Tăng cường kỹ năng 'mềm' cho người lao động - Bài cuối: Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Nhận rõ tầm quan trọng của các kỹ năng mềm, nhiều cơ sở giáo dục đã đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường trang bị các kỹ năng, coi đây là một trong những chuẩn “đầu ra”, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, góp phần nâng cao sức cạnh tranh về nguồn nhân lực.

Chú thích ảnh
Lớp CĐ46ML1 nghề Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí của Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Linh hoạt trong giảng dạy

Từ năm học 2016-2017, Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu đã thành lập Trung tâm Đào tạo Đại cương - Phát triển kỹ năng mềm và hiện nay là Trung tâm phát triển kỹ năng mềm. Trung tâm có nhiệm vụ xây dựng nội dung và trực tiếp đào tạo kỹ năng mềm, đào tạo, trang bị cho sinh viên đảm bảo theo chuẩn “đầu ra” của nhà trường. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức các chương trình bồi dưỡng về kỹ năng mềm cho cộng đồng và thực hiện một số dịch vụ liên quan đến kỹ năng mềm.

Theo Thạc sỹ Lê Thị Hiếu Thảo, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm phát triển kỹ năng mềm (Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu), nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường đã đưa một số học phần về kỹ năng mềm vào giảng dạy, coi đây là học phần bắt buộc, đảm bảo chuẩn “đầu ra” cho sinh viên hệ chính quy bên cạnh các tiêu chuẩn về chuyên môn, trình độ tin học và ngoại ngữ. Nội dung chương trình giảng dạy được thiết kế linh hoạt mang tính ứng dụng cao, phương pháp giảng dạy chú trọng thực hiện các bài tập tình huống, trải nghiệm thực tế, thảo luận nhóm, trò chơi, từ đó giúp sinh viên hình thành và rèn luyện các kỹ năng tạo ấn tượng trong giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, linh hoạt sáng tạo giải quyết một vấn đề cụ thể, kiểm soát sự căng thẳng... Phương châm trong mỗi tiết học về kỹ năng mềm là “ vui vẻ, cởi mở, chân thành và hiệu quả” để sau mỗi tiết học sẽ là “thấu hiểu và áp dụng”, tự tin làm chủ trong môi trường học tập, làm việc.

Việc đổi mới chương trình đào tạo, chú trọng trang bị, tạo điều kiện để sinh viên rèn luyện các kỹ năng mềm ở trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu đã mang lại những kết quả khả quan. Theo lãnh đạo nhà trường, chẳng hạn đối với chuyên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng - ngành học được trường đưa vào đào tạo từ năm 2012, nhà trường đã xây dựng chương trình giảng dạy theo khung chương trình chuyên ngành Kỹ sư Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng thời cập nhật, bổ sung các nội dung phù hợp với xu hướng phát triển xã hội, tiếp cận chương trình của Hiệp hội Logistics trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, trường coi trọng trang bị cho sinh viên ngành Kỹ sư Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng về trình độ ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, các kỹ năng như tính kỷ luật, quản lý thời gian, sắp xếp công việc, sự linh hoạt, nhanh nhạy trong xử lý tình huống. Nhờ vậy, trường đã cung ứng được nguồn nhân lực vững về chuyên môn, có trình độ ngoại ngữ, tin học, các kỹ năng mềm đáp ứng yêu cầu công việc của một ngành quản trị và thực hành các dịch vụ trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Đến tháng 7/2019, trên 250 sinh viên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng của trường đã tốt nghiệp, 100% sinh viên được các đơn vị tiếp nhận làm việc với mức lương rất cao bởi đáp ứng được các yêu cầu của đơn vị tuyển dụng về cả năng lực chuyên môn và ứng dụng các kỹ năng để xử lý công việc được hiệu quả.  

Trường Đại học Trà Vinh cũng là một trong những cơ sở giáo dục đào tạo đã sớm thực hiện chương trình đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên, coi đây là học phần bắt buộc trong chương trình đào tạo. Với phương pháp giảng dạy là qua hình thức trải nghiệm, xử lý tình huống cụ thể, đàm thoại, thực địa, các chuyên đề trong học phần được nhà trường tập trung trang bị cho sinh viên rất thiết thực như: kỹ năng tìm kiếm tài liệu, ghi nhớ tài liệu, tư duy sáng tạo, giao tiếp, phản biện, quản lý thời gian và tổ chức công việc, xây dựng hồ sơ năng lực điện tử... Bên cạnh đó, việc giáo dục kỹ năng mềm còn được các giảng viên tích hợp, lồng ghép hướng dẫn, tạo điều kiện cho sinh viên rèn luyện qua từng môn chuyên ngành.

Theo một số giảng viên Trường Đại học Trà Vinh, ngoài việc tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn rèn luyện cho sinh viên những kỹ năng thiết yếu trong môi trường đại học và sau khi ra trường, việc lồng ghép trong quá trình giảng dạy chuyên môn được đặc biệt quan tâm. Chẳng hạn, đối với sinh viên ngành Luật, trong các tiết học, giảng viên chú ý gợi mở, hướng dẫn để sinh viên rèn luyện kỹ năng lập luận, phản biện, thuyết trình thông qua việc tổ chức làm việc nhóm, xây dựng phiên tòa giả định. Còn đối với sinh viên ngành Công nghệ thông tin, các giảng viên tăng cường lồng ghép để sinh viên có các kỹ năng như quản lý, vượt qua áp lực, đàm phán, thuyết phục và giải quyết xung đột, cách hoạt động nhóm và quản lý quá trình làm việc.

Chủ động lĩnh hội để ứng dụng

Nhiều chuyên gia, giảng viên cho rằng, kỹ năng mềm được hình thành trong quá trình học tập, trưởng thành, rèn luyện, khác hẳn với năng khiếu bẩm sinh. Do đó, việc trang bị kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên trong nhà trường, để hiệu quả đòi hỏi phải có sự tích cực từ cả người hướng dẫn và người học. Giảng viên có trách nhiệm giúp sinh viên hình thành động lực tích cực, nhu cầu hoàn thiện các kỹ năng. Còn sinh viên cần có nhận thức đúng về vai trò của kỹ năng mềm đổi với sự thành công của bản thân trong học tập, làm việc và cuộc sống, từ đó nỗ lực và chủ động lĩnh hội, thực hành phát triển các kỹ năng. Bên cạnh đó, việc tham gia các các chương trình ngoại khóa, hoạt động đoàn thể cũng là cơ hội để sinh viên rèn luyện và phát tiển các kỹ năng mềm cần thiết.

Từ thực tiễn công việc, ông Cao Văn Dương, Phó Trưởng phòng Nhân sự, Công ty Trách nhiệm hữu hạn KPMG Vietnam chia sẻ: Để có được các kỹ năng mềm mà nhà tuyển dụng mong muốn, khi còn học tập ở nhà trường, các sinh viên cần chủ động rèn luyện các phương pháp học tập mới như thuyết trình, làm việc nhóm, thảo luận nhóm; tham gia các hoạt động đoàn, hội, các hoạt động thi đua để tích lũy các kỹ năng. Các sinh viên cũng có thể tham gia làm một số công việc bán thời gian phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp để tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng làm việc hỗ trợ cho công việc tương lai của mình. Bên cạnh đó, trong bất kỳ giai đoạn nào, dù còn là sinh viên hay đã tốt nghiệp, bước vào thị trường lao động đều cần có ý thức chủ động lĩnh hội, rèn luyện để thích nghi với môi trường làm việc và nâng cao kỹ năng mềm một cách nhanh nhất. Môi trường lao động trong giai đoạn hiện nay rất cạnh tranh. Bên cạnh các kỹ năng cứng, nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao kỹ năng mềm của ứng viên để đưa ra quyết định tuyển chọn. Khi  được trang bị đầy đủ những kỹ năng, người lao động sẽ giành chiến thắng tuyệt đối trong mắt nhà tuyển dụng.

Còn theo chuyên gia Trần Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh: Cách mạng công nghiệp 4.0 có rất nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội để nguồn nhân lực Việt Nam nói chung, mỗi người lao động nói riêng tích cực nắm bắt cơ hội và phấn đấu. Một trong những vấn đề quan trọng với cả cơ sở đào tạo và người học để có thể thành công là bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo chuyên môn cần coi trọng việc xây dựng, trang bị và và ứng dụng, thực hành các kỹ năng mềm.

Thanh Trà (TTXVN)
Tăng cường kỹ năng 'mềm' cho người lao động - Bài 1: Yêu cầu từ thị trường
Tăng cường kỹ năng 'mềm' cho người lao động - Bài 1: Yêu cầu từ thị trường

Người lao động sau đào tạo bước vào thị trường lao động vừa kiến thức nền tảng vững vàng ở một chuyên ngành nhất định, đồng thời có những kỹ năng mang tính bổ trợ nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động như khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc, tinh thần phối hợp, tính kỷ luật… đang là đòi hỏi của nhiều nhà tuyển dụng hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN