Tăng cường hợp tác quản lý, bảo vệ rừng

Tỉnh Lào Cai và Lai Châu có 7 huyện giáp ranh là: Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn (Lào Cai) và Sin Hồ, Phong Thổ, Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu) với diện tích hàng vạn ha rừng và đất rừng. Hầu hết diện tích này là thuộc loại rừng phòng hộ, dễ bị xâm hại và tiềm ẩn nguy cơ cháy cao khi mùa khô đến.  

Rừng có nguy cơ cháy cao vào mùa khô. Ảnh: TTXVN.


Thực tế, các năm 2008, 2010, tại khu vực Vườn quốc gia Hoàng Liên, "giặc lửa" đã từng tấn công làm thiệt hại hàng ngàn ha rừng. Trước khi bước vào mùa khô năm nay, trong các ngày từ 22 đến 24/10, lực lượng chức năng hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu đã khảo sát và thống nhất phương án quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng trong mùa khô 2013 - 2014.  

Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng 2 tỉnh đã kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý hàng trăm vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Riêng tại Lào Cai xảy ra 210 vụ tịch thu gần 150 m3 gỗ các loại, trên 16 kg động vật hoang dã, 7 xe mô tô và 1 xe ô tô. Số vụ tuy có giảm so với cùng thời điểm năm 2012, nhưng tính chất phức tạp lại gia tăng và tinh vi hơn. Theo ông Nguyễn Văn Vui, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lào Cai, số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị cháy không đáng kể, nhưng nguy cơ cháy vẫn tiềm ẩn rất cao.  

Theo đánh giá của cơ quan chức năng 2 tỉnh, có tới 80% các vụ cháy rừng xảy ra là do người dân đốt nương làm rẫy, bất cẩn để lửa lây lan ngoài tầm kiểm soát. Các hộ dân này hiện vẫn sinh sống xen kẽ và làm nương ngay trong vùng lõi của rừng, nên việc để xảy ra cháy và khai thác gỗ tự nhiên là điều khó tránh khỏi.

Mới đây, tại các địa phương khu vực chân núi Hoàng Liên thuộc huyện Văn Bàn (Lào Cai), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu) đã xảy ra tình trạng "lâm tặc" khai thác," rút ruột" rừng với khối lượng hàng ngàn mét khối gỗ mặc dù Nhà nước đã có lệnh" đóng cửa rừng" từ lâu.

Trước tình hình cấp bách của công tác bảo vệ rừng, 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu thống nhất phương án rà soát, đánh giá chính xác nguồn gỗ do khai thác trái phép đang tồn trên rừng để chuyển về huyện làm tài sản của Nhà nước rà soát lại quy trình quản lý như đóng dấu búa kiểm lâm, cấp giấy phép vận chuyển gỗ ra khỏi địa bàn, đấu giá tài sản vi phạm, kiên quyết không buông lỏng khâu này để các đối tượng lợi dụng buôn bán gỗ trái phép, "quay vòng" giấy phép nhiều lần. 

Tại những địa phương có diện tích rừng bị khai thác trái phép nhiều phải sớm kiểm tra, truy quét, ngăn chặn tình trạng chặt phá, vận chuyển gỗ và các sản phẩm ra khỏi rừng. Các ngành, địa phương lưu ý khi kiểm soát, cấp phép các cơ sở chế biến lâm sản, khu vực xây dựng các nhà máy thủy điện phải quy hoạch trồng rừng, tổ chức trồng rừng, tránh xâm hại vào rừng nguyên sinh và đóng góp đầy đủ phí bảo vệ môi trường rừng.

Toàn tỉnh Lào Cai hiện có 185.915 ha rừng (rừng tự nhiên 149.012 ha rừng trồng 36.903 ha) và 41.058 ha đất trống cần tiếp tục quy hoạch trồng rừng bổ sung.  

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai, với đặc thù của tỉnh miền núi, nhận thức của người dân còn thấp, tập quán canh tác còn lạc hậu, việc phát rừng lấy đất canh tác vẫn diễn ra. Diện tích canh tác nương trên đất lâm nghiệp còn tương đối nhiều.

Việc thu hái lâm sản, khai thác rừng lấy lâm sản, đốt than hoa, đốt ong lấy mật, săn bắt chim thú... vẫn diễn ra tại một số địa phương như: Sa Pa, Văn Bàn, Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng, càng làm tăng nguy cơ cháy rừng   Hiện, lực lượng kiểm lâm Lào Cai đã xây dựng 34 trạm kiểm lâm cụm xã, bố trí 238 cán bộ phụ trách 164 xã, phường, thị trấn.

Các trạm kiểm lâm đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở cơ sở phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc khai thác, sử dụng, kinh doanh rừng của các chủ rừng và chính quyền cơ sở, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng.  

Đến nay, lực lượng kiểm lâm Lào Cai đã hướng dẫn cộng đồng dân cư thôn, bản ở các địa phương xây dựng 1.644 bản quy ước bảo vệ rừng, tạo cơ hội cho đồng bào các dân tộc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời góp phần bảo vệ và phát triển nhanh vốn rừng, nâng độ che phủ rừng của tỉnh từ 18,2% năm 1991 lên gần 60% năm 2013.  

Ngoài ra, để bảo vệ, phát triển rừng bền vững, có ý kiến cho rằng các địa phương, ngành chức năng cần sớm tính đến phương án khoanh nuôi các khu vực rừng và di dân ra khỏi vùng lõi của rừng những khu vực rừng nguyên sinh, tái sinh, rừng non cần phải được khoanh vùng, cấm triệt để người dân vào khai thác tránh để tình trạng người dân vào sâu trong rừng đốt nương trồng thảo quả như hiện nay, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng sử dụng những cây khó cháy làm đường băng xanh cản lửa và xây dựng hệ thống bể chứa nước bảo vệ rừng trong vùng lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
     

Lục Văn Toán  

Chung tay chặn cháy rừng
Chung tay chặn cháy rừng

“Bóng ma” khói bụi đã trở lại Đông Nam Á, gây ra cuộc khủng hoảng khói bụi tồi tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây. Khói bụi từ các vụ cháy rừng ở Indonesia cũng trở thành nguyên nhân của các cuộc khẩu chiến qua lại giữa các nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN