Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
Do vị trí địa lý, đặc điểm địa hình, địa mạo cùng với tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Bình diễn ra hết sức phức tạp và ngày càng khốc liệt. Đặc biệt trong những năm gần đây, thiên tai thường xuyên gây hậu quả nghiêm trọng, với ước tính thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Gần đây nhất, tháng 10/2020, Quảng Bình phải gánh chịu tác động nghiêm trọng của đợt lũ lịch sử làm 25 người thiệt mạng, 197 người bị thương, gây thiệt hại ước tính 3.511 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình Đào Hữu Tuấn cho biết, cùng với các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình đã áp dụng các biện pháp về công nghệ thông tin nhằm giảm thiểu những tác động do thiên tai gây ra.
Cụ thể, Hội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả như: Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội, thành viên Đội ứng phó thiên tai, thảm họa cấp tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đánh giá thiệt hại, xác định nhu cầu trong giai đoạn khẩn cấp và xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh; phối hợp xây dựng các phần mềm thu thập thông tin và sử dụng các phần mềm phân tích thông tin đảm bảo hiệu quả như phần mềm kobotoolbox.
Đồng thời, nhóm truyền thông trong tình huống khẩn cấp và Đội ứng phó thiên tai, thảm họa cấp tỉnh đã lập, kết nối các trang mạng xã hội như zalo, facebook, fanpage Quảng Bình phòng, chống thiên tai... qua đó thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm, sẵn sàng kích hoạt triển khai các hoạt động khi có tình huống xảy ra.
Ông Đào Hữu Tuấn chia sẻ, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình đánh giá thiệt hại và nhu cầu trong giai đoạn khẩn cấp mang lại những hiệu quả rõ rệt như: giúp cập nhật địa bàn thiệt hại cơ bản chính xác và kịp thời; các số liệu thu thập tại địa bàn được cập nhật đầy đủ, thông tin cụ thể, đánh giá rõ từ những thiệt hại để có sự phân tích và đề xuất nhu cầu phù hợp với người dân; việc cung cấp và chia sẻ thông tin nhanh nhạy, hiệu quả cao; giúp tiết kiệm được các nguồn chi phí và nhân lực đáng kể.
Nhờ những hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá thiệt hại và nhu cầu, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã kêu gọi, vận động được nguồn lực lớn giúp người dân kịp thời ổn định cuộc sống sau thiên tai, thảm họa, ông Tuấn thông tin thêm.
Nâng cao năng lực cho Đội ứng phó cộng đồng
Cũng là một trong những tỉnh trọng điểm thiên tai của khu vực Duyên hải miền Trung, hàng năm, Quảng Bình phải gánh chịu nhiều đợt thiên tai: Bão, lũ, sạt lở đất… Thực hiện vai trò, chức năng nhiệm vụ của Hội trong công tác phòng, chống thiên tai, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều hoạt động phòng ngừa, ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ông Phan Công Ry, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Nam cho biết, Xác định công tác phòng,chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hàng năm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cấp Hội tham mưu thành lập 36 Đội ứng phó cộng đồng nòng cốt tại các xã trọng yếu về thiên tai. Thực tế cho thấy, đội ứng phó cộng đồng đã triển khai các hoạt động ứng phó rất hiệu quả… đặc biệt đã phát huy vai trò “xung kích”, “phản ứng nhanh” trong ứng phó cứu trợ khẩn cấp.
Đội ứng phó cộng đồng do UBND xã thành lập với số lượng từ 24-30 thành viên, đa số trong độ tuổi từ 30-45 và có sức khỏe. Đội được chia làm các tổ, phối hợp với các thôn, tổ chức tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).
Thành viên Đội ứng phó cộng đồng được trang bị kiến thức, kỹ năng thực hành cơ bản theo mô hình hoạt động cộng đồng ứng phó thảm họa (CADRE); thường xuyên được tập huấn nhắc lại... Các Đội ứng phó cộng đồng được trang bị các trang thiết bị cần thiết như: Áo phao, phao cứu sinh, đèn pin, mũ bảo hộ, bộ đồ đi mưa… để đảm bảo triển khai các hoạt động ứng phó thiên tai.
Các hoạt động được điều hành qua nhóm Zalo Đội ứng phó thiên tai, thảm họa cấp tỉnh với gần 100 thành viên ở khắp nơi trong tỉnh. Đây là thành phần mở rộng gồm các cán bộ Chữ thập đỏ cơ sở, tình nguyện viên từ các ngành ở cấp xã, thôn, người có uy tín... Khi có thiên tai đây là lực lượng bám sát, gần nhất, có thông tin, hình ảnh nhanh nhất… từ hiện trường, ông Ry thông tin.
Chia sẻ rõ hơn về hoạt động này, ông Phan Công Ry cho biết, trước khi thiên tai xảy ra, Đội trưởng Đội ứng phó thảm họa cấp tỉnh (là Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh) kích hoạt qua Zalo, điện thoại cho các Đội ứng phó cộng đồng và các thành viên mở rộng chuẩn bị ứng phó, cung cấp thông tin, hình ảnh và phối hợp ra quân ứng phó bằng nhiều hoạt động như: Giúp dân chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây cối; hỗ trợ sơ tán các hộ gia đình ở khu vực có nguy cơ cao và các đối tượng dễ bị tổn thương đến nơi an toàn; đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và hậu cần tại nơi sơ tán; triển khai lực lượng canh gác, cảnh báo hướng dẫn phân luồng giao thông đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tại những nơi nguy cơ rủi ro cao; tuyên truyền về tình hình cơn bão để nhân dân kịp thời ứng phó.
Trong thiên tai, đội ứng phó tiếp tục hỗ trợ người dân sơ tán, sơ cấp cứu người bị nạn, thực hiện hiệu quả các hoạt động cứu hộ, cứu nạn và tổ chức phối hợp với chính quyền, các tổ chức, cá nhân cứu trợ khẩn cấp các hộ có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng dễ bị tổn thương.
Sau thiên tai, thành viên các đội ứng phó phối hợp với các lực lượng tại địa phương tiến hành các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ người dân dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa; rà soát, kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại, nhu cầu của người dân để đề xuất cứu trợ; hỗ trợ chính quyền địa phương tham gia cấp phát hàng cứu trợ...
Theo ông Phan Công Ry, thiên tai, thảm họa ngày càng khốc liệt, khó lường. Vì vậy, hoạt động của các Đội ứng phó cộng đồng ngày càng nặng nề, đòi hỏi các cấp chính quyền và Hội Chữ thập đỏ chú trọng xây dựng, củng cố Đội ứng phó cộng đồng, nâng dần lên chuyên nghiệp, đa năng nhằm từng bước nâng cao năng lực trong phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa tại cơ sở. Hàng năm nên rà soát, bổ sung phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị sát với thực tế; đảm bảo hỗ trợ thiết thực, kịp thời cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.