động hướng đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố”, ông Tấn cho biết thêm.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Gần 54,6 triệu người có việc làm trong quý II năm 2019
Gần 54,6 triệu người có việc làm trong quý II năm 2019

Gần 54,6 triệu người có việc làm vào quý II/2019- Đây là thông tin dự báo được đưa ra tại buổi họp công bố Bản tin Cập nhật Thị trường lao động Việt Nam quý I/2019 vào chiều 10/7, tại Hà Nội, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN