TP Hồ Chí Minh công bố dịch sởi, người dân cần chủ động đưa trẻ đi tiêm vaccine

Trước bối cảnh dịch sởi tăng nhanh và có trường hợp tử vong, chiều 27/8, UBND TP Hồ Chí Minh đã chính thức công bố dịch sởi trên toàn thành phố.

Quyết định công bố dịch sởi do bà Trần Thị Diệu Thuý, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ký. Theo quyết định này, thời gian xảy ra dịch sởi là tháng 8 năm 2024 với quy mô toàn thành phố, nguyên nhân do virus sởi gây ra; lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.

Chú thích ảnh
Phụ huynh đưa trẻ tiêm vaccine sởi tại Trạm y tế phường Phước Long A (thành phố Thủ Đức).

Về tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B, người có nguy cơ mắc bệnh là người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ; bệnh có thể dẫn đến biến chứng nặng, thậm chí có thể tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách.

UBND TP Hồ Chí Minh giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện và thành phố Thủ Đức triển khai các biện pháp, phòng chống dịch.

Theo đó, các biện pháp phòng, chống dịch thực hiện theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm gồm kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố, quận, huyện, thành phố Thủ Đức, phường, xã, thị trấn. Các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải thực hiện khai báo đầy đủ, chính xác với cơ quan y tế trong 24 giờ sau khi có chẩn đoán để được quản lý và xét nghiệm theo quy định.

Thực hiện chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella không kể tiền sử tiêm chủng vaccine sởi - rubella trước đó cho tất cả trẻ em từ 1 - 5 tuổi đang sống tại Thành phố; có thể mở rộng độ tuổi theo tình hình dịch bệnh theo đúng quy định. Tổ chức thu dung, điều trị, chăm sóc, cách ly y tế và kiểm soát dịch tại cộng đồng theo đúng các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trong tuần 34 (từ ngày 19/8 - 25/8) Thành phố ghi nhận 85 ca sốt phát ban nghi sởi sống tại TP Hồ Chí Minh, trong đó 20 ca dương tính (23,5%), 44 ca không lấy mẫu (51,8%), 17 ca chưa có kết quả (20%) và 4 ca âm tính (4,7%). Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy từ đầu năm đến tuần 34 năm 2024 là 525 ca, trong đó có 209 ca dương tính (39,8%).

Về phân bố theo phường, xã, ghi nhận bệnh sởi đã xuất hiện tại 57 phường, xã thuộc 16/22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Nguyên nhân dẫn đến dịch sởi gia tăng là do gián đoạn tiêm chủng trong và sau đại dịch COVID-19, tỷ lệ tiêm chủng sởi mũi 1 cho trẻ sinh năm 2023 trên địa bàn thành phố chỉ mới đạt 89,2% và chưa có quận, huyện nào đạt trên 95% (tỷ lệ bao phủ vaccine sởi giúp phòng ngừa dịch sởi bùng phát); đồng thời tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi mũi 2 cho trẻ sinh năm 2019 đến năm 2022 cũng chưa đạt 95%.

Trước nguy cơ bệnh sởi có thể bùng phát do tỉ lệ tiêm phòng thấp, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp nhằm tăng tỉ lệ bao phủ vaccine ngăn ngừa nguy cơ bệnh sởi lây lan rộng trong cộng đồng.

Theo ước tính, TP Hồ Chí Minh sẽ tiêm bổ sung vaccine sởi cho khoảng 517.250 trẻ theo hình thức tiêm chiến dịch tại trường học, trạm y tế, bệnh viện. Chiến dịch kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9/2024.

Ngành y tế TP Hồ Chí Minh khuyến cáo phụ huynh cần chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vaccine phòng sởi.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Bác sĩ ơi: Ứng phó với dịch sởi gia tăng
Bác sĩ ơi: Ứng phó với dịch sởi gia tăng

Từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận hơn 2.000 trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó, riêng tại TP Hồ Chí Minh đã có hơn 500 ca mắc và 3 ca tử vong. Đặc biệt, hiện nay đang trong giai đoạn học sinh tựu trường, nguy cơ dịch lây lan rộng dễ xảy ra. Trong Chương trình Podcast Bác sĩ ơi ngày hôm nay, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về nguy cơ dịch sởi hiện nay và việc tiêm chủng phòng bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN