Nhiều món ăn truyền thống "hút" khách
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, chị Nguyễn Thị Tâm (Khu đô thị Times City, Hà Nội) cho biết: Năm nay Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau nên ai cũng cảm thấy vội vã. “Xu hướng làm cỗ, mua hoa quả để thắp hương của nhiều người đã giản tiện hơn. Mâm cơm vẫn đủ món nhưng không phải là mâm cao cỗ đầy như trước. Một số món không truyền thống như: Gà ủ muối, nem hải sản được đặt mua nhiều. Vàng mã dành cho ngày lễ cũng có xu hướng đơn giản hơn, đặc biệt xuất hiện loại vàng mã mini, dễ bày, dễ đốt, không bị cháy to, gây nguy hiểm dù giá không hề rẻ”, chị Nguyễn Thị Tâm nói.
Năm nay 23 tháng Chạm âm lịch rơi vào thứ 7 (ngày 14/1/2023), ngày nghỉ nên mọi người cũng chọn thắp hương đúng ngày nhiều. Theo chị Nguyễn Thị Tâm, chị đã đặt hàng một số món tại Madame Nhung số 8 phố Quán Sứ, hoa quả mua ở chợ gần nhà, đặt xôi gấc Phú Thượng với giá 60.000 đồng/đĩa. Do ở chung cư nên gia đình chị Tâm chọn mua bộ vàng mã “Combo Tết 2023” gồm 1 bộ để tiễn ông Táo quân, 1 bộ cho lễ Giao thừa và một bộ dành cho ngày hóa vàng với giá 110.000 đồng/bộ.
Theo chủ cơ sở dịch vụ tiệc, cỗ Madam Nhung, số 8 Quán sứ (Hà Nội), qua 2 năm mùa COVID-19 nên năm nay lượng khách đặt món tăng nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Người dân Việt Nam vẫn chuộng món ăn truyền thống, nhưng được Madam Nhung chế biến tinh tế, lạ miệng hơn.
“Dù thời gian qua, giá nguyên liệu đầu vào có lúc biến động nhưng các set cỗ không tăng giá. Xu hướng dịp Tết này, một số khách chọn set đồ ăn được nấu theo phong cách Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản nhưng khẩu vị phù hợp với người Việt. Hiện sức mua tăng theo ngày. Những khách hàng là công sở bận việc cuối năm đặt các món qua mạng tăng đột biến”, chị Trương Thị Lê Nhung cho biết.
Hiện, set cỗ số 1 và 2 của Madam Nhung được khách chọn rất nhiều. Theo đó, set mặn 1 có giá 1.835.000 đồng/mâm gồm: Món ngan xé phay; nem cua gạch; chân giò hầm sốt kem kèm bánh mỳ; tôm sú rang muối tôm; xôi cốm; canh bóng giò cuộn hoặc có thể thay thế một số món khác là nem chạo chay hoặc cá trắm đen kho chuối xanh; canh măng móng giò có giá 1.735.000 đồng/set mâm. Set cỗ món mặn số 2 có giá 1.440.000 đồng/mâm gồm món: Gỏi nấm hầu thủ măng trộn; nem cua gạch; nem chạo chay; cá trắm đen kho chuối xanh; bánh chưng truyền thống/cẩm/gấc/muối và canh măng móng giò.
“Set 1 gồm nhiều món đầy đủ, hạn chế tối đa là món chiên. Món nem cua gạch hoặc nem chay cốm nấm được chế biến từ nguyên liệu ruốc nấm hoa quả, cốm thơm được bán khá chạy. Hoặc set 3 có giá rẻ hơn là 1.330.000 đồng với thực đơn soup kem bí/cốm; ngan xé phay; đuôi heo hun khói; bò sốt vang; chân giò hầm sốt kem phomai tươi cùng bánh mỳ; canh tần nấm bổ dưỡng”, chị Madam Nhung cho biết.
Hiện Nhà hàng Bể Cá (NHBC) có 10 món cỗ có sẵn để cúng ngày 23 tháng Chạp như: Giò hoa ngũ sắc có giá 210.000 đồng/0,6kg; nem tôm 170.000 đồng/hộp; giò thủ truyền thống là 180.000 đồng/0,5kg; canh măng sườn móng giò 140.000 đồng/hộp; nem rau là 135.000 đồng/hộp; bánh chưng truyền thống 100.000 đồng/chiếc;gà rút xương cuộn nấm là 54.000 đồng/100gr; canh bóng thả 130.000 đồng/hộp; thịt đông 100.000 đồng/hộp; giá gà lễ tính theo kg.
“Thời gian qua, một số giỏ quà đắt khách tại Nhà hàng Bể Cá như: Hộp Phú Quý có giá 690.000 đồng gồm các loại trà nhài cụ Diễn, mứt quất, mứt hồng bì, kẹo lạc và hộp gỗ bọc gấm; Làn cói chấn song hoa đào có giá từ 630.000 đến 870.000 đồng… Ngoài ra, các giỏ quà nông sản vùng miền cũng được nhiều khách hàng mua gửi làm quà tặng Tết”, chị Nguyễn Thu Hương, chủ Nhà hàng Bể Cá cho biết. Tại Nhà hàng Bể Cá có cung cấp loại hương trầm đặc biệt có giá 125.000 đồng/bó 90 nén; nụ trầm hộp 50 viên có giá 235.000 đồng; tinh dầu sả và tinh dầu mùi.
Dịp ông Công, ông Táo này, nhà tạo mốt tóc Hoàng Thế Cường, ngõ 377 Lâm Du, Long Biên, Hà Nội lại có ý tưởng tự vào bếp làm mâm cơm chay thắp hương.
“Tôi từng ăn một số món chay ở quán nhưng chưa thấy hợp khẩu vị. Nhân ngày lễ này, trước là thành tâm dâng mâm cơm cúng quan Thổ công, Thổ địa, sau là gia đình thụ lộc. Tôi lên mạng nghiên cứu, kết hợp sự sáng tạo riêng để chế biến một số món chay đặt tên gọi là: Món mực rim được làm từ nấm đùi gà; cà ri Tom Yum; đậu nhồi thịt; mỳ xào thập cẩm. Nhân của món đậu nhồi thịt được làm từ nấm và cà rốt thái nhỏ, quan trọng phải trộn thêm bột mì và bột ngô để kết dính”, anh Hoàng Thế Cường chia sẻ.
Theo anh Hoàng Thế Cường, dù mất nhiều thời gian nhưng cảm thấy vô cùng thích thú, ăn lại ngon, lạ miệng, đặc biệt rất “healthy”, duy trì được vóc dáng, cân nặng; đồng thời tiết giảm được nhiều chi phí so với các thực đơn món mặn.
Người dân có xu hướng chi tiêu tiết kiệm
Theo chủ NHBC Nguyễn Thu Hương, nếu như đầu tháng 1/2023, sức mua tại NHBC chậm thì khoảng vài ngày trở lại đây, lượng khách tăng đột biến. Người dân vẫn cố gắng chi tiêu để lo cho cái Tết đủ đầy. “Khách hàng chủ yếu đặt hàng cho 2 dịp là lễ cũng 23 tháng Chạp âm lịch và cúng tất niên ngày 30 Tết. Sức mua từ ngày 20 tháng Chạp âm lịch tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Các đơn hàng mâm cỗ giao động từ 700.000 - 2 triệu đồng. Các gia đình đặt sẵn thường là các đơn từ 1,2 - 2 triệu/mâm cỗ”, chị Thu Hương cho biết.
Tại một số bếp ăn online, lượng khách mua đồ ăn sẵn chiếm đại đa số. Gà lễ, xôi giò, bánh chưng được đặt mua nhiều nhất. Giá gà ta, mũi và lưỡi lợn và bắp bò tăng hơn trước; chi phí vận chuyển tăng nhưng cơ bản giá đồ ăn tại NHBC không điều chỉnh. Các mặt hàng được mua nhiều nhất tại NHBC là: Giò hoa ngũ sắc, giò thủ, gà rút xương cuộn nấm, nem, nộm, canh măng, canh bóng, bò ngâm nước mắm. “Đặc thù cúng lễ dịp ông Công, ông Táo, khách mua đều các mặt hàng cho đủ đầy mâm cỗ”, chị Thu Hương cho biết.
Do xác định sống chung với COVID-19 nên tâm lý phần lớn người dân không còn lo lắng. Tuy nhiên, năm nay kinh tế khó khăn, bất ổn toàn cầu nên xu hướng chi tiêu của người dân tiết kiệm. Theo một số cơ sở bán đồ online, quà biếu Tết chủ yếu là các set mứt truyền thống giá vừa phải (dưới 1 triệu đồng/hộp quà). Các doanh nghiệp cắt giảm quà biếu đối tác rất nhiều, chủ yếu tặng quà cho cán bộ nhân viên ăn Tết.
“NHBC đưa ra gợi ý các set cỗ thắp hương từ 3 - 5 món với mức ngân sách 700.000 đến 1 triệu đồng. Trước ngày 20 tháng Chạp âm lịch, không khí mua sắm còn khá trầm nhưng nay khách mua đông dồn dập nên cơ sở có lúc bị quá tải. Việc vận chuyển hàng hoá giữa các tỉnh cũng bị tăng đột biến do người tiêu dùng không có kế hoạch sớm”, chị Thu Hương chia sẻ.