Thêm 14 ca mắc mới COVID-19
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 1/4, Việt Nam ghi nhận 14 ca mắc mới, tất cả đều là công dân Việt Nam, là những ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Cà Mau (1 ca), Kiên Giang (1 ca), Bến Tre (12 ca).
Như vậy, Việt Nam đã có tổng cộng 2.617 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.603 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, 910 ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Việt Nam đã chữa khỏi 2.359 bệnh nhân; ghi nhận 35 ca tử vong liên quan đến COVID-19. Trong số những bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế, 18 người có kết quả xét nghiệm âm tính lần một với SARS-CoV-2, có 15 người âm tính lần hai và 37 người âm tính lần ba. Cả nước hiện có 37.008 người tiếp xúc gần với các bệnh nhân mắc COVID-19 hoặc nhập cảnh từ vùng dịch, đang được cách ly theo dõi sức khỏe; trong đó 506 người được cách ly tại bệnh viện, 19.093 người được cách ly tập trung tại các cơ sở khác, 17.409 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Bầu 3 Phó Chủ tịch Quốc hội và trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 11, ngày 1/4, Quốc hội tiến hành thủ tục bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự để bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội và bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Các đại biểu Quốc hội nghe công bố kết quả kiểm phiếu và thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Phó Chủ tịch Quốc hội đối với ông Trần Thanh Mẫn, ông Nguyễn Đức Hải, ông Nguyễn Khắc Định. Kết quả biểu quyết có: 455/456 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, bằng 94,79% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; ông Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, làm Phó Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong phiên làm việc cuối chiều 1/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả thảo luận tại Đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội tại phiên làm việc sáng 2/4. Quốc hội tiến hành miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Việt Nam tiếp nhận 811.200 liều vaccine phòng COVID-19 từ COVAX Facility
Chiều 1/4, tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã dự Lễ tiếp nhận 811.200 liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên từ COVAX Facility (Cơ chế Tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa COVID-19) cho Việt Nam, với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) và Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI).
Phát biểu tại lễ tiếp nhận, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam gửi cảm ơn sự giúp đỡ hết sức quý báu của các quốc gia, tổ chức quốc tế, rất nhiều tổ chức cá nhân đã giúp đỡ nhân dân Việt Nam cùng đấu tranh chống lại đại dịch COVID-19 và giúp Việt Nam tiếp cận được nguồn vaccine phòng COVID-19.
“Đại dịch COVID-19 là một thách thức rất lớn đối với toàn nhân loại nhưng đây cũng là dịp để chúng ta cùng nắm tay nhau chứng minh rằng với sự đoàn kết của tất cả các tổ chức và mọi người dân ở một cộng đồng, quốc gia và trên toàn thế giới, chúng ta có thể vượt qua đại dịch. Và chúng ta đang kiên trì, kiên cường vượt qua thách thức”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam xúc động nói.
“Nhờ nỗ lực các nhà khoa học, chúng ta đã nghiên cứu làm ra vũ khí chống lại virus gây COVID-19. Các nước giàu không chỉ vì riêng mình, với sự điều phối chung của các tổ chức quốc tế cùng chia sẻ, đóng góp tri thức, tiền của để các nước chưa phát triển, chưa làm được vaccine được tiếp cận nguồn vaccine trong lúc còn rất khan hiếm, quý báu. Giá trị đấy tiếp tục duy trì kể cả sau này để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam là nước đang là phát triển, vẫn còn rất nghèo. “Chúng tôi ý thức được rằng không để dịch bùng phát diện rộng trước hết vì lợi ích người dân Việt Nam nhưng cũng là giúp cộng đồng quốc tế khống chế dịch bệnh. Ngay từ đầu, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ, các nhà khoa học Việt Nam đã tập trung nghiên cứu phân lập virus, nghiên cứu phát triển được những kit thử phát hiện virus và đang rất tích cực nỗ lực nghiên cứu, phát triển vaccine cùng cộng đồng quốc tế, cùng chung tay chống lại đại dịch”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Cho rằng cuộc chiến chống dịch lần này mặc dù “mang lại rất nhiều khó khăn, tổn thất về người, về của nhưng cũng làm sáng lên nhiều giá trị tốt đẹp để cùng bước tới tương lai”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói. Đồng thời cảm ơn đại diện UNICEF, WHO, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc… vì chỉ sau 2 tháng "ngồi với nhau", vaccine phòng COVID-19 đã về tới Việt Nam.
