Thêm một ca mắc COVID-19 trở về từ Nhật Bản
Tính đến 18 giờ ngày 9/1, Việt Nam ghi nhận một ca mắc COVID-19 mới là ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Hải Dương.
Bệnh nhân 1513 (nam, 25 tuổi, quốc tịch Việt Nam), có địa chỉ tại phường Trường Thi, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Ngày 29/12/2020, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN311, được cách ly ngay tại Hải Dương. Kết quả xét nghiệm ngày 8/1/2021, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hải Dương. Trước đó, trên chuyến bay này đã ghi nhận 4 ca dương tính với SARS-CoV-2, được cách ly ngay tại Hải Dương.
Như vậy, tính đến chiều 9/1/2021, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 1.513 ca mắc COVID-19, trong đó 693 ca lây nhiễm trong nước, 553 ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay. Báo cáo của Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) cho biết có 4 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm: Bệnh nhân 1381, 1397, 1428, 1436. Tổng cộng Việt Nam đã chữa khỏi 1.361 bệnh nhân mắc COVID-19; ghi nhận 35 ca tử vong liên quan đến COVID-19 trên nền bệnh lý trầm trọng.
Trong số những bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế, 9 người có kết quả xét nghiệm âm tính lần một với SARS-CoV-2, có 8 người âm tính lần hai và 8 người âm tính lần ba. Cả nước còn 17.634 người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 hoặc nhập cảnh từ vùng dịch, đang được cách ly theo dõi sức khỏe; trong đó 146 người được cách ly tại bệnh viện, 15.875 người được cách ly tập trung tại các cơ sở khác, 1.613 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Băng giá, mưa tuyết xuất hiện ở nhiều nơi
Trong hai ngày (8-9/1), không khí lạnh mạnh kết hợp mưa phùn khiến nhiệt độ một số vùng núi cao tại các tỉnh phía Bắc xuống thấp, có nơi dưới -1 độ C, thậm chí có nơi dưới - 9 độ C. Tình trạng băng giá đã xuất hiện ở các đỉnh núi thuộc tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái. Đây là đợt xuất hiện băng giá nhiều nhất trong mùa đông, tỉnh đến tháng 1/2021.
Băng giá xuất hiện đã thu hút du khách đổ về các vùng núi chiêm ngưỡng. Tại tỉnh Quảng Ninh, rạng sáng 9/1, đường lên đỉnh chùa Đồng thuộc Khu di tích và Rừng quốc gia Yên Tử (thành phố Uông Bí), băng giá đã xuất hiện, bám vào các thảm thực vật, phiến đá, mái chùa. Còn tại đỉnh núi Cao Ly thuộc huyện Bình Liêu, băng giá phủ trắng các cành cây, ngọn cỏ.
Ngày 9/1, nền nhiệt chung ở huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) đã xuống 3 độ C, đặc biệt tại đỉnh đèo Khau Phạ chỉ còn 0 độ C, xuất hiện sương muối và băng giá. Trước đó, sáng 8/1, nhiệt độ đo được tại đỉnh núi Phia Oắc, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) là -9 độ C, xuất hiện hiện tượng băng giá phủ kín cành cây và mặt đất. Đỉnh Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn) chìm trong giá rét, băng tuyết phủ một lớp trắng có thể nhìn thấy rõ trên các cành cây, ngọn cỏ, cùng với mưa nhỏ, mây mù, gió mạnh nên cảm giác rất lạnh.
Tại các huyện vùng cao biên giới núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang như huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Xín Mần đã xảy ra rét đậm, rét hại, nhất là khu vực các xã biên giới, nhiệt độ thấp nhất phổ biến dưới 5 độ C, vào ban đêm nhiệt độ xuống thấp dưới -2 độ C, băng tuyết và sương muối xuất hiện dày đặc trên diện rộng. Cao nguyên đá Đồng Văn chìm trong giá rét, băng tuyết xuất hiện trên các triền núi cao, tuyết phủ kín cây cối tạo ra một vùng rộng lớn trắng xóa.
Không khí lạnh tràn về, nhiệt độ giảm sâu đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân. Cuộc sống người dân vùng núi bị đảo lộn, các hoạt động gần như ngưng trệ, không ai ra đồng làm việc, trẻ con và người già đóng cửa đốt lửa sưởi ấm.
