Khảo sát các xe khách tại các bến xe ở Hà Nội cho thấy, sự lãng quên những vật dụng hữu ích như: Búa cứu nạn, bình cứu hỏa mini, dây thắt an toàn… là các thiết bị hỗ trợ an toàn bắt buộc trên xe khách, giúp hành khách thoát hiểm khẩn cấp khi xảy ra tai nạn bất ngờ, thật đáng báo động. Ý thức chấp hành quy định về an toàn cho hành khách không được coi trọng và chỉ đến khi có tai nạn đáng tiếc mới nhận ra thì quá muộn.
Cần phải giám sát chặt chẽ việc lắp đặt các thiết bị bảo hộ trên xe chở khách. Ảnh: Lê Phú |
Giật mình!
Lên xe khách tại các bến xe Phía Nam, Gia Lâm, Lương Yên, Mỹ Đình… mục sở thị, phải có đến hơn 90% số xe không trang bị búa thoát hiểm, bình cứu hỏa mini, dây thắt… Xe có giá treo búa thoát hiểm cũng chỉ còn trơ trọi giá treo, xe có bình cứu hỏa thì bình cũng đã hoen rỉ, không thể sử dụng được. Còn dây thắt an toàn trên từng ghế ngồi thì gần như 100% xe khách không trang bị, chỉ xe khách giường nằm mới có. Thêm vào đó, tất cả các cửa kính trên xe về mặt kỹ thuật đều là những cửa thoát hiểm khi khẩn cấp, nhưng được nhiều nhà xe gia cố để treo rèm và không có chỉ dẫn thoát hiểm khi cần thiết.
Lái xe Nguyễn Hữu Hảo, chạy tuyến Hà Nội - Thanh Hóa, ở Bến xe Phía Nam cho biết: Khi mới mua xe, xe nào cũng có búa thoát hiểm treo tại các cánh cửa và đều có bình cứu hỏa. Tuy nhiên, qua sử dụng, phần lớn búa thoát hiểm trên xe đã bị mất vì nhiều lý do, còn bình cứu hỏa do không sử dụng, để lâu ngày cũng chẳng biết có sử dụng được nữa không. Cũng như anh Hảo, đa số các lái xe khách khi được hỏi đều đưa ra hàng chục lý do khác nhau dẫn đến mất búa thoát hiểm. Thậm chí, nhiều lái xe còn dửng dưng: "Xe đi lâu nay, chẳng có ai vì không có búa thoát hiểm hay bình cứu hỏa mà không đi xe. Hơn nữa, có bao giờ tai nạn đâu mà dùng búa thoát hiểm. Khi nào đi đăng kiểm thì mượn tạm của xe khác là được...". Có thể thấy, sự thiếu quan tâm của chủ xe, lái phụ xe và việc các lực lượng chức năng ít coi trọng kiểm tra các thiết bị cứu hộ, cứu nạn trên xe thường xuyên… vô tình dẫn đến sự coi thường quy định về an toàn cho hành khách.
Có một thực tế nữa là nhiều nhà xe, chủ xe, lái xe khi bị mất, muốn trang bị lại những thiết bị cứu hộ, cứu nạn cũng không biết mua ở đâu. Dạo qua các chợ phụ tùng ô tô trên các phố Nguyễn Công Trứ, Trần Khát Chân, Trần Quang Khải... để hỏi mua búa thoát hiểm, nhưng không cửa hàng nào bán, còn bình cứu hỏa mini thì cũng chỉ lác đác có cửa hàng mua về nhưng để đấy. Chủ cửa hàng phụ tùng Minh Anh trên phố Trần Khát Chân cho biết: Cửa hàng trước đây cũng có nhập thử một số thiết bị an toàn trên xe khách, trong đó có búa thoát hiểm và bình cứu hỏa mini để bày bán, nhưng hãn hữu lắm mới có người đến hỏi mua, chủ yếu là bình cứu hỏa, nên hiện nay, cửa hàng không nhập mặt hàng này nữa.
Một điều đáng buồn hơn là rất nhiều hành khách đi xe đường dài tại các bến xe khi được hỏi về tác dụng và cách sử dụng của búa thoát hiểm đều tỏ ra ngơ ngác, thậm chí còn chưa từng nhìn thấy chiếc búa thoát hiểm như thế nào. Thực tế này cho thấy, việc tuyên truyền sử dụng các dụng cụ cứu hộ, cứu nạn và việc tuân thủ các quy định về an toàn giao thông trên xe khách lâu nay bị bỏ ngỏ. Búa thoát hiểm dùng để đập vỡ kính xe trong trường hợp khẩn cấp, có đầu nhọn, nhỏ, nhẹ và tiện dụng, thậm chí có thêm lò xo để gia tăng lực khi sử dụng. Thông thường, búa thoát hiểm được trang bị kèm theo xe và được gắn trên thành xe, bên trong khoang hành khách. Tuy nhiên, thực tế trên các xe khách chạy liên tỉnh, đường dài hiện nay đều thiếu hoặc không có những vật dụng bảo hộ đó.
Thiếu chế tài xử phạt
Theo Quy định tiêu chuẩn xe khách số 22 TCN 307-06 của Cục Đăng kiểm Việt Nam: Tất cả các loại xe chở khách đều bắt buộc phải có cửa thoát hiểm cho hành khách và trang bị dụng cụ phá cửa, cũng như có chỉ dẫn cần thiết. Theo đó, xe chở khách phải có đủ các cửa thoát hiểm khẩn cấp đảm bảo yêu cầu, nếu là loại cửa đóng mở phải có kích thước nhỏ nhất là 550 x 1.200 mm (rộng x cao); số cửa thoát hiểm khẩn cấp tối thiểu đối với xe chở khách từ 17-30 chỗ phải có 4 cửa thoát hiểm, xe từ 31-45 chỗ phải có 5 cửa thoát hiểm, từ 46-60 chỗ có 6 cửa... Những loại xe chở khách lớn nhất từ 90 chỗ ngồi trở lên phải có ít nhất 9 cửa thoát hiểm.
Qua khảo sát tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới ở Hà Nội cho thấy, đa số các loại xe khách khi tới đăng kiểm đều có đủ các cửa thoát hiểm và búa thoát hiểm, các trung tâm đăng kiểm luôn kiểm tra kỹ các tiêu chuẩn an toàn khi kiểm định xe khách, trong đó có cửa thoát hiểm và các dụng cụ phá cửa được trang bị trên xe. Tuy nhiên, trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm chỉ kiểm tra được khi các xe tới kiểm định, còn trên thực tế lái xe có sử dụng và trang bị các thiết bị thoát hiểm trên xe hay không lại thuộc về lực lượng chức năng giám sát trên đường và quan trọng nhất là tầm hiểu biết của các lái xe, phụ xe về các tiêu chuẩn an toàn trên xe để thực hiện nghiêm túc. Về nguyên tắc, tất cả lái xe, phụ xe chở khách đều phải học về các cách cứu hộ trên xe như cứu hỏa, cứu nạn, cách sử dụng búa phá kính... để hướng dẫn cho hành khách trước khi lên xe. Song, việc các xe khách đến đăng kiểm định kỳ đều đầy đủ các thiết bị an toàn là do ý thức tự giác trang bị hay mang tính chất đối phó thì chỉ có trời biết(!?).
Quy định và tầm quan trọng của những thiết bị cứu nạn khẩn cấp đã rõ, song tình trạng các lái xe, doanh nghiệp hiện nay cố tình xem nhẹ trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách đã ở mức báo động. Tìm hiểu vấn đề này, lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên các tuyến đường đều thẳng thắn cho biết, trong quá trình kiểm tra cũng ít khi để ý tới lỗi vi phạm này. Cái khó là trong luật cũng không quy định chế tài xử phạt, do vậy không có cơ sở để xử lý.
Trên thực tế, để được cấp phép đủ điều kiện kinh doanh vận tải, các xe khách phải được đăng kiểm chất lượng, trong đó các xe phải có đầy đủ trang thiết bị bảo hộ, nhưng không có luật nào quy định sẽ xử phạt nếu xe lưu thông không có các trang thiết bị đó. Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cũng không có điểm nào quy định việc sẽ xử phạt nếu xe khách tham gia giao thông không có các dụng cụ bảo hộ. Như vậy, trong khâu kiểm định ban đầu, các xe khách đều đầy đủ các thiết bị bảo hộ, tuy nhiên qua quá trình vận hành, những thiết bị này bị hư hỏng, mất mát, các nhà xe cũng "không cần" phải thay thế, xe vẫn hoạt động bình thường mà không bị cơ quan nào quản lý, giám sát, cũng chẳng ai xử phạt được.
Nguyễn Tiến (Thực hiện)