Nhấn mạnh Việt Nam chắc chắn sẽ sử dụng món quà vô cùng quý báu này theo đúng tinh thần bình đẳng trong tiếp cận với tất cả mọi người, Phó Thủ tướng thông tin, thời gian qua, cách thức tổ chức tiêm chủng vaccine COVD-19 ở Việt Nam là hết sức cẩn trọng dù rất khẩn trương.
"Đến giờ phút này, tất cả những điều nhiều nơi quan ngại về vaccine, cơ bản ở Việt Nam đã thực hiện tốt. Tôi hoàn toàn tin, nếu 20% dân số trên thế giới được tài trợ vaccine, chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua được thách thức rất lớn của nhân loại", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam bày tỏ vui mừng khi lô vacccine COVID-19 đầu tiên do sáng kiến COVAX Facility hỗ trợ đã đến Việt Nam; đồng thời ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.
“Trong khi các quốc gia khác vật lộn, hành động chậm chạp hoặc thậm chí không có hành động, Việt Nam đã phản ứng dứt khoát và kết quả là cuộc sống của người dân Việt Nam hầu như không bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa, hệ thống y tế không sụp đổ và người dân không phải sống trong quá nhiều lo âu sợ hãi", ông Kamal Malhotra nhấn mạnh.
Ông Kamal Malhotra cho biết, mục tiêu toàn cầu trong năm nay là cung cấp 2 tỷ liều vaccine và 1 tỷ ống tiêm nhằm trợ giúp trước hết cho 92 quốc gia đủ điều kiện và tiếp đó hỗ trợ 190 quốc gia trên toàn thế giới.
Tính đến ngày 1/4, chỉ 5 tuần sau đợt cung cấp đầu tiên, COVAX đã vận chuyển 33 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đến 73 quốc gia đủ điều kiện. Việc vaccine được chia sẻ một cách công bằng là một thành quả rất đáng ghi nhận. Lô vaccine 811.200 liều ngay khi về đến Việt Nam được chuyển đến bảo quản tại kho của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, sau đó Bộ Y tế sẽ điều phối phân bổ vaccine để tiêm chủng tại 63 tỉnh, thành phố trong tháng 4/2021.
Tiếp theo lô vaccine phòng COVID-19 đầu tiên, dự kiến 3,364,800 liều sẽ được cung ứng vào tháng 5/2021, sau đó vaccine sẽ tiếp tục được phân bổ và cung ứng cho Việt Nam vào cuối năm 2021. Vaccine phòng COVID-19 cung ứng cho Việt Nam do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển và ủy quyền cho SK Bioscience tại Hàn Quốc sản xuất. Vaccine AstraZeneca/Oxford COVID-19 đã được WHO cấp phép sử dụng trong tình huống khẩn cấp và đã được sử dụng tại Việt Nam.
Tạm đình chỉ công tác Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I
Ngày 1/4, tại Hà Nội, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế đã họp khẩn xem xét các vấn đề liên quan tới vụ vi phạm pháp luật tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, sau khi Công an Thành phố Hà Nội phát hiện đường dây buôn bán và sử dụng ma túy tại đây.
Ngay sau cuộc họp, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác bao gồm lãnh đạo Vụ Tổ chức Cán bộ, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Vụ Pháp chế và Thanh tra bộ tới làm việc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đây không chỉ là vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, mà còn là những vi phạm nghiêm trọng quy trình quản lý bệnh viện và các quy chế, quy trình chuyên môn trong hoạt động khám, chữa bệnh.
Trên cơ sở kết quả làm việc của đoàn công tác, Bộ Y tế quyết định tạm đình chỉ công tác chuyên môn để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và hợp tác với cơ quan điều tra đối với bác sĩ Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.
Cùng với đó, Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương I tạm đình chỉ công tác chuyên môn để hợp tác với cơ quan điều tra đối với các cá nhân liên quan, bao gồm: Bác sĩ Đỗ Thị Lưu, Trưởng khoa Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền; điều dưỡng Tạ Thị Thêm, Điều dưỡng trưởng Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, nơi trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý (người đã bị Công an Thành phố Hà Nội bắt vì hành vi mua bán trái phép chất ma túy, tàng trữ trái phép chất ma túy và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại phòng bệnh nội trú Bệnh viện Tâm thần Trung ương I).
Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương I hợp tác chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật. Bộ Y tế yêu cầu tập thể lãnh đạo Bệnh viện tiếp tục kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan, rà soát và chấp hành nghiêm các quy định, quy chế quản lý bệnh viện và trong hoạt động khám, chữa bệnh; ổn định tư tưởng cho đội ngũ cán bộ nhân viên để họ yên tâm công tác, đảm bảo thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân.