Bãi đổ thải cao trên 100m, được đổ cắt tầng, các vị trí sạt trượt được phát hiện trên đỉnh và ở lưng chừng độ cao 60m, một số vị trí sạt trượt so với vị trí ban đầu khoảng 20m, khu vực đỉnh bãi đổ thải xuất hiện nhiều vết nứt trung bình từ 4-6cm, tổng chiều dài khoảng 200m. Đặc biệt, dưới chân bãi thải là đường dân sinh hằng ngày có nhiều người qua lại, cách vị trí sạt trượt 150m về phía chân bãi thải có nhà ở của các hộ dân xóm Khuôn 1, Khuôn 2, xã Phục Linh.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên, hiện tượng sạt trượt xuất hiện từ ngày 24/3, có nguy cơ tiếp tục xảy ra. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đang phối hợp với chính quyền địa phương, Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng nứt, sạt trượt đất đá và tổ chức tuyên truyền, vận động, hỗ trợ 3 hộ dân (hộ ông Tạc Văn Sinh, Tạc Văn Bình và bà Tống Thị Thịnh) đang sinh sống tại khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng do sạt lở, di chuyển đến vị trí an toàn.
Đồng thời, lực lượng chức năng bố trí lực lượng trực 24/24h tại khu vực có nguy cơ sạt lở để theo dõi và kịp thời cảnh báo cho nhân dân, yêu cầu Mỏ than Phấn Mễ, Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên phối hợp cảnh giới tại khu vực sạt lở và thực hiện các phương án ứng phó.
Ông Nguyễn Duy Khải, Phó Giám đốc Mỏ than Phấn Mễ cho biết, ngay sau khi xuất hiện vết nứt, sạt trượt, Mỏ đã kiểm tra, đánh giá tình trạng sạt trượt, xác định nguyên nhân ban đầu là do mưa liên tiếp, địa chất dưới chân bãi thải là bùn, nên khi đổ thải đã tạo trọng lực lớn và xảy ra sạt trượt. Hiện tại, Mỏ đã dừng việc đổ thải tại khu vực này để theo dõi, đánh giá mức độ, đồng thời tiến hành khơi rãnh để khi có mưa, nguồn nước không chảy xuống khu vực đã sạt trượt, gây sạt lở trên diện rộng.