Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, nơi hiện có diện tích rừng lớn nhất, cũng là nơi vi phạm diễn ra nghiêm trọng. Kết quả thống kê năm 2011 cho thấy, công tác quản lý bảo vệ rừng đã có những chuyển biến tích cực, số vụ vi phạm giảm so với năm 2010, tình hình vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, phá rừng trên quy mô lớn đã được kiềm chế, giảm thiệt hại. Tuy nhiên, còn phổ biến tình trạng vi phạm các quy định trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, gây hậu quả nghiêm trọng và bức xúc trong dư luận, nhất là dịp đầu năm 2011.
Để công tác quản lý bảo vệ rừng trong thời gian tới hiệu quả hơn, bên cạnh nhiều biện pháp như củng cố việc phòng cháy chữa cháy rừng, đẩy mạnh giao đất giao rừng, ông Hà Công Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Lâm nghiệp yêu cầu tăng cường kiểm tra, đôn đốc hoạt động của các chủ rừng cũng như chính quyền cơ sở. Đồng thời, phải quản lý việc phá rừng, phát nương làm rẫy, khai thác lâm sản trái pháp luật; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tại chỗ để sẵn sàng phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá rừng trong mọi tình huống.
Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành cho biết thời gian tới, cần rà soát, thống kê xác định các tụ điểm về phá rừng, khai thác lâm sản, các đường dây, "đầu nậu” chuyên buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép để kịp thời chỉ đạo phối hợp các lực lượng trên địa bàn có biện pháp điều tra, xử lý. Đồng thời, cần đưa tin kịp thời và khách quan về các vụ phá rừng, phê phán các hành vi trái pháp luật, xâm hại rừng và chống người thi hành công vụ. Các trường hợp chống người thi hành công vụ cần xử lý dứt điểm, nghiêm minh gắn với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Lâm nghiệp cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát các xưởng chế biến lâm sản, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và thu hồi tang vật. Đối với các cơ sở chế biến gỗ không đảm bảo nguồn gốc lâm sản hợp pháp hoặc không phù hợp với quy hoạch địa phương thì không cấp mới giấy đăng ký kinh doanh. Việc quản lý cũng sẽ cần được tăng cường, tránh tình trạng lợi dụng quay vòng hồ sơ để buôn bán gỗ bất hợp pháp.
Một giải pháp trọng tâm khác, theo Lãnh đạo Cục là huy động các lực lượng công an, quân đội phối hợp với kiểm lâm kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tình trạng phá rừng lấy gỗ, lâm sản và đất sản xuất trái pháp luật, tập trung giải quyết dứt điểm các điểm nóng về phá rừng, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật để trồng lại rừng. Xử lý nghiêm minh những vi phạm theo pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, tập trung thống kê, điều tra, triệt phá những “đầu nậu”, chủ đường dây buôn bán lâm sản trái pháp luật; rà soát, xử lý dứt điểm các vụ án tồn đọng gắn với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để giáo dục, răn đe phòng ngừa chung.
Chấn chỉnh vi phạm từ “bên trong”
Nguyên nhân khiến rừng vẫn bị “chảy máu”, theo lãnh đạo Tổng Cục Lâm nghiệp, có một phần do lực lượng kiểm lâm còn “mỏng” và địa vị pháp lý hạn chế so với yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, những vụ việc liên quan đến vi phạm lâm luật mới đây còn cho thấy một thực tế khác là vẫn còn một bộ phận cán bộ kiểm lâm chưa thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ được giao, năng lực hạn chế, vi phạm quy trình công tác. “Thậm chí có biểu hiện lạm dụng quyền hạn, tiếp tay cho người có hành vi khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật ảnh hưởng xấu đến uy tín của lực lượng kiểm lâm và gây bức xúc trong dư luận”, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận sau vụ lật xe chở gỗ làm 10 người chết ở tỉnh Nghệ An, lộ tẩy những tiêu cực của một số cán bộ kiểm lâm.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có công văn về việc tăng cường chấn chỉnh hoạt động của lực lượng kiểm lâm. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Cán bộ kiểm lâm tiêu cực, thủ trưởng sẽ bị xử lý.
“Những cán bộ, công chức kiểm lâm vi phạm pháp luật và quy định về cán bộ công chức cần kiên quyết đưa ra khỏi lực lượng kiểm lâm” - Bộ trưởng nhấn mạnh. Đồng thời, những người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ, công chức kiểm lâm thì bố trí những việc khác phù hợp hoặc cho chuyển công tác.
Bộ trưởng cũng yêu cầu khi có thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức, cá nhân phản ánh hoặc phát hiện dấu hiệu sai phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức kiểm lâm thì thủ trưởng đơn vị có cán bộ, công chức đó phải nhanh chóng xác minh, kết luận sự việc, xử lý hình sự hoặc đề xuất xử lý đúng pháp luật đối với cán bộ, công chức có sai phạm và trả lời cho tổ chức, người phản ánh.
Những đơn vị để cán bộ, công chức vi phạm các quy định của ngành, sách nhiễu, nhận hối lộ hoặc có hành vi tiêu cực khác, bên cạnh việc phải xử lý nghiêm đối với công chức vi phạm thì thủ trưởng đơn vị đó phải bị xử lý về trách nhiệm quản lý. Tập thể, lãnh đạo, cá nhân có liên đới đến sự việc đó sẽ không được xét danh hiệu thi đua ít nhất trong 1 năm.
Những chấn chỉnh kịp thời của Bộ trưởng, cùng những giải pháp của lãnh đạo ngành Kiểm lâm đưa ra đang được kỳ vọng sẽ là một “liều thuốc” đủ mạnh để thay đổi tình hình.
Mạnh Minh