Báo động tình trạng xâm hại trẻ em
Theo báo cáo, hiện nay, toàn quốc hiện có khoảng gần 24,8 triệu trẻ, trong đó trẻ em nam khoảng 12,9 triệu trẻ; trẻ em nữ khoảng gần 11,9 triệu trẻ. Số lượng trẻ em đang học cấp mầm non và các cấp học phổ thông đạt gần 21,4 triệu học sinh. Tỷ lệ đi học chung của bậc tiểu học là 101%, bậc Trung học Cơ sở gần 93%, bậc Trung học Phổ thông là 72,3%. Hiện, toàn quốc có khoảng 91,7% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện đang đi học, 8,3% dân số không đi học.
Tính đến năm 2017, trước khi Luật trẻ em 2016 có hiệu lực, toàn quốc có 3.325 trẻ em lang thang; gần 1,8 triệu trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 7,16% dân số trẻ em. Từ năm 2015 đến ngày 30/6/2019, toàn quốc có 8.709 trẻ em bị xâm hại tình dục; bị giết; cố ý gây thương tích; mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt… Hiện có khoảng hơn 1 triệu lao động trẻ em, trong đó có khoảng 501 nghìn trẻ em không đi học và hơn 15.000 trẻ em chưa từng đi học.
Trong những năm gần đây, các vụ việc xâm hại trẻ em được phát hiện ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Một số địa phương xảy ra những vụ việc gây bức xúc lớn trong dư luận xã hội như Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai, Bắc Giang, Vĩnh Long, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Nội… Các hành vi xâm hại trẻ em xảy ra ở cả cộng đồng, nhà trường và gia đình của trẻ với tính chất vụ việc ngày càng nghiêm trọng, phức tạp.
Các vụ xâm hại trẻ em được Công an các cấp tiếp nhận, xử lý đạt khoảng 81%, trong đó đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 18 trở lên, 95% nam giới, đối tượng xâm hại bao gồm cả những người có trình độ cao, là cán bộ, công nhân viên nhưng tập trung khá cao ở các đối tượng không có nghề nghiệp. Thủ phạm xâm hại trẻ em thường là người quen; những đối tượng lạ mặt lợi dụng hoàn cảnh đường vắng, trẻ ở nhà một mình, sử dụng chất kích thích; lợi dụng chức trách, quyền hạn thực hiện hành vi xâm hại trẻ em…
Từ năm 2015 đến tháng 6/2019 có 146 trẻ em bị xâm hại dẫn tới tử vong; 375 em bị thương tật; 193 em bị rối loạn tâm thần; 418 em có thai; 180 em phải bỏ học. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, xâm hại trẻ em không chỉ gây ra nhiều hậu quả trước mắt mà ảnh hưởng lâu dài trong suốt cuộc đời của trẻ; ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển não bộ, sức khỏe thể chất và tâm thần; nguy cơ bỏ học, kết quả học tập kém; quan hệ tình dục sớm, mang thai và sinh con khi chưa đến tuổi trưởng thành; các vấn đề về hành vi, kể cả các hành vi bạo lực và vi phạm pháp luật… của trẻ. Hậu quả của các hành vi xâm hại trẻ em ảnh hưởng đến trật tự, an ninh của xã hội, biểu hiện sự xuống cấp của đạo đức xã hội, gây tâm lý lo sợ trong dư luận xã hội.
Nguyên nhân của tình hình xâm hại trẻ em được xác định do một số quy định của pháp luật của Việt Nam hiện nay chưa theo kịp tình hình thực tiễn, chưa tương thích với pháp luật quốc tế và chưa đủ sức răn đe; ý thức chấp hành, thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền chưa nghiêm.
Bên cạnh đó, mặt trái của kinh tế thị trường kéo theo nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ, đặc biệt nguy cơ xâm hại trẻ em do tác động môi trường mạng diễn biến phức tạp, không được kiểm soát kịp thời và xử lý triệt để. Trong khi đó, công tác tuyên truyền chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chưa có phương pháp phù hợp, tuyên truyền chưa đến được với nhóm có nguy cơ cao, đặc biệt vùng sâu, vùng nông thôn hẻo lánh và khu vực biên giới.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ
Báo cáo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu rõ, công tác xây dựng, ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được Chính phủ quan tâm chỉ đạo, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra. Theo đó, Chính phủ đã chủ động trong việc xây dựng, trình Quốc hội thông qua và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, nội dung các văn bản hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Các văn bản này cũng góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Nhiều quy định mới đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc tiếp nhận thông tin, giải quyết các vụ việc xâm hại trẻ em; hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng, ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em bộc lộ một số hạn chế, nhược điểm như các quy định nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, các quy định pháp lý về quy trình tố tụng thân thiện đối với các vụ án xâm hại trẻ em chưa cụ thể, chậm sửa đổi, bổ sung. Trong khi đó, một số dấu hiệu hoặc tình tiết cấu thành tội phạm chưa được quy định cụ thể trong Bộ luật hình sự; một số hình thức xâm hại trẻ em chưa được quy định cụ thể…
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được thể hiện qua 9 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng; xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh; hỗ trợ, can thiệp khi trẻ em có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác phối hợp phòng, chống xâm hại trẻ em; hợp tác quốc tế; công tác tổ chức, cán bộ, bảo đảm kinh phí cho hoạt động và công tác khác thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Theo đó, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đã được Chính phủ thực hiện nghiêm túc, triển khai hiệu quả theo đúng trách nhiệm được giao. Trong điều kiện còn khó khăn về nguồn lực, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, nỗ lực thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, lồng ghép với các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý và phối hợp triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương.
Ngoài ra, Chính phủ ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, chính sách quan trọn, tạo những chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, thúc đẩy và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Các cơ quan thông tin, truyền thông, mạng xã hội quan tâm đến phòng, chống xâm hại trẻ em, trong đó, nhiều vụ việc được cơ quan truyền thông, mạng xã hội phát hiện, đưa tin.
Sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cơ quan chức năng cấp trung ương và chính quyền một số địa phương trong chỉ đạo, giải quyết các vụ việc xâm hại trẻ em đã từng bước củng cố niềm tin của người dân, tạo sự ủng hộ từ dư luận xã hội, đẩy mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Ngoài ra, công tác hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ đối với trẻ em là nạn nhân bị xâm hại từng bước được tuân thủ chặt chẽ theo quy định của pháp luật; hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em bước đầu được hình thành và phát triển.
Ngoài ra, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em tiếp tục nhận được sự quan tâm hợp tác và hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, tạo điều kiện để Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến quyền trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em.
Tuy nhiên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, dự báo trong thời gian tới, tình hình bạo lực và xâm hại trẻ em sẽ có diễn biến phức tạp và luôn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng; phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt; tính chất, mức độ nguy hiểm ngày càng cao, hậu quả tác hại ngày càng lớn.
Do đó, Chính phủ đã đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, trong đó chú trọng việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; nghiên cứu đề xuất việc gia nhập Công ước La Hay năm 1980; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Bộ luật Lao động năm 2019; các chương trình, đề án, kế hoạch về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất các giải pháp về nguồn lực, tổ chức thực hiện nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ.
Trước cảnh báo nguy cơ xâm hại trẻ em, Chính phủ đề nghị Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương tăng cường đôn đốc, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới của các cấp ủy, đặc biệt việc xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện Chỉ thị của các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc trung ương.
Quốc hội, HĐND các cấp tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, địa phương và người đứng đầu về việc thực hiện quyền trẻ em; việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của ngành và địa phương giai đoạn 2021-2025 và hằng năm.
Đồng thời, Chính phủ đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội chú trọng việc xem xét, đánh giá, những vấn đề liên quan đến trẻ em, đặc biệt vấn đề bảo vệ trẻ em trong các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Luật trẻ em; chỉ đạo việc nghiên cứu khả năng xây dựng đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên để đồng bộ hóa và quy định cụ thể yêu cầu, thủ tục, tiêu chuẩn “đặc biệt” về tư pháp toàn diện đối với người chưa thành niên.
Đồng thời, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về quy trình, thủ tục điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn theo thẩm quyền các quy định liên quan đến việc Tòa án ra quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em trong trường hợp trẻ em bị xâm hại bởi chính cha, mẹ, người chăm sóc theo khoản 3 Điều 52 Luật trẻ em.
Chính phủ đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tăng cường các hoạt động giám sát và phản biện xã hội đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách; kịp thời phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật, cản trở việc thực hiện quyền trẻ em, xâm hại trẻ em…