Canh Giao trong diện mạo mới
Canh Giao là căn cứ địa cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Do địa hình hiểm trở nên dù chỉ cách trung tâm xã Canh Hiệp một quả đồi, phóng viên vẫn phải di chuyển đường vòng qua xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên với quãng đường chừng hơn 30 cây số mới đến được. Chiếc xe ô tô mà huyện bố trí chở đoàn công tác phải “ì ạch” vượt nhiều đèo, dốc cao.
Anh đồng nghiệp đi cùng chia sẻ, con đường được thảm bê tông cả rồi, đi lại có phần dễ dàng hơn nhiều, chứ cách đây chừng 5 - 6 tháng trước, nơi xe mình vừa mới băng qua là cả một đoạn suối rộng, lởm chởm đá tảng. Lái xe phải mất hàng giờ đồng hồ tìm cách mới thoát khỏi tình trạng mắc lầy - điều ám ảnh nhất với họ.
Suốt hành trình, các thành viên trong đoàn đều hồ hởi khi chứng kiến khung cảnh nên thơ, yên bình dọc hai bên đường. Những vạt keo lai tốt tươi, xanh ngát hướng thẳng ánh mặt trời mà lớn lên. Phía rừng già, những loài hoa dại đa sắc màu đua nhau bung nở, khoe mình trong nắng mai dịu nhẹ… Tất cả như báo hiệu, mùa Xuân đang rất gần.
Đến nơi, phóng viên khá bất ngờ trước diện mạo mới của làng Canh Giao. Mọi thứ đã khác xưa. Khó khăn, thiếu thốn của người dân nơi đây dần trở thành câu chuyện quá vãng. Trưởng làng Canh Giao Nguyễn Văn Thanh nhanh ý chỉ tay về trạm biến áp 50kVA - 22/0.23kV án ngữ ngay sát gốc đại thụ đầu làng và cho biết, đời sống bà con dần khá lên từng ngày rồi, nhất là khi được “phủ sóng” điện lưới quốc gia vào hồi tháng 4/2024. Thành quả đó có được là nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm. Ai nấy đều mừng và biết ơn. Canh Giao giờ không còn xa trong cách nghĩ của nhiều người nữa, bởi việc giao thương, mua bán giữa hai miền ngược - xuôi khá thuận lợi, diễn ra từng ngày, thậm chí từng giờ.
Đón cái Tết “đặc biệt”
Tết đầu tiên có điện nên mọi người trong làng đều vô cùng háo hức. Bà Đinh Thị Gánh, người Ba Na làng Canh Giao tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khá khang trang. Bà kể, thời chiến tranh hai vợ chồng bà sống trong rừng, mãi sau này già yếu mới chuyển về làng sinh sống. Những ngày đầu về đây, khó khăn chồng chất. Mỗi buổi tối, gia đình phải dùng các loại cây, hạt rừng sưu tầm được, tự chế ra lửa thắp sáng để ăn cơm, xong là tắt ngay để tiết kiệm. Điều đơn giản ấy còn phải suy tính huống hồ gì nghĩ tới ước mơ có điện, được xem ti vi vì quá xa vời. Nhưng rồi, điều đó đã thành hiện thực.
Dứt lời, bà Gánh lật đật ra sân điều chỉnh lại hướng ăng-ten kiểu dạng chảo để "bắt sóng". Bà chia sẻ, tôi rất thích xem tin tức thời sự và các chuyên mục giới thiệu những tấm gương đồng bào dân tộc thiểu số vượt khó trong lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, cũng như chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng sâu, vùng xa. Qua đó, học hỏi được những cách làm hay để vận dụng. Tết cận kề, tôi thường mở những kênh thực hiện về chủ đề Tết vì khá tò mò, muốn biết thêm không khí đón Tết của các bản làng vùng cao khắp cả nước. Những lúc như thế, tôi thấy phấn chấn hẳn lên, tạm quên đi những ngày gian khổ. Điện đã cho tôi một cuộc đời khác.
Cách nhà bà Gánh vài bước chân, anh Nguyễn Kim Minh tranh thủ treo cờ Tổ quốc lên vị trí cao trước cổng nhà rồi quấn đèn chớp nháy trang trí cho những chậu cây cảnh đang bung hoa trong sân vườn. Anh cũng không quên mở những bài nhạc Xuân sôi động để thưởng thức. Anh Minh chia sẻ, ngày xưa khổ sở, vất vả lắm, phải xài đến máy phát điện chạy dầu, rất bất tiện. Nay có điện lưới quốc gia rồi, mình thoải mái mà xài, tha hồ “ăn Tết” sớm. “Ngày Tết là phải có cờ Tổ quốc. Mình treo để thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, nhắc nhớ đến thế hệ trước đã ngã xuống để có được độc lập, tự do hôm nay. Không những thế, hành động ý nghĩa đó còn tiếp thêm động lực, tinh thần mới, khí thế mới để mình tự tin hướng đến tương lai tốt đẹp với một gam màu tươi sáng.
Điểm trường Canh Giao, Trường Tiểu học Canh Hiệp vang tiếng đánh vần học chữ của học sinh. Trong căn phòng nhỏ, thầy Nguyễn Văn Thành ân cần chỉ dạy những trò cưng của mình. Thầy Thành cho biết, thầy đã có hơn 25 năm gắn bó với điểm trường này, từ thời còn dựng bằng mái tranh, vách lá nên cảm nhận sự đổi thay rõ ràng. “Lúc xưa việc học của các em bị ảnh hưởng rất nhiều vì thiếu ánh sáng, nhất là vào mùa mưa bão. Từ khi có điện, có internet... các em đi học đều, chuyên cần, tiến bộ hơn rất nhiều. Chất lượng giáo dục cũng cải thiện đáng kể, rút ngắn dần khoảng cách với miền xuôi. Kết quả đó khiến những người "chèo lái" con đò tri thức cảm thấy tự hào, xúc động. Tết năm nay sẽ là cái Tết đáng nhớ nhất, ý nghĩa nhất trong cuộc đời của tôi”- gương mặt thầy Thành ánh lên vẻ rạng ngời khi nhắc về điều đó.
Trưởng làng Nguyễn Văn Thanh cho hay, làng Canh Giao hiện có 72 hộ dân với khoảng 207 nhân khẩu. Người dân sống chủ yếu dựa vào trồng rừng, bình quân mỗi hộ có khoảng 5ha diện tích nương rẫy. Cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản từ các nguồn vốn lồng ghép 134, 135, nguồn vốn 30a… đã mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân nơi đây. Nhiều hộ đã mạnh dạn mua sắm phương tiện, máy móc hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất để giảm bớt sức lao động, tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao mức thu nhập. “Theo thống kê, toàn làng có 100% người dùng điện thoại thông minh (trừ người già); 50% hộ dân mua sắm ti vi, tủ lạnh; khoảng 60% nhà dân lắp đặt wifi… Nhờ đó, đời sống dân trí, dân sinh cải thiện đáng kể, có một cái Tết ấm no, an vui”- anh Thanh phấn khởi nói.
Ông Huỳnh Ngọc Tiến, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Vân Canh thông tin, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư cho làng Canh Giao; đặc biệt là xây dựng các công trình thiết yếu, phục vụ đời sống, sinh hoạt của bà con. Với bước ngoặt lịch sử này, hy vọng nơi đây sẽ ngày càng phát triển, khởi sắc, trở thành “điểm sáng” về văn hóa, kinh tế của vùng cao.
Trên đường rời Canh Giao, những ca từ mộc mạc, đi vào lòng người trong bài hát “Câu chuyện đầu năm”: … Xuân mang niềm tin tới, bao la nguồn yêu mới, như hoa mai nở phơi phới… bất chợt vọng lại như khẳng định với chúng tôi một điều rằng, mong ước về một cuộc sống sung túc, đủ đầy của dân làng trong năm mới sẽ được toại nguyện, viên mãn.