Tàu giã cào bất chấp quy định, hoạt động sai tuyến vẫn diễn ra ở Bình Thuận

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, số tàu thuyền làm nghề giã cào còn chiếm tỷ lệ khá cao với hơn 1.000 chiếc (bao gồm cả giã cào đơn và giã cào đôi).

Sự phát triển của nghề giã cào và các hoạt động khai thác hải sản bằng lưới kéo không đúng tuyến theo qui định thời gian qua đã có tác động xấu đến nguồn lợi, môi trường đáy biển và ảnh hưởng đến các nghề khác hoạt động ven bờ.

Bên cạnh đó, một số thuyền dù không được cấp phép nhưng vẫn lén lút hành nghề và còn nhiều trường hợp từ các địa phương khác đến hoạt động giã cào trên vùng biển của tỉnh.

Theo phản ánh của những ngư dân làm nghề đánh bắt ven bờ, nạn giã cào đã làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản khiến việc mưu sinh của ngư dân ven bờ ngày càng khó khăn. Những tàu giã cào đều có công suất lớn, tốc độ cao và chỉ được cấp phép đánh bắt ở ngoài khơi và ở một số vùng biển nhất định.

Tuy nhiên nhiều tàu giã cào đã bất chấp quy định, ép sát bờ dùng lưới có mắt rất nhỏ để đánh bắt. Với chiều dài của lưới kéo từ 500 - 1.000m và thả sâu đến tận đáy, mắt lưới lại nhỏ nên các loại hải sản tôm, cua, cá, mực lớn bé ở giữa 2 tàu kéo gần như nằm gọn trong lưới. Kiểu đánh bắt này đã làm suy giảm nguồn lợi thủy sản ven bờ nghiêm trọng. Bên cạnh đó, những tàu giã cào còn làm hư hỏng ngư lưới cụ, ghe thuyền nhỏ của ngư dân mưu sinh ven bờ.

Không những thế, từ đầu năm 2018 đến nay, hoạt động giã cào bay vi phạm tuyến bờ và tuyến lộng diễn ra khá phức tạp, đánh bắt trong vùng khai thác của tàu thuyền công suất nhỏ làm nghề truyền thống như lưới rê, lưới cước, mành chà,... gây bức xúc và phản ứng gay gắt trong ngư dân, nhất là trên địa bàn huyện Tuy Phong.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, từ đầu năm 2018 đến cuối tháng 4/2018, lực lượng chức năng của chi cục đã phát hiện, xử lý 10 vụ vi phạm hành nghề giã cào trái phép, đánh bắt sai tuyến. Bên cạnh các tàu cá trong tỉnh vi phạm, thì giã cào của một số tỉnh như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang… cũng đến hoạt động trái phép trên địa bàn tỉnh.

Để giải quyết tình trạng này, Bình Thuận cũng đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ này sớm thực hiện trên cả nước việc cấm đóng mới phát triển tàu cá hành nghề giã cào bay; không cho phép đóng mới phát triển tàu cá hành nghề giã cào; chỉ cho phép đóng mới thay thế nhằm giữ nguyên cường lực khai thác và dần kéo giảm nghề giã cào…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương trong cả nước cần quy định những khu vực cấm tuyệt đối với nghề giã cào, nhằm từng bước xây dựng các khu vực phục hồi sinh thái cho vùng biển ven bờ; tạo môi trường phục hồi nguồn lợi thuỷ sản tại các địa phương; đồng thời, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có phương án thống nhất trong hoạt động kiểm ngư trên toàn quốc, nhằm nâng cao hiệu quả, tạo sự thống nhất trong công tác quản lý hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển…

Nguyễn Thanh (TTXVN)
Từ 20/3, Bình Thuận không cho phép đóng mới tàu cá làm nghề giã cào
Từ 20/3, Bình Thuận không cho phép đóng mới tàu cá làm nghề giã cào

Ngày 5/3, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh đã ban hành Quyết định số 17/2018/QĐ – UBND về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định số 61 (ngày 11/11/2015 của UBND tỉnh) quy định về quản lý hoạt động khai thác của nghề lưới kéo (giã cào) trên vùng biển Bình Thuận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN