Hôm nay (1/11), dân số Việt Nam đạt mức 90 triệu người. Đây là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự thành công trong công tác giảm sinh, nhưng cũng cảnh báo không ít thách thức cho công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS- KHHGĐ).
TS Dương Quốc Trọng (ảnh), Tổng cục trưởng Tổng cục DS- KHHGĐ đã trao đổi với báo Tin Tức xung quanh vấn đề này.
Sự kiện Việt Nam chào đón công dân thứ 90 triệu trong ngày hôm nay có ý nghĩa đặc biệt như thế nào, thưa ông?
Những người làm công tác dân số chúng tôi hết sức vui mừng và tự hào chờ đón sự kiện đặc biệt này. Bởi vì năm 1989, sau Tổng điều tra dân số và nhà ở, các nhà khoa học dự báo tới năm 2010 dân số VN sẽ đạt 105 triệu người (lúc đó, dân số nước ta lúc đó là 64,4 triệu người). Dựa vào dự báo đó, lẽ ra VN đã đạt mốc 90 triệu người ngay từ năm 2002, nhưng đến nay mới tròn 90 triệu người, chậm hơn so với dự báo 11 năm.
Sáng nay (1/11), đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Y tế đi thăm và tặng quà bé sơ sinh là công dân thứ 90 triệu, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội. |
Có người đặt vấn đề rằng: “Có thể do các nhà khoa học dự báo quá”, nhưng chúng tôi cho rằng các nhà khoa học dự báo hoàn toàn chính xác và có cơ sở. Chúng ta có một thực tế so sánh đáng chú ý là: Năm 1989, dân số Philippines ít hơn nước ta 6 triệu người, nhưng đến nay, dân số Philippines nhiều hơn nước ta 15 triệu người. Nếu như Việt Nam không nỗ lực làm công tác DS-KHHGĐ như thời gian qua, thì dân số nước ta hiện nay sẽ là 110,8 triệu người. Như vậy, trong vòng hơn 20 năm qua, nước ta đã tránh sinh được khoảng 21 triệu trường hợp. Thử hình dung, nếu dân số của ta hiện nay là 110 triệu thì chắc rằng sẽ quá tải mọi lĩnh vực, kinh tế - xã hội có lẽ không được như ngày hôm nay.
Nhưng dấu mốc 90 triệu dân cũng thể hiện quy mô dân số rất lớn, điều này đặt Việt Nam trước những thách thức gì, thưa ông?
Đúng vậy, với số lượng 90 triệu dân, quy mô dân số Việt Nam đứng thứ 14 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Con số 90 triệu người đối với đất nước ta vừa tạo ra cơ hội về tiềm lực kinh tế, nhưng cũng tạo ra thách thức không nhỏ đối với sự phát triển bền vững của quốc gia, kể cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng, cũng như việc quản lý dân cư.
Trước tiên là bài toán làm thế nào để đáp ứng mọi nhu cầu cho 90 triệu người dân? Từ năm 2007, Việt Nam đã bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng, giai đoạn có nguồn nhân lực lao động rất dồi dào (kéo dài khoảng 30- 35 năm). Nếu chúng ta tận dụng được nguồn nhân lực khổng lồ này thì đây là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam “cất cánh”. Nhưng để tận dụng được lợi thế này cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc là thách thức không nhỏ. Hiện số người trong độ tuổi lao động lớn, nhưng chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dân số còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật, sức bền, kỹ năng… Hơn nữa, đã có câu “nhàn cư vi bất thiện”, nếu không đáp ứng được đủ công việc cho lứa tuổi lao động khổng lồ này thì e rằng sẽ có tác dụng ngược; các em, các cháu đến độ tuổi lao động mà không có việc làm rất dễ sa đà vào tệ nạn xã hội.
Bên cạnh đó, VN cũng đã bước vào giai đoạn “già hóa dân số” và dự báo thời gian chuyển sang giai đoạn “dân số già” của nước ta thuộc hàng ngắn nhất thế giới trong khi cả xã hội chưa hẳn đã kịp thích ứng với sự biến đổi nhân khẩu học nhanh chóng này. Do đó, nhiệm vụ quan trọng tới đây là chúng ta cần duy trì cho được mức sinh thấp hợp lý như hiện nay để có thể kéo dài “cơ hội vàng” cho đất nước phát triển và làm chậm quá trình “già hóa dân số”. Giai đoạn trước đây, vì mức sinh quá cao nên chúng ta phải tập trung giảm sinh càng nhanh, càng nhiều càng tốt; nhưng giai đoạn này thì cần phải duy trì mức sinh thay thế, tức là mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con.
Xin cảm ơn ông!
Phương Liên (thực hiện)