Sư cô Thích Diệu Bản cho biết, mua 4 thanh gỗ sưa dỡ từ đình Cựu Quán để làm hoành phi, câu đối, sư cô bị một nhóm người dọa nạt, buộc phải bán lại số gỗ cho họ.Sáng 6/3, dân làng Cựu Quán, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội vẫn bàn tán chuyện gỗ sưa trong đình bị 6 người làng tháo dỡ để bán và sư cô Thích Nữ Diệu Bản, nguyên trụ trì chùa Nội An (chùa Cựu Quán), đứng tên mua lại.
Sư cô Diệu Bản xác nhận đã mua 4 thanh gỗ sưa dỡ từ đình thôn Cựu Quán. "Thấy gỗ có giá trị mà các cụ trong ban khánh tiết có ý tốt, bán để mở rộng khuôn viên đình nên tôi mua giúp. Tôi định mang gỗ đó về chùa Bát Phúc mình trụ trì làm hoành phi, câu đối", sư cô nói.
Mái đình làng Cựu Quán sau khi bị dỡ 4 thanh gỗ sưa trên mái đã được phủ bạt để bảo vệ các cấu kiện, đồ thờ bên trong. Ảnh: Quỳnh Trang |
Theo sư cô, việc bán gỗ sưa dỡ từ mái đình đã được các ban bệ trong thôn thống nhất và ký kết giấy tờ. Khi gỗ được dỡ xuống, nhiều người đứng ở đình chờ để mua. Vì không muốn gây ồn ào, các cụ trong ban khánh tiết đã bán gỗ sưa cho sư.
Bốn thanh gỗ được tháo ra từ mái đình nặng 127,5 kg, bỏ phần bị mối mọt, trọng lượng được tính còn 120 kg, bán với giá 10 triệu đồng/kg, tức 1,2 tỷ đồng. Sư cô Diệu Bản cho biết đã dùng số tiền tích cóp trong nhiều năm (gồm 3 sổ tiết kiệm đứng tên mình và 200 triệu đồng tiền mặt) để mua lại gỗ quý.
Sư cô phủ nhận chuyện mình buôn bán gỗ quý và giải thích rằng sau khi mang gỗ về chùa đã bị một nhóm người ép bán lại. "Tôi chuyển gỗ về chùa, một nhóm khoảng 5 người ập đến đòi chia gỗ. Họ bảo đã theo đuổi việc mua bán này suốt 1 năm và liên hệ với ban khánh tiết trước tôi. Họ sửng cồ, gây áp lực làm tôi sợ quá buộc phải bán lại gỗ để tránh rắc rối", sư Diệu Bản nói. Do lo ngại sự việc rùm beng nên sư cô đã không báo cáo vụ việc với cơ quan công an.
Việc mua lại gỗ từ các cụ trong ban khánh tiết chứ không phải từ xã được sư cô giải thích: "Từ trước đến nay đình đều do các cụ trông nom chứ xã không tham gia". Thời gian trước, đình, chùa làng Cựu Quán sập xệ, tượng Phật phải mặc áo mưa, xã cũng không đầu tư tu sửa. Sư cô Diệu Bản cùng các cụ phải nhờ quyên góp công đức để sửa lại. "Không có chúng tôi tu sửa thì đình, chùa thành đống sập xệ rồi chứ chẳng phải di tích gì hết", nhà sư cho biết.
Ông Đỗ Văn Thuý - Trưởng phòng Văn hoá huyện Hoài Đức lại quả quyết: "Sư cô nói như vậy là không đúng". Theo ông, trong ít nhất 8 năm làm Trưởng phòng Văn hoá, ông không nhận được một báo cáo nào về việc xuống cấp của chùa và đình Cựu Quán.
Việc dỡ gỗ sưa đem bán, theo ông Thuý là rất đáng tiếc, do nhận thức của người dân và người trông coi di tích chưa tốt. Vị Trưởng phòng cho hay, chỗ tháo dỡ là phần làm mới, giao giữa đại bái và hậu cung. Huyện đã chỉ đạo phủ bạt lên để bảo vệ các cấu kiện và tượng, đồ thờ bên trong, đồng thời điều tra xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm và phối hợp Uỷ ban Mặt trận tổ quốc vận động tuyên truyền người dân yên tâm lao động, sản xuất.
Trưởng công an xã Đức Thượng cho biết, mục đích mở rộng đình của một số chức sắc trong thôn, đình là tốt nhưng chưa làm đúng trình tự dẫn đến người dân không đồng thuận. Ảnh: Quỳnh Trang |
Ông Thúy khẳng định, việc tự ý tháo cấu kiện đình đen bán để lấy tiền tôn tạo là sai lầm và vi phạm pháp luật. Đình Cựu Quán, tuy chưa được xếp hạng nhưng đã nằm trong danh mục di sản được kiểm kê để bảo vệ. Nếu thôn muốn tu bổ, tôn tạo di tích thì phải làm theo phân cấp quản lý tương đương. Với đình Cựu Quán, đơn vị trực tiếp quản lý là UBND xã Đức Thượng.
Ông Trương Văn Thảo, Trưởng Công an xã Đức Thượng cho biết, chỉ đến sáng 3/3 khi nhận được đơn trình báo của người dân, xã mới hay việc chiều 2/3 ban lãnh đạo thôn Cựu Quán cùng ban khánh tiết đã dỡ 4 thanh mái đình. Xã xác nhận có 6 người tham gia sự việc gồm: ông Nguyễn Phú Ngà, Bí thư Chi bộ thôn; ông Nguyễn Phú Lực, Trưởng thôn; ông Nguyễn Ích Chắt, Trưởng ban khánh tiết đình; ông Nguyễn Ích Bạ, Phó ban khánh tiết; ông Nguyễn Hữu Thắng, thủ từ; ông Đàm Văn Sáu, đại diện cho các bô lão trong thôn. Các ông này thừa nhận tháo gỗ đem bán để lấy tiền mua đất mở rộng khuôn viên đình. Ba hộ có đất nông nghiệp trước cửa đình đã đồng ý bán với giá 1 triệu/1m2.
Bà Nguyễn Thị Sùng (75 tuổi) người thôn Cựu Quán phẫn nộ: "Tôi sống hơn 70 năm rồi nhưng đây là lần đầu tiên thấy việc dỡ gỗ trong đình đi bán. Chuyện này thật không chấp nhận được. Đình, chùa là chốn linh thiêng, nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của người dân địa phương và được phân cấp quản lý, bảo vệ. Trước khi tu bổ, sửa sang đều phải xin chỉ đạo từ chính quyền, họp nghe ý kiến của dân".
Trực tiếp trông coi, bảo vệ đình Cựu Quán, ông Trần Văn Hiền xót xa khi thấy mái đình bị dỡ, đem bán. Ông Hiền cùng nhiều người dân địa phương mong các cấp chính quyền sớm làm rõ, xử lý vụ việc và trả lại mái đình cho thôn.
Xem video người dân phẫn nộ vì việc dỡ gỗ đi bán:
Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.
Theo Điều 15 Quyết định số 11/2011/QĐ-UBND ngày 2/3/2011 của UBND Hà Nội, đình thôn Cựu Quán thuộc thẩm quyền quản lý của UBND huyện Hoài Đức. Đình Cựu Quán chưa được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa (đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích) nên UBND huyện Hoài Đức có thể ủy quyền cho UBND xã Đức Thượng quản lý.
Đình làng Cựu Quán thờ Lục vị Đại vương có lịch sử lâu đời. Theo một cụ cao tuổi, bên trong đình có nhiều gỗ sưa được dùng làm bàn ghế, nơi thờ tự, trong đó có 4 thanh kẻ mái vảy để che mưa nắng. |
Quỳnh Trang (
Theo Vnexpress)