Chuyện người chơi hụi, cờ bạc, chủ doanh nghiệp bị mất nhà thì đâu cũng có; còn chuyện có người vì mê nghiệp báo mà suýt bị mất nhà thì chắc là xưa nay hiếm. Ông Trần Mạnh Sỹ, nguyên phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Nam Định, 72 tuổi, đã nghỉ hưu, từng rơi vào tình cảnh đó mà căn nguyên cũng vì mải mê với nghề viết lách.
Vào một ngày tháng 6, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Trần Mạnh Sỹ. Bên chén trà xanh - thú nghiện thứ hai của ông, sau nghề viết báo - ông hào hứng kể cho chúng tôi nghe kỷ niệm đáng nhớ về những ngày còn rong ruổi với nghiệp lấy cây bút làm bạn…
Mặc dù đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng viết lách vẫn luôn là thú vui đối với ông Sỹ. Ảnh: Trần Mai |
Một trong những tác phẩm báo chí mà ông tâm đắc nhất là loạt bài viết về xung quanh việc đấu thầu trái khoáy vùng bãi triều Đông Nam Điền (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gây bức xúc cho người dân nơi đây. Ông kể, khu vực bãi triều này có gần 1.000 hécta bỏ hoang mà không có ai nuôi trồng, UBND huyện cũng không có phương án quản lý. Năm 1992, ông Nguyễn Văn Lâm ở xã Nghĩa Thắng- người đầu tiên trong huyện- ra khai hoang và nuôi vạng ở bãi triều này. Tuy nhiên, sau rất nhiều lần thả vạng giống, ông Lâm đều thất bại với số tiền bỏ ra không nhỏ. Không nản chí, ông Lâm “xuất ngoại” để học hỏi bí quyết nuôi vạng ở nước ngoài, rồi về lập bãi thả vạng giống. Sau đó, UBND huyện có chính sách khuyến khích người dân ra khai hoang, tổ chức nuôi trồng trên bãi bồi này.
Gia đình ông Lâm nhờ rút kinh nghiệm từ những lần thất bại trước mà đã làm ăn ngày một hiệu quả. Thấy ông Lâm làm được, người dân trong vùng cũng đua nhau ra nuôi vạng, người ít thì một, hai hécta; người nhiều lên đến hàng chục hécta. Cả vùng này sôi động hẳn lên, nhiều nhà thành triệu phú sau một mùa vạng.
Thế nhưng, từ chỗ khuyến khích người dân ra nuôi vạng, huyện ra chính sách ký hợp đồng đấu thầu với các hộ nuôi; mà phần lớn những người được ký hợp đồng sau này đều là người nhà của một số “quan huyện”. Các bãi còn hoang và cả những bãi vạng đã có người nuôi theo chính sách khuyến khích trước đó cũng bị huyện đem… đấu thầu. Khỏi phải nói những người có công khai hoang bãi vạng này bức xúc thế nào bởi tiền tỷ của họ đã được đổ xuống (tiền con giống, tiền lưới, tiền công) trong khi vạng mới chỉ bằng hạt gạo, hạt ngô thì lại bị huyện thu lại, giao cho người khác.
Nhiều người nghe “tiếng” ông Sỹ từ trước liền kéo đến Trụ sở Đài Phát thanh và Truyền hình Nam Định đòi gặp ông bằng được. Không tìm thấy ông ở cơ quan, họ kéo nhau về nhà riêng của ông trong một ngõ nhỏ ở phố Trần Đăng Ninh nhờ ông viết bài bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ.
Sau khi nghe phản ánh của dân, ông xuống khu vực bãi triều hàng tuần tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của bà con cùng chính sách trái khoáy của huyện và có loạt tin, bài phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình Nam Định. Vụ việc này ngay sau đó đã nhận được sự quan tâm của các cơ quan báo chí trung ương. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và một loạt các báo trung ương khác cũng cử người xuống Nam Định viết tin, bài. Ở thời điểm đó, từ vụ “đấu thầu trái khoáy” này mà huyện Nghĩa Hưng trở nên “nổi tiếng”. Trước sức ép của những bài báo mà ông Sỹ và đồng nghiệp viết, chính quyền huyện phải xuống nước, rút lại chủ trương đấu thầu, đợi đến khi những hộ dân nuôi vạng theo diện khuyến khích thu hoạch xong mới triển khai chính sách đấu thầu.
Sau vụ này, có đồng nghiệp hỏi: “Ông là người có công lớn trong vụ này. Các hộ dân ở đó “lại quả” cho ông bao nhiêu? Chắc “thắng” lớn chứ, họ thu về tiền tỷ cơ mà?”. Biết trả lời họ sao đây nên ông chỉ cười trừ. Sau này ông tâm sự: “Họ thu hàng chục, hàng trăm triệu, thậm chí là có người thu cả tỷ bạc, nhưng đấy là sau khi thu hoạch vạng. Còn thời điểm tôi viết loạt bài đó thì họ khó khăn lắm, hầu hết trong số họ đều phải vay ngân hàng lấy vốn làm ăn nên họ nợ đầm nợ đìa. Mà nếu họ có đưa thì mình cũng không thể cầm nổi… Tôi không viết vì đồng tiền, vì tiền dễ bẻ cong ngòi bút. Tôi viết trước hết vì trách nhiệm của một công dân, sau nữa là từ những thôi thúc trong chính con người mình. Nói vậy, chắc có người bảo tôi là sáo rỗng, là lý thuyết, nhưng thực tế, đó là “tuyên ngôn” trong nghề cầm bút của tôi”.
Có người nói ông ngang tàng, gàn dở cũng không sai bởi có lần ông suýt bị ngân hàng tịch thu nhà mà chung quy cũng tại mải viết báo để bảo vệ cho người thấp cổ bé họng. Chuyện là thế này: Một lần đi công tác với các đồng nghiệp về Thái Bình, ông có nghe anh lái xe kể về một trường hợp rắc rối trong việc chia thừa kế ở Hà Nội, mà người có liên quan là ông Nguyễn Trọng Hoành lại ở thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng. Như Lục Vân Tiên thấy chuyện bất bằng, ông Sỹ nhận lời viết bài để bảo vệ quyền lợi cho ông Hoành.
TAND huyện Từ Liêm (Hà Nội) thụ lý vụ án. Do vậy, những người có liên quan đến việc chia tài sản thừa kế phải có mặt, phải ký vào những biên bản liên quan. Gia đình ông Hoành gồm 6 người khăn gói từ Lâm Đồng ra Hà Nội theo kiện. Khi đi, ông Hoành dồn tiền nhà, vay mượn bạn bè với tổng số tiền dự kiến chi tiêu đủ trong 3 tháng. Tuy nhiên, diễn biến của vụ việc kéo dài hơn những người trong cuộc dự đoán do TAND huyện Từ Liêm xử không đúng, lại phải đợi TAND TP Hà Nội xử phúc thẩm. Số tiền ông Hoành mang ra Hà Nội cạn dần, người quen không có nên chẳng biết vay mượn ở đâu. Thế là ngoài việc viết tin, bài để bảo vệ quyền lợi cho ông Hoành, ông Sỹ kiêm luôn vai trò mạnh thường quân đối với gia đình ông Hoành. Khi đó tiền lương của một nhà báo tỉnh và lương của vợ ông (làm tại Nhà máy Sợi Nam Định) cũng chỉ đủ chi tiêu hàng ngày cho hai con ăn học và chăm nuôi một mẹ già; số tiền tiết kiệm hàng tháng không nhiều. Không còn cách nào khác, ông nói dối vợ rút 40 triệu đồng tiền tiết kiệm cho ông Hoành vay, nói là chỉ cho vay nóng. Vợ ông tin lời chồng, không một lời chất vấn.
Ông Trần Mạnh Sỹ từng nổi tiếng trong giới làm báo ở Nam Định một phần là bởi dáng vẻ chẳng giống ai: Trên gương mặt lúc nào cũng gắn cặp kính cận nặng đến cả gần chục điốp; áo, dù là sơ- mi hay phông với bất cứ chất liệu gì đều được cắm thùng và cạp quần bao giờ cũng được kéo đến gần... ngực. Nhưng nếu chỉ thế thôi thì chưa đủ để tạo nên độ “nổi tiếng” của ông. Điều khiến ông được nhiều đồng nghiệp biết đến là biệt tài trong việc phát hiện và phản ánh những vụ việc tiêu cực, đòi lại lẽ phải cho người dân. Trong con người ông, có chút gì đó vừa ngang tàng vừa gàn dở nhưng lại rất nhân hậu. |
Sau khi tiêu hết 40 triệu đồng đó mà tòa vẫn chưa xử xong, ông Hoành lại kêu ông Sỹ “tiếp ứng”. Biết lúc này không thể nói dối vợ thêm được nữa, nhưng bỏ ông Hoành bơ vơ chốn không người thân quen không đành, ông Sỹ đánh liều nói thật với vợ và nghĩ ra một “sáng kiến” kiếm tiền cho ông Hoành vay. Vợ ông lo lắm nhưng cũng không còn cách nào khác là đành phải ủng hộ phương án của chồng: Thế chấp nhà cho ngân hàng để vay tiền.
Trong nghiệp làm báo của mình, ông bị hăm dọa tính mạng dăm ba lần, nhưng chưa lần nào ông cảm thấy lo sợ như lần ấy - đó là khi hạn trả nợ ngân hàng đã cận kề mà phiên tòa xử phúc thẩm vụ chia tài sản vẫn chưa diễn ra. Rất có thể vì ông mà những người thân phải chịu cảnh mất nhà cửa. Ông thấy khó xử hơn nữa là vợ ông không một lời kêu ca. “Thà rằng bà ấy cứ chửi vào mặt tôi còn hơn là cam chịu như vậy khiến tôi khó xử vô cùng”- ông nói. Thế rồi, vào đúng cái ngày mà vợ con ông chuẩn bị các bao bì cat tông để chuẩn bị gói ghém quần áo và những đồ dùng cần thiết sang ngoại ở để chuẩn bị bàn giao nhà cho ngân hàng thì ông nhận được tin tòa xử thắng cho ông Hoành. Sau khi thắng kiện, ông Hoành đã nhanh chóng bán mảnh đất được chia thừa kế đó và lấy tiền trả ông Sỹ.
Sau này, nhiều đồng nghiệp biết chuyện hỏi ông rằng, nếu cho ông suy nghĩ lại, ông có làm cái việc nguy hiểm đó (mang giấy tờ nhà đi cầm cố cho ông Hoành vay) không, ông Sỹ vẫn trả lời là có mà chẳng cần “lăn tăn” suy nghĩ.
Cũng từ đó, trong những lúc trà dư tửu hậu, đồng nghiệp thường mang chuyện “cầm cố nhà” của ông ra kể, một phần là để thấy được cái sự ngang tàng, gàn dở trong con người ông; một phần là để tỏ thái độ ngưỡng mộ một cây bút có tâm và vô cùng nhân hậu.
Huyền Tím