Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ ngày 18/11 đến ngày 28/11, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc mạnh gây gió mạnh, sóng lớn, kết hợp triều cường làm sạt lở, xâm thực bờ biển khu vực thôn Kê Gà, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Đoạn bờ biển bị sạt lở kéo dài khoảng 400m, khoét vào đất liền từ 5m - 15m, làm ảnh hưởng đến hoạt động của các khu du lịch tại đây.
Mặc dù Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Hàm Thuận Nam đã thông tin, chỉ đạo các địa phương chủ động theo dõi để có biện pháp ứng phó, phòng tránh nhưng vì gió mạnh, sóng lớn kết hợp triều cường xảy ra với tốc độ tương đối nhanh, liên tục trong nhiều ngày nên công tác ứng phó gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục sự cố, huyện đã chỉ đạo xã Tân Thành huy động lực lượng, vật tư của địa phương triển khai gia cố tạm, đắp bằng bao cát tại khu vực sạt lở và cử cán bộ tiếp tục theo dõi tình hình sạt lở trong những ngày tiếp theo.
Tại thành phố Phan Thiết, gió mạnh, sóng lớn kết hợp triều cường đã làm gãy đổ mái đỉnh kè bảo vệ bờ biển Đồi Dương - Thương Chánh (kè kết cấu bê tông) và sụt lún lối đi nội bộ. Cụ thể, phần mái đỉnh kè bị gãy với chiều dài khoảng 110m, đường giao thông nội bộ bên trong kè bị sụt lún khoảng 80m2.
Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết đã chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với Ban Quản lý đầu tư xây dựng và Ban Quản lý khu du lịch kiểm tra, cử lực lượng tiến hành dọn dẹp các đoạn bê tông kè bị gãy đổ và phần cát tràn, lấp bên trong kè, đảm bảo mỹ quan đô thị; không ảnh hưởng đến hoạt động tắm biển của người dân, du khách tại khu vực này.
Hằng năm, cứ vào mùa gió Đông Bắc, tình trạng sạt lở bờ biển lại diễn ra ở Bình Thuận. Nguyên nhân là do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng mạnh và phức tạp, dẫn đến diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, khó lường. Tình trạng sạt lở bờ biển chủ yếu xảy ra ở hai huyện Tuy Phong và Hàm Thuận Nam, thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi.
Để ứng phó, khắc phục xâm thực, gây sạt lở bờ biển, tỉnh Bình Thuận đã huy động nguồn lực từ Trung ương đến địa phương để xây dựng được nhiều tuyến kè kiên cố, góp phần ổn định dân cư, cũng như hoạt động kinh doanh du lịch, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ cảnh quan môi trường góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 24 km kè biển và 5 km kè tạm.
Giai đoạn 2021- 2025, Bình Thuận tiếp tục huy động vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương xây dựng kè kiên cố, sử dụng vốn ngân sách tỉnh đối ứng nâng cấp, sửa chữa kè một số khu vực mang tính bức xúc, cấp thiết.