Người dân ở đây đã có ý thức bảo vệ gia súc, vật nuôi khá tốt nên không có hiện tượng thả rông gia súc ra đồng như trước nữa. Do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, nhiều người già và trẻ em đã phải nhập viện do các bệnh liên quan đến hô hấp, huyết áp tăng nhanh. Nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở và mầm non đã cho học sinh nghỉ học để tránh rét.
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết, chiều 9/1, có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam và sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc từ đêm 10/1. Tình trạng rét đậm, rét hại tiếp tục diễn ra ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế với nhiệt độ thấp nhất 7-10 độ C, vùng núi 4-7 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C và có khả năng xảy ra mưa tuyết, băng giá. Đối phó với thời tiết khắc nghiệt, các địa phương đã và đang thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh, rét đậm, rét hại; tăng cường tuyên truyền tới nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số chủ động phòng, chống rét.
"Xe điên" lao vào chợ, nhiều người bị thương
Khoảng 7 giờ 30 phút ngày 9/1, một chiếc xe ô tô 5 chỗ đã bất ngờ lao vào khu vực "chợ cóc" Ba Toa (xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) làm nhiều người bị thương.
Vào thời điểm trên, khi nhiều người dân đang mua bán tại khu vực trên vỉa hè (người dân gọi là chợ cóc Ba Toa), một chiếc xe ô tô 5 chỗ mang BKS 15A- 310.39 chạy với tốc độ cao, có dấu hiệu mất lái lao lên vỉa hè, phi vào giữa khu chợ đông người. Chiếc xe chỉ dừng lại khi gặp đống gạch. Vụ việc làm 2 người bị thương nặng và 8 người bị thương nhẹ cùng nhiều phương tiện xe máy, xe đạp bị hư hỏng. Các nạn nhân đã được đưa đi cấp cứu kịp thời.
Theo đại diện Đội Cảnh sát giao thông huyện Thủy Nguyên, thông tin ban đầu, người điểu khiển xe là ông Nguyễn Văn Khơi (sinh năm 1971, trú tại xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên). Ông Khơi đã ra trình báo cơ quan công an ngay sau khi xảy ra vụ việc. Ông Khơi được xác định là không có nồng độ cồn và âm tính với ma túy. Được biết, ông Khơi có thâm niên trong điều khiển xe khách tuyến Hải Phòng-Móng Cái. Vụ tai nạn xảy ra khi ông Khơi đang điều khiển xe ra khỏi bãi. Hiện, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.
Điều tra, làm rõ vụ dùng súng hơi giải quyết mâu thuẫn
Ngày 9/1, Công an tỉnh Bình Phước phối hợp với công an huyện Đồng Phú và công an xã Tân Lập tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, điều tra, làm rõ vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng khiến 1 người, 2 người bị thương nặng.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 20 giờ tối 8/1, Phạm Tuấn Hưng (45 tuổi), Nguyễn Mạnh Cường (35 tuổi) và Nguyễn Công Mạnh (28 tuổi), cả 3 cùng ngụ xã Tân Lập, huyện Đồng Phú tổ chức ăn nhậu tại bờ đập Suối Giai thuộc ấp 5, xã Tân Lập. Trong lúc nhậu, Hưng điện thoại cho Huỳnh Văn Vinh (38 tuổi, ngụ xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú) để giải quyết mâu thuẫn trước đó giữa Hưng và Vinh.
Sau vài câu nói, Hưng và Vinh thách thức nhau giải quyết bằng vũ lực. Ngay sau đó, cả 2 hẹn nhau ra trước cổng cụm công nghiệp Hà Mỵ, thuộc ấp 4, xã Tân Lập để giải quyết mâu thuẫn. Hưng mang theo một khẩu súng hơi cùng với Mạnh và Cường chở nhau đến trước cổng cụm công nghiệp Hà Mỵ để gặp nhóm của Vinh.
Vinh cũng cùng nhóm bạn của mình điều khiển xe máy mang dao rựa cùng một số hung khí tới chỗ hẹn. Vừa tới nơi, Vinh đã dùng dao rựa lao vào đánh nhóm của Hưng. Trong lúc hai nhóm đang đánh nhau, Hưng dùng súng hơi mang theo bắn đạn chì vào hai nhóm làm Mạnh, Cường và Lại Văn Long (bạn của Vinh) bị thương nặng. Bị đối phương dùng súng bắn, nhóm của Vinh đã bỏ chạy khỏi hiện trường.
Sau đó, Mạnh, Cường và Long được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh. Đến sáng 9/1, Long tử vong tại bệnh viện. Cường và Mạnh vẫn đang được cấp cứu trong tình trạng bị thương nặng.