Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, việc triển khai thông báo lưu trú qua phần mềm ASM hướng đến thay đổi phương thức thực hiện thủ tục hành chính thủ công sang phương thức điện tử; góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, xã hội số, đô thị thông minh (Hue-S) phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, sớm đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị các cơ sở kinh doanh lưu trú và khám chữa bệnh phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh để tập huấn sử dụng phần mềm, bố trí hạ tầng, lắp đặt thiết bị đảm bảo triển khai thông báo lưu trú qua phần mềm ASM hiệu quả. Các Sở Y tế, Du lịch, Thông tin và Truyền thông cùng Công an tỉnh theo dõi, đánh giá, đôn đốc các cơ sở thực hiện; đồng thời rút kinh nghiệm, chọn cách làm hay để nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Việc thực hiện thông báo lưu trú qua phầm mềm ASM được triển khai thí điểm tại 15 khách sạn và 3 bệnh viện trên địa bàn thành phố Huế trong một tháng (từ ngày 1 - 30/6). Sau đó, Đề án được triển khai ở tất cả các cơ sở kinh doanh lưu trú, khám chữa bệnh trên toàn tỉnh.
Du khách, bệnh nhân lưu trú tại khách sạn, bệnh viện cung cấp thẻ căn cưới công dân cho nhân viên khách sạn, cán bộ bệnh viện để nhập thông tin lưu trú trên phần mềm ASM của Bộ Công an. Phần mềm này được kết nối với Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Dữ liệu cá nhân của người bệnh được đảm bảo bảo mật; thông tin lưu trú cũng được cập nhật, đồng bộ liên tục lên hệ thống. Nhờ đó, khách sạn, bệnh viện giảm được thời gian nhập liệu các thông tin bệnh nhân. Thông tin đăng ký lưu trú tự động gửi đến cơ quan Công an nhanh chóng và kịp thời.
Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ, đơn vị là một trong những bệnh viện có số giường bệnh lớn nhất cả nước. Ngoài hàng nghìn bệnh nhân lưu trú, mỗi ngày bệnh viện đón từ 3.000 - 4.000 người bệnh đến thăm khám và người nhà đi cùng. Do đó, nhân viên Bệnh viện Trung ương Huế gặp không ít khó khăn trong việc quản lý lượng lớn người dân ra vào, lưu trú bằng phương pháp ghi chép hàng ngày. Việc triển khai thông báo lưu trú qua phần mềm ASM sẽ hỗ trợ đắc lực đơn vị theo dõi, quản lý chặt chẽ, có hệ thống lượng bệnh nhân, người nhà.
Việc ứng dụng khai báo lưu trú trực tuyến cũng là bước đột phá trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Không chỉ giảm công sức đi lại, giấy tờ cho công dân mà còn tạo thuận lợi cho cán bộ Công an trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; thuận tiện trong quá trình theo dõi, quản lý, chấn chỉnh việc tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, chiến sỹ Công an xã, phường, thị trấn đúng theo quy định, Đại tá Nguyễn Đình Thừa, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay.
Ngày 28/4, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Bộ Công an ký kết kế hoạch phối hợp số 171/KHPH-BCA-UBND về triển khai thực hiện các nhiệm vụ Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (viết tắt là Đề án 06). Theo đó, Đề án triển khai 24 mô hình, trong đó có triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, nhà khách, nhà công vụ và triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại cơ sở khám chữa bệnh.