Từ tháng 4/2023 đến nay, người dân huyện Vĩnh Linh đã phản ánh việc nguồn nước trên sông Sa Lung có màu đen, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề nuôi trồng thủy sản và đời sống.
Tại cuộc họp, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị cho biết, nước sông Sa Lung bị ô nhiễm nhưng chưa tìm ra nguồn gây ô nhiễm. Nguồn xả thải ra sông này từ các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lợn và vùng nuôi tôm tập trung nhưng không có hệ thống xử lý nước thải. Trước mắt cần điều tra nguồn xả thải ra sông; đồng thời thành lập tổ giám sát, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để theo dõi giám sát.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, từ phản ánh của người dân, đơn vị đã tiến hành kiểm tra, ghi nhận chất lượng nước sông Sa Lung không đảm bảo. Hệ quả là nhiều hộ nuôi tôm lấy nước từ sông này bị thiệt hại nặng do tôm nuôi bị chết. Tỉnh cần có phương án lắp hệ thống quan trắc tự động để theo dõi chất lượng nước trên sông Sa Lung.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng nhấn mạnh, nguồn nước trên sông Sa Lung gắn với đời sống, sức khỏe, sinh kế của người dân. Các sở, ngành, chính quyền địa phương theo chức năng, nhiệm vụ cần sớm có giải pháp quản lý tài nguyên nước bền vững, tạo điều kiện cho người dân sinh sống, sản xuất; đồng thời, phối hợp quản lý, giám sát và thanh, kiểm tra về nguồn nước sông Sa Lung. Xem xét đầu tư hệ thống quan trắc tự động trên sông Sa Lung, cùng với quản lý, vận hành tốt hệ thống quan trắc này. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp ở ven sông Sa Lung cần đảm bảo vấn đề bảo vệ môi trường; trường hợp cố tình xả thải gây ô nhiễm thì xử phạt, tạm dừng hoạt động để khắc phục.
Sông Sa Lung chảy qua địa phận các xã: Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, Vĩnh Long, Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm, Vĩnh Hòa, Vĩnh Sơn, Hiền Thành, cùng hai thị trấn Hồ Xá, Bến Quan (huyện Vĩnh Linh) với chiều dài 59 km. Con sông này chủ yếu cấp nước tưới cho 419 ha đất trồng lúa, nuôi trồng thủy sản; cấp nước phục vụ sản xuất với lưu lượng 2.000 m3/ngày đêm. Các nguồn thải có tác động đến chất lượng nước sông Sa Lung gồm sản xuất công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi lợn.
Như TTXVN đã phản ánh, vào tháng 4 và 5/2023, khoảng 170 ha ao, hồ lấy nước từ sông Sa Lung ở xã Vĩnh Sơn có tôm chết hàng loạt, khiến người dân gặp khó khăn. Tháng 4/2023, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã kiểm tra chất lượng nguồn nước mặt sông Sa Lung liên quan đến việc nguồn nước phục vụ vùng nuôi tôm ở huyện Vĩnh Linh có dấu hiệu bị ô nhiễm. Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy: 3/5 mẫu nước có các thông số vượt giới hạn B1 của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về tiêu chuẩn nước mặt (QCVN 08-MT: 2015/BTNMT).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, kết quả phân tích chất lượng nước qua 4 đợt lấy mẫu (tháng 7 và 8/2023), quan trắc nguồn nước thượng lưu Công trình thủy lợi Sa Lung (trên sông Sa Lung) cho thấy: Nồng độ ô xy hòa tan tầng giữa, tầng đáy thấp và nguồn nước bị ô nhiễm vi sinh vật vượt giới hạn nhiều lần theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về tiêu chuẩn nước mặt (QCVN 08-MT: 2015/BTNMT); không đáp ứng mục đích cấp nước sinh hoạt và bảo tồn động thực vật thủy sinh; không đáp ứng mục đích tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản hoặc các mục đích sử dụng khác có yêu cầu chất lượng nước tương tự.