Ông Lê Xuân Rao, Phó Trưởng Ban chỉ đạo chữa trị rùa hồ Gươm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, cho biết: Chiều tối 12/7, rùa hồ Gươm đã được đưa trở về môi trường tự nhiên sau 100 ngày chữa trị tại khu vực bể ở chân Tháp Rùa (Hồ Gươm). Việc thả rùa được tiến hành an toàn, đúng kế hoạch và không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến sức khỏe của rùa.
Đến thời điểm được thả về hồ Gươm, rùa đã khỏi hoàn toàn các vết thương trên mai, cổ..., hiện tượng nấm cũng đã hết. Sau khi rùa được đưa về môi trường tự nhiên, việc nạo vét bùn tại hồ Gươm sẽ được tiến hành theo công nghệ của CHLB Đức; đồng thời việc cải tạo môi trường hồ vẫn tiếp tục được các cơ quan chức năng tiến hành theo đúng kế hoạch, để bảo đảm môi trường sống ổn định, an toàn lâu dài cho rùa. Trước đó, ngành chức năng cũng đã thả xuống hồ hàng chục nghìn con cá gồm các loại trôi, mè, rô phi, để đảm bảo nguồn thức ăn cho rùa.
Ông Lê Xuân Rao cũng nhấn mạnh: Để giữ cho hồ Gươm không bị ô nhiễm trở lại, môi trường sống của rùa được đảm bảo lâu dài, bên cạnh quy chế quản lý hồ Gươm đang được UBND thành phố giao cơ quan chức năng khẩn trương soạn thảo; ý thức của người dân và du khách khi đến tham quan hồ Gươm là hết sức quan trọng. Người dân cần tuyệt đối không vứt rác thải, phóng sinh rùa tai đỏ và các sinh vật lạ xuống hồ Gươm.
Được biết, trong quá trình chữa trị cho rùa hồ Gươm, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm và xác định rùa hồ Gươm là loài động vật đặc hữu của cả nước, có vùng phân bố thuộc lưu vực ba con sông là sông Hồng, sông Mã, sông Đà ở miền Bắc nước ta. So sánh mẫu gene thu được từ cá thể rùa Hồ Gươm với một số mẫu gene rùa khổng lồ hiện được lưu giữ tại chùa Hưng Ký (Hà Nội) và Quảng Phú (Thanh Hóa) đã được phân tích trước đó cho thấy các mẫu gene giống nhau một cách tuyệt đối.
Thanh Trà- Xuân Minh