Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại đã đi vào lịch sử, ghi dấu chiến công của Lực lượng Thanh niên xung phong trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Các Anh hùng, Liệt sỹ đã trở thành “Những bông hoa bất tử” như Tố Hữu từng ngợi ca: “Có những phút làm nên lịch sử/Có cái chết hóa thành bất tử”.
Tượng đài về ý chí sắt đá và sự hy sinh
Ngã ba Đồng Lộc nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác. Hai bên là đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo, giao điểm của Quốc lộ 15 và Quốc lộ 15B thuộc địa phận xã Đồng Lộc. Ngã ba Đồng Lộc là tượng đài về ý chí sắt đá và sự hy sinh cao cả của lực lượng Thanh niên xung phong trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Từ cuối tháng 4/1965, Quốc lộ 1A bị chia cắt hoàn toàn, hàng hóa vận tải bằng đường bộ chi viện cho chiến trường miền Nam đều phải đi qua Ngã ba Đồng Lộc. Từ đây, Ngã ba Đồng Lộc trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ. Trong suốt 7 tháng “ném bom hạn chế” trong năm 1968, địch đã tập trung đánh phá vào Ngã ba Đồng Lộc với một khối lượng bom đạn rất lớn, song các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ làm nhiệm vụ chiến đấu ở đây vẫn kiên cường bám trụ trận địa, tổ chức đánh địch hiệu quả. Lúc cao điểm, nơi này có tới 1,6 vạn người, chủ yếu là bộ đội pháo binh và lực lượng thanh niên xung phong phá bom, mở đường. Hỏa lực mạnh của Trung đoàn pháo cao xạ 210 kết hợp với các cụm hỏa lực 12,7 ly của dân quân tự vệ trong khu vực đã tạo thành lưới lửa dày đặc trên vùng trời Ngã ba Đồng Lộc, đảm bảo an toàn cho việc thông xe, thông đường chi viện từ miền Bắc vào miền Nam.
Với tinh thần đảm bảo thông suốt cho con đường vận tải chiến lược từ miền Bắc vào miền Nam, quân và dân Đồng Lộc đã đoàn kết một lòng chiến đấu, hy sinh…để từ đó làm thất bại hoàn toàn âm mưu cắt đứt con đường vận tải chiến lược Bắc - Nam qua Đồng Lộc của đế quốc Mỹ. Nơi đây đã trở thành huyền thoại trong những năm chống Mỹ cứu nước của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh.
Trong những ngày đọ sức quyết liệt với bom đạn kẻ thù, tại Ngã ba Đồng Lộc, xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, kiên cường. Điển hình là 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55. Mười cô gái Đồng Lộc kiên cường, dũng cảm đó là: Võ Thị Tần (24 tuổi, Tiểu đội trưởng), Hồ Thị Cúc (24 tuổi, Tiểu đội phó), Nguyễn Thị Nhỏ (24 tuổi), Dương Thị Xuân (21 tuổi), Võ Thị Hợi (20 tuổi), Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi), Hà Thị Xanh (19 tuổi), Trần Thị Hường (19 tuổi), Trần Thị Rạng (18 tuổi), Võ Thị Hà (17 tuổi).
Các chị đã anh dũng hy sinh ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, độ tuổi đẹp nhất của đời người, để hóa thân vào hồn thiêng sông núi, minh chứng cho khát vọng hòa bình, lòng quả cảm của tuổi trẻ Việt Nam. Các chị là “những đóa hoa bất tử” góp phần dệt nên bức tranh hòa bình của dân tộc. Tên của các chị đã hóa thành tên chung: 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc, đại diện cho hàng trăm, hàng nghìn người từ mọi miền Tổ quốc đã hy sinh trên vùng đất này.
Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước
Chiến tranh đã đi qua. Tọa độ bom cày, đạn xới năm xưa giờ đây đã trở thành một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ. Ngã ba Đồng Lộc mỗi ngày ghi dấu chân hành hương của hàng trăm, hàng nghìn người tới viếng thăm, tri ân sự hy sinh cao cả của những anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc.
Khu mộ của 10 nữ Anh hùng Thanh niên xung phong nằm dưới một ngọn đồi thoai thoải, yên nghỉ ngàn thu trong tư thế sóng hàng theo đội hình của người xung trận giữa bao la đất trời. Năm 1989, Khu Di tích lịch sử ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Từ đó đến nay, Trung ương Đoàn, các tổ chức, cá nhân đã đầu tư xây dựng nhiều công trình như: Tượng Đài chiến thắng, Khu mộ 10 nữ Liệt sỹ, Nhà truyền thống, Nhà bia tưởng niệm lực lượng Thanh niên xung phong toàn quốc, Phòng trưng bày, Tháp chuông, đồi La Thị Tám...
Anh Đào Anh Tuân, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc chia sẻ: Cán bộ, nhân viên Khu Di tích luôn coi đây như mái nhà thứ hai của mình. Mọi người đều chăm chút chu đáo nơi yên nghỉ của các chị. Việc hướng dẫn và đón tiếp khách là một trong những tiêu chí quan trọng. Để xây dựng nét đẹp văn hóa trong công tác hướng dẫn, đón tiếp, chúng tôi đã thường xuyên chỉ đạo cán bộ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ này một cách tận tình, chu đáo; thường xuyên trau dồi nội dung thuyết minh, rèn luyện tác phong và cách diễn đạt, đặc biệt là chất giọng truyền cảm đặc trưng của người Hà Tĩnh.
Những ngày tháng Bảy này, mỗi ngày, Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc đón gần 2.000 lượt khách đến tham quan, dâng hương. Đặc biệt những ngày cao điểm có hơn 3.000 lượt khách. Vì vậy, công tác đảm bảo an ninh trật tự, nâng cấp, tu sửa và vệ sinh dọn dẹp Khu Di tích luôn được Ban Quản lý chú trọng. Bên cạnh đội ngũ cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Khu Di tích, dịp này, Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh đã huy động 20 tình nguyện viên đến hỗ trợ các phần việc tại Khu Di tích. Công an huyện Can Lộc hỗ trợ cán bộ đến phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự tại Khu Di tích.
Hòa trong dòng người đến viếng thăm Ngã ba Đồng Lộc, bà Chu Thị Tâm (ở phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh, Nghệ An) cho biết: Bà từng là thanh niên xung phong tham gia chiến đấu tại Hàm Rồng, Thanh Hóa. Mấy năm trở lại nay, khi sức còn khỏe, năm nào, bà cũng hành hương về các địa chỉ đỏ. Trước anh linh các Anh hùng Liệt sỹ, những đồng đội của mình, bà vô cùng xúc động.
Em Nguyễn Hải Na, sinh viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, là thế hệ trẻ, được sinh ra trong hòa bình, khi đến Ngã ba Đồng Lộc, tôi được hiểu thêm về lịch sử nước nhà và bồi đắp tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng thông qua những thước phim tư liệu quý giá, những câu chuyện, kỷ vật chiến tranh được lưu giữ ở đây.
Địa danh Ngã ba Đồng Lộc ác liệt ngày ấy, bây giờ đã khang trang, đổi mới. Những vết thương của một thời bom đạn đã dần lành lặn trên mỗi thân đất, thân người nhưng huyền thoại về 10 cô gái Thanh niên xung phong, về những người lính đã chiến đấu trên chiến trường Đồng Lộc sẽ lưu dấu muôn đời, trở thành những bông hoa bất tử trong lòng người dân Việt.