Tạo điều kiện tốt nhất cho trí thức trẻ

Đội viên đầu tiên của Dự án thí điểm “Tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo” chính thức nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch xã tại xã Hạ Thôn (Hà Quảng, Cao Bằng) từ hôm nay (10/2). Sau Hạ Thôn, nhiều xã khác sẽ đón trí thức trẻ về làm lãnh đạo.

Các trí thức trẻ tham gia dự án 600 phó chủ tịch xã.


Theo Giám đốc Ban Quản lý Dự án, TS. Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) , cấp ủy, chính quyền cơ sở luôn tin tưởng và tạo điều kiện để các đội viên về công tác.

Kỳ vọng từ sức trẻ

Sáng qua (9/2), Hội đồng nhân dân xã Hạ Thôn (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) tiến hành kỳ họp thứ 4, khóa 18 nhiệm kỳ 2011- 2016 bầu bổ sung đồng chí Chu Phương Huân vào chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã. Bà Nông Thị Điếp, Chủ tịch UBND xã Hạ Thôn cho biết, sau khi được bầu, đồng chí Huân sẽ chính thức làm việc với cương vị Phó Chủ tịch xã bắt đầu từ hôm nay (10/2). Huân được phân công tham gia vào việc triển khai đề án 30a- hỗ trợ 62 huyện nghèo giảm nghèo nhanh và bền vững; tham gia xây dựng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của xã.

Chu Phương Huân là đội viên đầu tiên của Dự án thí điểm “Tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo” (Dự án 600 Phó Chủ tịch xã) đón nhận nhiệm vụ. Huân quê ở thị xã Cao Bằng, vừa tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Cuối năm 2011, đầu năm 2012, Huân cùng 43 đội viên khác - những trí thức trẻ được phân về các xã nghèo - đã có 5 tuần thực tế tại cơ sở và đưa ra những đề xuất kiến nghị về việc phát triển kinh tế - xã hội của xã mà mình sẽ về công tác trong 5 năm tới.

Cùng với Hạ Thôn, tỉnh Cao Bằng còn 43 xã thuộc 5 huyện nghèo được bố trí tăng cường các trí thức trẻ tốt nghiệp đại học về làm Phó Chủ tịch UBND xã. “Chúng tôi mong muốn, với chuyên môn cao, đồng chí Huân cũng như các trí thức trẻ sẽ mang hết khả năng để phục vụ cho sự phát triển của xã, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương”, bà Điếp chia sẻ.

Đã tuyển chọn được 552 đội viên

Dự án 600 Phó Chủ tịch xã thực hiện tại 600 xã thuộc phạm vi điều chỉnh của Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước ban hành kèm theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. Mỗi xã của huyện nghèo chưa có đủ 2 Phó Chủ tịch thì được thêm 1 Phó Chủ tịch xã.

Tính đến ngày 8/2, tại 20 tỉnh có huyện nghèo đã tuyển chọn được 552 đội viên. Ban quản lý Dự án đã tổ chức 4 lớp tập huấn kiến thức quản lý nhà nước và kỹ năng cần thiết đối với Phó Chủ tịch UBND xã cho 225 đội viên.

Các trí thức trẻ sẽ góp phần nâng cao đời sống cho người dân các xã nghèo. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN


Hiện, các đội viên của Cao Bằng, Bắc Kạn, Lâm Đồng, Kon Tum, Ninh Thuận, Quảng Nam đã hoàn thành khóa đào tạo và đang hoàn thành các thủ tục để trình cấp có thẩm quyền bầu và phê chuẩn chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã. Dự kiến, những đội viên đầu tiên này sẽ về công tác tại các xã từ ngày 1/3/2012.
Theo TS. Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ)- Giám đốc Ban Quản lý Dự án, thời gian tới, việc tổ chức và chỉ đạo thực hiện sẽ phải đồng bộ, quyết liệt theo nguyên tắc tập trung, chạy đua với thời gian thì mới hoàn thành được mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra. “Đẩy nhanh tiến độ thực hiện là bảo đảm được tính hiệu quả chi phí cho các hoạt động của Dự án”, ông Minh nói.

Trong 6 tháng đầu năm 2012 sẽ có 5 lớp tập huấn kiến thức quản lý nhà nước và kỹ năng cần thiết đối với Phó Chủ tịch UBND xã được tổ chức cho 327 đội viên Dự án đã tuyển chọn trong năm 2011. Đồng thời, sẽ bố trí cho các đội viên này về xã công tác theo đúng quy trình thực hiện Dự án; tiếp tục tuyển chọn, tập huấn và bố trí cho số đội viên còn lại về xã công tác theo nhu cầu bố trí sử dụng của các tỉnh có huyện nghèo.

Ông Minh khẳng định: “Cấp ủy, chính quyền cơ sở luôn tin tưởng và tạo điều kiện để các đội viên về công tác với kỳ vọng các bạn này phát huy được sức trẻ của mình góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các xã thuộc huyện nghèo”.

Có ưu tiên, có kỷ luật

Cùng với việc được tạo điều kiện bố trí ăn, ở, sinh hoạt và công tác, đội viên Dự án được hưởng các chế độ, chính sách áp dụng đối với chức danh Phó Chủ tịch UBND xã và các chế độ, chính sách hỗ trợ khác áp dụng đối với thanh niên tình nguyện theo quy định của pháp luật. Đồng thời, các trí thức trẻ sẽ được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi, khuyến khích nhằm thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia công tác tại các xã thuộc 61 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.

Cũng trong thời gian công tác, đội viên sẽ được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, chính trị - xã hội tại địa phương và có kế hoạch bồi dưỡng để phát triển Đảng, nếu chưa là đảng viên.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nếu đội viên Dự án có nhu cầu tiếp tục làm việc trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị ở Trung ương và địa phương thì được cơ quan có thẩm quyền quy hoạch, đào tạo và bố trí, sử dụng.

Tuy nhiên, theo TS. Vũ Đăng Minh, trong thời gian thực hiện Dự án, nếu đội viên có nguyện vọng chuyển công tác khác, nghĩa là chưa thực hiện đủ thời gian làm việc như đã cam kết trong đơn tình nguyện tham gia Dự án (tức là tự bỏ việc), thì những người này phải chịu hình thức kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức. Điều này đã quy định trong văn kiện của Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nếu không có nguyện vọng tiếp tục làm việc trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị ở địa phương thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự án nữa thì các bạn được ưu tiên trong việc tuyển chọn vào làm việc ở các cơ quan khác. Việc ưu tiên như thế nào cũng đã được quy định cụ thể trong văn kiện của Dự án”, ông Minh thông tin thêm.

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN