Nhan nhản vi phạm Theo khảo sát của phóng viên báo Tin Tức, vi phạm liên quan đến hút thuốc lá nơi công cộng diễn ra rất phổ biến, ở ngay cả những địa điểm mà luật quy định cấm hút thuốc lá hoàn toàn như: Công sở, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em…
Kiểm tra việc thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá tại nhà ga Hà Nội. Ảnh: LVH |
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K… người dân vẫn vô tư hút thuốc lá, nhất là ở khuôn viên vườn hoa, khu vực chờ khám, chờ đến giờ vào thăm bệnh nhân... Khi bị nhắc nhở, nhiều người tỏ ra khó chịu, vội vã hút thuốc lá ngay sau khi nhân viên bảo vệ đi khỏi, chỉ có số ít tìm sang khu vực khác khuất tầm nhìn để tiếp tục hút thuốc. Đa phần các đấng mày râu đều cho biết: “Thấy nói là có luật về thuốc lá, nhưng không rõ về quy định cấm như thế nào”.
Trong lúc chờ đến giờ vào thăm bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, bà Nguyễn Thị Thắng, Quỳnh Lôi, Hà Nội, bức xúc phản ánh: “Tôi bị khó thở nên rất sợ và dị ứng với khói thuốc lá. Thế nhưng, quanh khu vực chờ vào thăm bệnh nhân này vẫn nhiều thân nhân người bệnh hút thuốc. Không riêng gì tôi, nhiều người khác cũng rất khó chịu, bày tỏ thái độ ra mặt nhưng họ vẫn hút thuốc lá; lên tiếng đề nghị một thanh niên đi chỗ khác hút thì anh ta còn sẵng giọng, quay lại nhìn tôi với ánh khó chịu và sẵn sàng sửng cồ”.
Dù luật cấm tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức, nhưng đến nay, tại các quán bia, các quán ăn hay nhà hàng, vẫn thường bắt gặp những nữ nhân viên xinh đẹp tiếp thị thuốc lá tới các thực khách. Và mặc dù đã có quy định không được bán thuốc lá trong phạm vi 100 m gần khu vực cổng trường, bệnh viện nhưng tại nhiều trường học, việc bán thuốc lá vẫn diễn ra. Quy định xây dựng phòng dành riêng cho người hút thuốc ở nơi công cộng như khu vực cách ly của sân bay, quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch…, đến nay, cũng chỉ có khu vực sân bay hoặc khách sạn từ 4 sao trở lên mới thực hiện được.
Theo bà Lê Việt Hoa, cán bộ Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, với tình hình “tấc đất tấc vàng” như hiện nay, chẳng mấy ai muốn thực hiện quy định xây dựng phòng riêng cho người hút thuốc lá ở nơi công cộng. Trong khi đó, vì nhiều nguyên nhân nên việc xử lý sai phạm của các cơ quan chức năng trong hoạt động này chưa được triệt để.
“Trong những lần đi giám sát, kiểm tra việc thực hiện Luật PCTHTL cho thấy, chưa nhiều nhà hàng, quán ăn hiểu rõ về các quy định trong luật; hơn 50% nhà hàng làm các biển báo cấm hút thuốc lá theo tự phát. Nhiều chủ cơ sở cho biết việc yêu cầu thực khách không hút thuốc rất khó, bởi trong số khách hàng có cả các quan chức”, bà Lê Việt Hoa, chia sẻ.
Tập trung “điểm nóng”, nêu gương “điểm sáng”“Việc kiểm tra, giám sát, xử phạt các hành vi vi phạm Luật PCTHTL thời gian qua mới làm ở mức thí điểm. Như vậy là quá ít, chưa đủ sức răn đe. Do đó, công tác này cần phải được đẩy mạnh hơn”, ông Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhận xét.
Đồng tình với quan điểm này, bà Lê Việt Hoa cho rằng, sau giai đoạn tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt vi phạm thí điểm như thời gian qua, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra và xử lý các vi phạm. Việc xử phạt cần kiên quyết hơn. Đặc biệt, Việt Nam nên học tập kinh nghiệm các nước đã thành công trong việc cấm, xử phạt hành vi hút thuốc nơi công cộng. Như ở Singapore, vứt đầu mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định nếu bị phát hiện, người vi phạm lập tức bị lập biên bản tại chỗ và xử phạt ngay. Tại các nhà hàng, khách sạn… việc xử phạt với mức phạt cao được áp dụng trước tiên với người quản lý nơi công cộng. Do đó, người đứng đầu các đơn vị đều chủ động tìm hiểu, hướng dẫn nhân viên triển khai các hoạt động PCTHTL đúng theo luật định.
“Theo kinh nghiệm của các nước, Việt Nam hoàn toàn có thể làm tốt công tác kiểm tra. Việc tăng cường lồng ghép kiểm tra thực hiện môi trường không khói thuốc lá của đoàn kiểm tra liên ngành (thanh tra y tế, lực lượng công an, quản lý thị trường…) chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả, có sức răn đe lớn trong cộng đồng”, bà Lê Việt Hoa nhận định.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết: “Đúng là việc thực hiện cấm hút thuốc lá tại các nhà hàng, quán cà phê… còn đang mắc nhiều hạn chế. Bộ Y tế đã nhìn nhận được vấn đề này nên đã có kế hoạch hoạt động cho năm 2016 và những năm tiếp theo. Cụ thể, đã giao cho Sở Y tế, các cơ quan y tế tại các địa phương phải làm tốt công tác truyền thông, cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra”.
Theo ông Quang, trước mắt, việc tuyên truyền và kiểm tra sẽ tập trung vào những khu vực, đơn vị có đông người sử dụng thuốc lá; nếu cơ sở nào thực hiện tốt sẽ được tuyên truyền là “điểm sáng” nhằm tạo sức lan tỏa đối với cộng đồng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tiếp tục triển khai thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về Luật PCTHTL.Tuy nhiên, việc thực thi luật đòi hỏi sự vào cuộc kiên quyết hơn nữa của các cấp chính quyền, cơ quan công an, đội ngũ quản lý thị trường nhằm tạo một sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả công tác PCTHTL trong thời gian tới.