Thành phố Thái Nguyên - Dáng vóc của một vùng kinh tế trọng điểm

Nằm cạnh con sông Cầu uốn lượn hiền hòa, giữa hai vùng tiêu biểu Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ, thành phố Thái Nguyên hội tụ đầy đủ những tiềm năng, thế mạnh để chuyển mình thành một vùng kinh tế trọng điểm của cả nước…

Một góc Thành phố Thái Nguyên hôm nay.

Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, thành phố Thái Nguyên đã và đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.         

Lịch sử hào hùng         

Thành phố Thái Nguyên tiền thân là thị xã Thái Nguyên, thủ phủ của Khu tự trị Việt Bắc. Nơi đây còn vinh dự được Trung ương Đảng, Chính phủ lựa chọn là trung tâm luyện kim đen đầu tiên của cả nước.

Để phát huy vị thế của một trung tâm công nghiệp lớn, ngày 19/10/1962, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 114 thành lập thành phố Thái Nguyên trên cơ sở sáp nhập thị xã Thái Nguyên và một số vùng lân cận với tổng diện tích tự nhiên là 16 km2, dân số khoảng 60 nghìn người, gồm 4 khu phố, 2 thị trấn và 6 xã. 55 năm qua, thành phố đã qua nhiều lần điều chỉnh, chuyển đổi, nâng cấp để phù hợp với vị trí và tầm vóc của một thành phố mang tầm khu vực và không ngừng xây dựng, phát triển tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực.

Tháng 9/2010, thành phố Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Ngày 20/12/2016, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 2486/QĐ-TTg, về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên đến năm 2035. Theo đó, Thành phố sẽ mở rộng theo hướng Đông và hướng Bắc; định hướng phát triển không gian đô thị thành phố sẽ phát triển hai bên bờ sông Cầu, theo mô hình đô thị sinh thái, đa trung tâm gắn với việc hình thành các khu chức năng.

Ngày 18/8/2017, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 422/NQ-UBTVQH14  về việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố Thái Nguyên và thành lập 2 phường thuộc thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên gồm: xã Sơn Cẩm (huyện Phú Lương); thị trấn Chùa Hang, xã Linh Sơn, xã Huống Thượng (huyện Đồng Hỷ) và xã Đồng Liên (huyện Phú Bình) về thành phố và thành lập phường Đồng Bẩm, phường Chùa Hang thuộc thành phố Thái Nguyên.

Sau nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố Thái Nguyên hiện có diện tích tự nhiên là 222,93 km2, dân số hơn 36 vạn người; 32 đơn vị hành chính gồm 21 phường và 11 xã.         

Bứt phá thành vùng kinh tế trọng điểm

Công trình cầu Bến Tượng bắc qua sông Cầu - công trình trọng điểm của thành phố Thái Nguyên đang được đầu tư xây dựng.

Nhìn lại những năm đầu thành lập, thành phố còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn; kinh tế chậm phát triển; đời sống người dân còn thiếu thốn; thành phố đã phải hứng chịu những thiệt hại năng nề do chiến trang phá hoại của đế quốc Mỹ trong suốt gần 10 năm (1965 - 1975). Trong cuộc kháng chiến đó, thành phố đã đóng góp không ít sức người, sức của và được mệnh danh là “Thành phố Anh hùng”.

Đến nay, thành phố Thái Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực và đang trở thành đầu tầu kinh tế của tỉnh cũng như vùng trung du miền núi phía Bắc. Kinh tế phát triển khá nhanh và bền vững, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đều hoàn thành và vượt mức so với kế hoạch, trong đó một số chỉ tiêu đạt mức tăng cao như: tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt 15,5%; thu ngân sách năm 2016 đạt 1.479 tỷ đồng, năm 2017 ước đạt  2.500 tỷ đồng (gấp hơn 2 lần so với năm 2012); GDP bình quân đầu người đạt trên 80 triệu đồng/người/năm.

Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao; 100% các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Lĩnh vực thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị thành phố có bước đột phá, phát triển vượt bậc. Nhiều đề án, dự án lớn, công trình trọng điểm được triển khai trên địa bàn như: Dự án “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc thành phố Thái Nguyên”; dự án Nghĩa trang An Lạc Viên Indevco Thái Nguyên; Dự án Quảng trường Võ Nguyên Giáp; Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu; Dự án đường Hồ Núi Cốc… với tổng mức đầu tư trên 45.000 tỷ đồng.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Viết, 94 tuổi sống tại phường Hoàng Văn Thụ, là một trong những bậc cao niên chứng kiến những thăng trầm đổi thay của thành phố bồi hồi nhớ lại: “Ngày xưa thị xã còn thưa thớt lắm, chỉ vẻn vẹn vài dãy phố mái ngói, tường phủ đầy rêu, người dân cũng vắng. Bây giờ thành phố sầm uất và đẹp hơn, có nhiều nhà cao tầng, trường học, bệnh viện lớn, người già chúng tôi phấn khởi lắm”.

Còn với chủ trương mở rộng địa giới hành chính thành phố Thái Nguyên, ông Nguyễn Mạnh Hùng trú tại xóm Đồng Tâm, xã Đồng Liên, huyện Phú Bình (là một trong 5 xã sáp nhập về thành phố Thái Nguyên) hồ hởi cho biết: “Người dân chúng tôi rất đồng tình với chủ trương này, khi sáp nhập về thành phố, chúng tôi sẽ được hưởng nhiều ưu đãi hơn về cơ sở hạ tầng cũng như chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, an sinh xã hội…”.

Trong 55 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Thái Nguyên đã vinh dự được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, được tặng thưởng 2 Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Công nhân Công ty Glonic sản xuất phụ kiện cho Tập đoàn Samsung tại Cụm công nghiệp Tân Lập, Thành phố Thái Nguyên.

Đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Thái Nguyên cho biết: “Thành phố sẽ tiếp tục thu hút mọi nguồn lực đầu tư  để phát triển, mở rộng đô thị về các hướng. Thực tế hiện nay nhiều nhà đầu tư có uy tín đã tin tưởng, tâm huyết đầu tư những dự án lớn trên địa bàn thành phố. Thành phố sẽ dồn sức cùng với nhà đầu tư thực hiện các dự án theo đúng tiến độ đề ra, quyết tâm cùng với nhân dân xây dựng thành phố Thái Nguyên ngày càng phát triển, xứng với vị trí trung tâm của vùng…”.

Phát huy truyền thống 55 năm xây dựng và phát triển, với thế và lực mới, đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Thái Nguyên tiếp tục ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; xây dựng thành phố Thái Nguyên phát triển nhanh và bền vững, từng bước văn minh, hiện đại.

Hoàng Nguyên - Thu Hằng (TTXVN)
Thái Nguyên kiên quyết không để bệnh sốt xuất huyết lan rộng
Thái Nguyên kiên quyết không để bệnh sốt xuất huyết lan rộng

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thái Nguyên, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 36 trường hợp mắc sốt xuất huyết, rải khắp tại 9/9 huyện, thành phố, thị xã; trong đó hầu hết các bệnh nhân di chuyển từ địa phương có dịch bệnh về.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN