Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, để công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản chuyển biến thực sự, bên cạnh việc tiến hành các biện pháp thanh kiểm tra và xử phạt các đơn vị cá nhân vi phạm thì ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng “chuỗi thực phẩm an toàn”.
Vi phạm chưa giảm
Trong những năm qua, công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản của ngành nông nghiệp có chuyển biến; tuy nhiên tốc độ chuyển biến còn chậm, tỉ lệ các mẫu sản phẩm tồn dư hóa chất, kháng sinh, nhiễm vi sinh vật... vượt giới hạn cho phép còn ở mức cao. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã khẳng định như vậy tại Hội nghị trực tuyến về công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, do Bộ NN&PTNT tổ chức, diễn ra sáng qua (4/4).
Sản xuất rau an toàn tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN |
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết, tổng hợp báo cáo của 48 tỉnh, thành phố cho thấy, mức độ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thủy sản trên phạm vi cả nước trong nhiều năm qua chưa có chiều hướng giảm. Theo đó, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thủy hải sản nuôi vượt giới hạn cho phép trong 3 năm gần đây dao động ở mức từ 1 - 1,5%. Hàm lượng hóa chất bảo quản vượt mức cho phép, ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh trong thủy sản sau thu hoạch còn cao, dao động từ 3,5 - 5,5%.
Kết quả giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau tại 6 tỉnh, thành phố trong năm 2011 và 11 tỉnh, thành phố trong năm 2012 cũng cho thấy, số mẫu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau vượt mức cho phép có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao: Năm 2011 là 106/1.050 mẫu, năm 2012 là 96/1.200 mẫu.
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng cho biết, với những lô hàng nông lâm thủy sản phục vụ xuất khẩu, đặc biệt là xuất sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Nga..., Bộ NN&PTNT phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo những mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt chất lượng theo đúng yêu cầu của nước nhập khẩu. Mặt khác, Bộ còn ký hợp tác với cơ quan chức năng của các nước kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh trong các mặt hàng này, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu. |
Không chỉ có rau và thủy sản, mà trong hai năm qua, nhiều mẫu thịt lợn, thịt gà cũng bị phát hiện không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, mức độ ô nhiễm vi sinh vật tại các cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh gia súc, gia cầm còn cao. Cụ thể, kết quả kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh thịt lợn trong năm 2011 cho thấy, có 5/32 mẫu và năm 2012 có 28/275 mẫu thịt nhiễm Salmonella; kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh thịt gà, phát hiện 30% số mẫu năm 2011 và 39% số mẫu năm 2012 nhiễm vi khuẩn Ecoli vượt quá giới hạn cho phép.
Trong năm 2012, các địa phương cũng tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản. Qua kiểm tra 7.000 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, lực lượng thanh tra phát hiện gần 1.000 cơ sở vi phạm; kiểm tra 1.700 mẫu vật tư thì có đến gần 300 mẫu có chất lượng không đúng với công bố. Qua kiểm tra 12.000 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, lực lượng thanh tra cũng phát hiện gần 1.000 cơ sở vi phạm với lý do kinh doanh nông sản nhiễm vi sinh vật như Salmonella, Ecoli... , dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng giới hạn cho phép...
Quản lý theo chuỗi
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, để công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản chuyển biến thực sự, bên cạnh việc tiến hành các biện pháp thanh kiểm tra và xử phạt các đơn vị cá nhân vi phạm thì ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng “chuỗi thực phẩm an toàn”.
Theo đó, các sản phẩm sẽ được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng từ khâu sản xuất, lưu thông đến khi đến tay người tiêu dùng. Đến nay, Bộ đã hoàn tất việc khảo sát thực tế tại 27 tỉnh, thành phố để triển khai mô hình này. Trước mắt, trong năm nay, Bộ sẽ lựa chọn, xây dựng một số mô hình điểm về chuỗi sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn tại một số địa phương; sau đó sẽ nhân rộng tại các địa phương khác.
Bộ cũng sẽ ưu tiên nguồn lực, phổ biến, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cải thiện điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GMP/HACCP trong quá trình sản xuất.
Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, việc nâng cao công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm thủy sản được xem là nhiệm vụ trọng tâm số một của ngành trong năm nay. Mục tiêu của Bộ là phấn đấu đưa tỉ lệ rau củ quả, chè nhiễm thuốc bảo vệ thực vật; thịt, thủy sản nhiễm hóa chất, kháng sinh, vi sinh vật vượt mức cho phép trong năm nay giảm 10% so với năm 2012.
Huyền Tím - Nguyễn Loan