Lạng Sơn: Tại xã Xuất Lễ (huyện biên giới Cao Lộc) Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Lâm Thị Phương Thanh đã thăm và tặng quà cho gia đình bà Lộc Thị Lèo là vợ liệt sĩ và ông Lương Văn Lợi là bệnh binh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn tỏ lòng biết ơn trước những hy sinh, mất mát và công lao to lớn của các gia đình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại xã Tân Lang (huyện biên giới Văn Lãng) Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng đã thăm, tặng quà cho gia đình bà Chu Thị Lan là vợ liệt sĩ và bà Nguyễn Thị Vân là mẹ liệt sĩ; thăm, tặng quà cho gia đình bà Nông Thị Vay là mẹ liệt sĩ tại phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn. Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; động viên các gia đình tiếp tục phát huy truyền thống, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tối 24/7, Tỉnh đoàn Lạng Sơn phối hợp với Đoàn khối doanh nghiệp Trung ương tổ chức Lễ thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Lạng Sơn.
Hậu Giang: Chiều 25/7, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang tổ chức Lễ tuyên dương khen thưởng cấp Nhà nước, họp mặt người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2019).
Tại buổi lễ ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị: Trong thời gian tới các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với người có công với cách mạng, đặc biệt quan tâm công tác giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho những người có công, thân nhân người có công. Ngành chức năng cần tiếp tục phát động sâu rộng phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", tuyên truyền truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ, làm cho mọi người nhận thức sâu sắc, ghi nhớ và trân trọng công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Tỉnh phấn đấu không còn hộ gia đình chính sách nghèo; tập trung giải quyết các hồ sơ tồn đọng, triển khai công tác quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công với cách mạng phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước.
Hiện nay, toàn tỉnh Hậu Giang có trên 35.000 người có công với cách mạng. Trong đó, hơn 12.500 liệt sĩ, hơn 5.000 thương binh, hơn 2.000 người mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu "Mẹ Việt Nam Anh hùng". Tỉnh đã xây dựng, sửa chữa trên 11.000 nhà tình nghĩa; thường xuyên thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ cho người có công.
Ngoài ra, tỉnh còn huy động nhiều nguồn lực xây dựng 31 nhà bia ghi tên liệt sĩ; trùng tu, nâng cấp các nghĩa trang, đền thờ liệt sĩ, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Nhân dịp này tỉnh Hậu Giang trao danh hiệu "Mẹ Việt Nam Anh hùng" cho tám người mẹ; trao Huân chương Độc lập các hạng cho 89 gia đình có nhiều liệt sĩ; trao bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình liệt sĩ Trần Văn Cứ tại xã Nhơn Nghĩa A (huyện Châu Thành A) và liệt sỹ Đặng Thanh Bình ở xã Tân Phú Thạnh (huyện Châu Thành).
Hải Dương: Ngày 25/7, tại Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Hải Dương phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Chí Linh tổ chức Lễ dâng hương, thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ năm 2019, nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2019).
Lễ dâng hương, thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ là một trong nhiều hoạt động của tỉnh Hải Dương những năm qua, cùng với các công trình, phần việc ý nghĩa như: xây dựng, chăm sóc, làm đẹp đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ; nhận phụng dưỡng "Mẹ Việt Nam Anh hùng"; tặng nhà tình nghĩa, giúp đỡ con em thương binh liệt sĩ, cựu thanh niên xung phong neo đơn có hoàn cảnh khó khăn... nhằm tri ân công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ đối với quê hương, đất nước; giáo dục và phát huy truyền thống “Đền ơn, đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn", nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc hàng vạn người con ưu tú của Hải Dương đã hăng hái lên đường tòng quân giết giặc, góp sức cho Tổ quốc. Trong số đó hơn 120.000 thanh niên lên đường nhập ngũ, hơn 68.000 người tham gia thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến. 38.941 các bác, các chú, các anh đã anh dũng hy sinh bảo vệ nền độc lập tự do của đất nước, hơn 20.000 thương binh và hàng nghìn người bị nhiễm chất độc hóa học.
Tại buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành cùng đông đảo đoàn viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân đã ôn lại trang sử vàng oanh liệt của dân tộc Việt Nam; thỉnh chuông, khánh để niệm cầu cho anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ; đội tiêu binh dâng vòng hoa lên lễ đài; đọc văn tế và làm lễ thả chim hòa bình. Đồng thời, dác đại biểu cũng làm lễ tưởng niệm, dâng hương, dâng hoa và thắp nến, đuốc tri ân.