“Rốn lũ” Nghĩa Hành oằn mình chống lũ

Tại huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), con đường độc đạo nối trung tâm xã Hành Dũng với thôn Kim Thành đang bị nước lũ chia cắt khiến hơn 350 hộ dân không thể đi lại được.

Theo ghi nhận của phóng viên, trưa 1/12, nước lũ tuy đã rút nhưng vẫn còn ở mức cao ngang bụng, nên tuyến đường liên thôn nói trên vẫn chưa thể lưu thông. Dấu nước để lại trên tường nhà cho thấy đỉnh điểm mức lũ cao hơn 1m.


Trước tình hình đó, chính quyền xã Hành Dũng phải cắm biển cảnh báo người dân và cho người túc trực tại đoạn ngập sâu để ngăn không cho ai qua lại. 

Điểm nước sâu gây chia cắt 350 hộ dân ở thôn Kim Thành.

Bà Lâm Thị Hồng Minh ở Chợ Phiên, thôn An Hòa, xã Hành Dũng cho biết: Sống ở đây việc chạy lũ là chuyện bình thường nhưng năm nay là lần đầu tiên đến thời điểm này còn bị lụt. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác chuẩn bị nên gia đình tôi không bị ảnh hưởng gì nhiều.


Hành Dũng là luôn được xem là "rốn lũ" của huyện Nghĩa Hành, vì nơi đây có địa hình thấp, trũng. Cứ mỗi lần lũ về thì hàng trăm người dân phải chạy lũ. Riết rồi cũng thành quen, người dân xã Hành Dũng luôn có kinh nghiệm ứng phó với lũ cao hơn từ đó giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra. 


Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành cho biết: Cứ đến mùa bão lũ thì Hành Dũng luôn chuẩn bị các phương án để giảm nhẹ thiệt hại. Cụ thể, Hành Dũng thực hiện "4 tại chỗ". Các vùng ngập lụt như thôn An Sơn, Kim Thành, Trung Mỹ… xã sẽ bố trí một số địa điểm để di dời dân, di dời trâu bò và đưa những người già cả neo đơn đến những vùng an toàn, cao ráo. Nhờ chủ động trong công tác phòng tránh lũ nên các cơn lũ vừa qua, Hành Dũng tuy bị ngập nhiều nhà cửa nhưng không thiệt hại lớn.


Tuy đã quá quen thuộc với lũ dữ nhưng không ít người dân nơi đây phải bất ngờ vì lần đầu tiên trong nhiều năm qua, đến thời điểm này lũ lại về. Do đó vẫn còn một số người dân còn chủ quan nên cũng bị ảnh hưởng.


Điển hình như anh Nguyễn Thanh Tiến, chợ Phiên, thôn An Hòa, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành. Anh Tiến cho biết: Do không nghĩ mùa này có lũ nên hôm đó tôi đi ăn đám cưới ở huyện bên. Khi về thì một số tài sản, lợn gà bị trôi đi mất. Tuy nhiên, do sống ở địa phương thường xuyên xảy ra lũ lụt nên những vật dụng đắt tiền tôi đều kê ở trên cao. Trận lũ vừa qua, nhà tôi bị thiệt hại ít.


Ông Đàm Bàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành cho biết: Ngoài xã Hành Dũng, một số xã khác của huyện Nghĩa Hành cũng thực hiện tốt công tác phòng chống lũ. Ngay sau khi có thông tin về thời tiết xấu, huyện Nghĩa Hành đã thực hiện tốt các phương án phòng chống lũ với phương châm "4 tại chỗ". Phân công người canh gác không cho người và phương tiện đi lại tại các điểm bến đò ngang, các điểm ngập sâu có dòng nước chảy xiết; triển khai các đội xung kích ở thôn, tổ dân phố. Các xã thực hiện tốt việc di dời dân, di dời người và tài sản đến vị trí an toàn.


Trong đợt mưa lũ này, huyện Nghĩa Hành có 325 hộ dân thuộc 8 thôn của các xã bị ngập nước gồm 100 hộ ở xã Hành Nhân, 100 hộ ở xã Hành Dũng, 60 hộ ở xã Hành Minh và 65 hộ ở thị trấn Chợ Chùa. Huyện cũng đã thực hiện tốt công tác di dời 215 hộ với 645 khẩu ở xã Hành Tín Đông, Hành Dũng, Hành Minh ... thuộc diện ngập sâu trong nước đến trú tạm xen ghép với các hộ có nhà cao ở trong thôn hoặc đến ở các điểm sinh hoạt của tổ dân phố.


Tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp nên trong những ngày tới, Quảng Ngãi, nhất là "rốn lũ" Nghĩa Hành cần hết sức đề phòng lũ lên nhanh tại các sông gây ngập diện rộng đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân.

Tin, ảnh: Sỹ Thắng (TTXVN)
Đề phòng lũ quét, sạt lở đất và ngập úng
Đề phòng lũ quét, sạt lở đất và ngập úng

Hiện lũ trên sông Trà Khúc, sông Vệ (Quảng Ngãi) và sông Lại Giang (Bình Định) đang dao động ở mức cao; sông Kôn (Bình Định) đang lên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN