Sự an toàn của “thượng đế” bị coi nhẹ

Giáp Tết, bắt đầu vào thời điểm làm ăn của xe khách. Chạy theo lợi nhuận, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều tăng chuyến, tăng lượt xe chạy quay vòng và đua tốc độ để cạnh tranh. Điều này tạo ra áp lực về thời gian, tuyến chặng, khiến cho cánh lái xe phải phóng nhanh, vượt ẩu, lấn đường, coi thường Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) và tất nhiên, sự an toàn của “thượng đế” bị coi nhẹ. Một con số đau lòng: 18% số vụ TNGT là do xe chở quá tải gây ra. Vậy mà các bác tài vẫn cứ phi.

Áp lực lợi nhuận

Làm “thượng đế” lên xe chạy hai chiều tuyến Hà Nội - Lạng Sơn và ngược lại những ngày cuối năm, sẽ không ít người “thót tim” khi được thử cảm giác mạnh về tốc độ, tài nghệ “đánh võng” và “nhồi” khách của cánh lái xe, phụ xe. Chỉ đến khi xe cán đích, bước chân xuống xe khách mới tin là mình vô sự. Đa số các xe chạy tuyến này hiện đều quay vòng ngày hai chuyến đi về, so với bình thường mỗi ngày một lượt. Xe khách 16 chỗ, nhưng đều được “nhồi” từ 18-20 khách cùng với hàng hóa ken đặc trên đầu, dưới chân.


Quốc lộ 1A Hà Nội - Lạng Sơn quy định tốc độ tối đa cho xe khách là 80 km/h, nhưng do “thuộc” vị trí chốt trực, bắn tốc độ của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) nhờ những “ám hiệu” bí mật của riêng cánh lái xe, nên xe nào cũng chạy đúng tốc độ mỗi khi sắp gặp CSGT, nhưng chỉ cần qua chốt trực là các xe “quất ngựa truy phong”, lạng lách, giành đường, với tốc độ kinh hoàng. Và do quay vòng luôn, các lái xe ít có thời gian nghỉ ngơi, khó đảm bảo hiệu suất lái sau vô lăng, nên những tai nạn không được báo trước luôn chực chờ. Tình trạng này có thể gặp ở tất cả các tuyến đường từ Hà Nội đi các tỉnh, thành phố khác.

Theo thống kê của Cục CSGT Đường bộ, đường sắt (Bộ Công an), tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên cả nước trong 11 tháng đầu năm vẫn diễn biến phức tạp, mặc dù số vụ TNGT có giảm, nhưng mỗi ngày vẫn còn khoảng 30 người chết, TNGT có thể xảy ra ở bất kỳ cung đường nào, thời khắc nào. Điều đáng chú ý là trong số những nguyên nhân gây TNGT của xe khách, thì chạy quá tốc độ cho phép chiếm đến hơn 18% và việc doanh nghiệp vận tải, chủ xe buông lỏng quản lý, để mặc cho lái xe phóng nhanh vượt ẩu, dừng đỗ xe không đúng nơi quy định để bắt khách, chở quá số người quy định… gần như là chuyện hiển nhiên.

Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do lái xe coi thường Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Ly kha - TTXVN


Cũng do sự cạnh tranh khốc liệt về doanh số, doanh thu giữa các doanh nghiệp vận tải hành khách, kể cả của tư nhân và nhà nước, nên hiện nay nhiều nhà xe "bỏ quên" quy định của Luật GTĐB. Theo kết quả điều tra các vụ TNGT kinh hoàng thời gian gần đây của Cục CSGT Đường bộ, đường sắt, các vụ TNGT do xe khách gây ra là do chạy quá tốc độ quy định, cùng với xử lý kém, tai nạn chủ yếu xảy ra ở những đường vòng cung, tầm nhìn khuất, tuy đã được kẻ vạch sơn liền nét, quy định không được đi đè qua vạch, có biển báo, nhưng lái xe vẫn coi thường, chạy với tốc độ cao.

Một vấn đề cũng đáng lưu ý là đạo đức, trách nhiệm, tâm lý của người lái xe; người quản lý đội ngũ lái xe; các chủ xe đang có dấu hiệu buông lỏng. Điều này thể hiện ở việc đội ngũ lái xe khách hiện nay ngày càng trẻ về tuổi đời, non về tuổi nghề, đặc biệt là thiếu kinh nghiệm chạy đường xa, đường khó, đường mới, nhưng nhiều người chỉ chạy theo lợi nhuận.


Trong khi Luật GTĐB quy định lái xe không được chạy quá 10 giờ trong 1 ngày, 1 ca không được chạy quá 4 giờ, chạy đường dài phải có ít nhất 2 lái chính/xe. Song, quy định này dường như bị các chủ xe "bỏ quên". Do đó, số vụ TNGT do xe khách gây ra đang ngày một gia tăng. Nghiêm trọng hơn, nhiều doanh nghiệp tư nhân còn tuyển cả lái xe không đủ điều kiện nhưng vẫn cho lái xe khách, thậm chí có trường hợp lái xe khách nghiện ma túy, thường xuyên sử dụng rượu bia nhưng vẫn “vô tư” điều khiển phương tiện…

Chưa hết, đối với xe khách chạy ban đêm hiện nay, do thiếu lực lượng kiểm tra kiểm soát thường xuyên, nên tình trạng xe chạy lậu, đua tốc độ kinh hoàng là chuyện cơm bữa. Khi mà lái xe đường dài về đêm độ tỉnh táo giảm bớt, nhưng lại chạy đua tốc độ với nhau, thì tính mạng hành khách quả là ngàn cân treo sợi tóc.

Cần xử lý trách nhiệm chủ sở hữu xe

Rõ ràng, nguyên nhân chủ yếu của những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng bắt nguồn từ ý thức chủ quan của đội ngũ lái xe. Tuy nhiên, chính cách quản lý xe khách của các doanh nghiệp theo kiểu thực hiện hợp đồng và khoán cho lái xe về doanh thu đã khiến các lái xe chạy theo lợi nhuận, bất chấp tất cả. Đã đến lúc phải có những biện pháp xử lý tận gốc vấn đề này. Để xảy ra tai nạn, không chỉ có lái xe chịu trách nhiệm chính, mà cần phải xử phạt nặng trách nhiệm đối với chủ sở hữu xe.

Để góp phần hạn chế TNGT do xe khách gây ra, nhằm quản lý hoạt động của xe khách, Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu Trung tâm Quản lý bến xe, các đơn vị khai thác bến xe khẩn trương rà soát, nộp thống kê về Sở toàn bộ biểu đồ chạy xe tại các bến xe; đồng thời quy định biểu đồ tuyến có cự ly dưới 200 km phải bố trí thời gian xuất bến không quá 22 giờ hàng ngày, tuyến có cự ly trên 200 km xuất bến không quá 17 giờ hàng ngày, riêng biểu đồ của tất cả các phương tiện có thời gian hoạt động từ 22 giờ đêm hôm trước đến 17 giờ hôm sau đều phải được Sở phê duyệt. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo Tổng Cục Đường bộ Việt Nam nhanh chóng lắp đặt dải phân cách mềm bằng cao su đối với đoạn đường không đủ mặt cắt ngang để làm dải phân cách cứng, đồng thời tăng cường lắp đặt bổ sung hệ thống biển cảnh báo tại các khu vực hay xảy ra TNGT trên các tuyến quốc lộ...

Ngoài ra, Cục CSGT Đường bộ, đường sắt phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách về kiềm chế, giảm thiểu TNGT, siết chặt quản lý chất lượng phương tiện, quản lý đội ngũ lái xe, nhất là dịp Tết Dương lịch 2011 và Tết Nguyên đán Tân Mão 2011. Theo đó, tất cả các trường hợp vi phạm, CSGT sẽ thông báo gửi đến công ty, doanh nghiệp về hành vi vi phạm, yêu cầu kiểm điểm; tùy vào tính chất mức độ vi phạm, lái xe có thể bị tước giấy phép lái xe có thời hạn hoặc vĩnh viễn.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã gửi thông báo đến tất cả các doanh nghiệp vận tải về chủ trương lắp đặt thiết bị giám sát (hộp đen) hành trình chạy xe cho xe khách để hỗ trợ các lực lượng chức năng kiểm soát, giám sát chính xác từ xa hoạt động của xe khách, nhất là hỗ trợ ngay lực lượng CSGT sử dụng là bằng chứng để xử phạt tại chỗ các hành vi vi phạm của lái xe ngay trên đường.


Theo đó, từ 1/7/2011, gắn thiết bị giám sát đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly từ 500 km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container; từ 1/1/2012 gắn trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định có cự ly từ 300 km trở lên, xe buýt, xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng; từ 1/7/2012 gắn trên xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container và duy trì tình trạng kỹ thuật của thiết bị ở mức độ tốt.

Nguyễn Tiến (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN