Cho dù thành phố Hà Nội đã xã hội hóa ở lĩnh vực này, song việc triển khai không dễ dàng và chưa có cơ chế cụ thể và kịp thời hấp dẫn cho nhà đầu tư, khiến vấn đề nhà vệ sinh công cộng vẫn chưa được giải quyết.
Thiếu nhà vệ sinh công cộng trầm trọng
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn toàn thành phố có hơn 370 nhà vệ sinh công cộng. Trong số đó, nhà vệ sinh công cộng được phân ra làm 3 loại gồm nhà vệ sinh công cộng bằng gạch; nhà vệ sinh bằng thép và nhà vệ sinh công cộng do các đơn vị xã hội hóa đầu tư.
Đối với nhà vệ sinh bằng gạch, tập trung chủ yếu trên địa bàn 4 quận trung tâm, nằm trong khu vực ngõ xóm được xây dựng đã lâu, công năng phục vụ nhân dân hạn chế, vì hầu hết các hộ dân xung quanh đã có nhà vệ sinh riêng. Còn nhà vệ sinh bằng thép, đều được lắp đặt trong đợt phục vụ Sea Games 22 và 1.000 năm Thăng Long đã được UBND các quận mới đầu tư lắp đặt tại các khu vực công viên, vườn hoa hở, khu vực công cộng, các nơi vui chơi giải trí, khu di tích…
Về việc duy tu, dọn vệ sinh đối với những nhà vệ sinh bằng gạch, bằng thép đã được UBND thành phố giao về các quận, huyện từ ngày 1/1/2017.
Còn đối với nhà vệ sinh công cộng do xã hội hóa, được thành phố giao Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội vận hành, duy trì theo hình thức đặt hàng hàng năm.
Qua khảo sát một số nhà vệ sinh trên địa bàn Hà Nội, chất lượng chưa được đảm bảo. Nhiều nhà vệ sinh cũ, bằng thép, bằng gạch đều chật hẹp, được lắp đặt ở những vị trí chưa thuận lợi. Trong khi đó, nhiều nhà vệ sinh công cộng, chưa được quan tâm trong công tác dọn vệ sinh.
Theo sinh viên Đỗ Hồng Vỹ, mỗi khi có nhu cầu tế nhị, em phải nín thở để bước vào nhà vệ sinh giải quyết nỗi bức xúc. Trong khi đó, có nhà vệ sinh còn tổ chức thu phí 2.000 đồng/lần giải quyết “nỗi buồn” nhưng cũng không phải là sạch sẽ. Có lẽ vì những lý do trên, nhiều người tìm cách “tè” bậy ra đường, khu vực khuất nẻo, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị.
Đỗ Hồng Vỹ chia sẻ, thời gian qua thành phố Hà Nội cũng cho đơn vị tư nhân lắp đặt nhà vệ sinh tại hồ Gươm với hình ảnh bắt mắt như một tác phẩm nghệ thuật. Nhưng đáng buồn, do ý thức kém, cộng với thiếu nhà vệ sinh công cộng nên một số người dân đi vệ sinh bừa bãi ra cả lối đi của nhà vệ sinh, khiến cho khu vực hồ Gươm bị nhếch nhác, mất vệ sinh nên đơn vị đã phải dừng triển khai mô hình.
Còn anh Văn Hà, nhân viên của một ngân hàng tại phố Trần Hưng Đạo nhìn nhận, thời gian vừa rồi, dịch COVID-19 xuất hiện ở Hà Nội, vai trò của nhà vệ sinh công cộng lại càng quan trọng. Nếu ai đó bị nhiễm COVID-19 mà ý thức kém cứ phóng uế ra nơi công cộng thì nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng sẽ nguy hiểm nên rất mong thành phố sớm đầu tư nhà vệ sinh công cộng để vừa giải quyết nhu cầu của người dân, vừa phòng ngừa lây lan bệnh tật.
Xã hội hóa đi kèm với quyền lợi nhà đầu tư
Vào năm 2016, Công ty cổ phần Thương mại và truyền thông Vinasing đã cam kết tài trợ cho thành phố 500 nhà vệ sinh công cộng. Đổi lại, phía nhà đầu tư được UBND thành phố Hà Nội đồng ý cho quyền khai thác quảng cáo trên tất cả các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới tại địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian 10 năm.
Nhưng đến nay việc triển khai lắp đặt nhà vệ sinh cũng không được triển khai thuận lợi như kế hoạch ban đầu, do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là liên quan đến quyền lợi quảng cáo tại những cầu vượt trên địa bàn.
Do nhu cầu bức thiết về nhà vệ sinh công cộng, cuối năm 2017, UBND thành phố Hà Nội có văn bản số 1474 cho phép Công ty cổ phần Công nghệ môi trường Tiên phong lắp đặt nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn theo hình thức xã hội hóa. Theo đó, bước đầu công ty này đã lập đề án lắp đặt 12 nhà vệ sinh công cộng kèm ki-ốt quản lý nhân dịp mùng 2/9 này.
Theo đại diện Công ty cổ phần Công nghệ môi trường Tiên phong, tính năng của nhà vệ sinh công cộng do công ty lắp đặt tự động, sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời, hiện đại sạch sẽ được Tổng Cục Du lịch Việt Nam và tổ chức ASEAN trao giấy chứng nhận đạt chuẩn.
“Nguồn vốn đầu tư cho một nhà vệ sinh công cộng này khá lớn, bằng nguồn xã hội hóa. Song để lắp đặt được nhà vệ sinh này liên quan đến nhiều cơ qua; trong đó, có Sở Công Thương, Sở Văn hóa và Thể thao. Nên doanh nghiệp mong muốn thành phố cho cơ chế phù hợp để kinh doanh quảng cáo nhằm thu hồi vốn”, ông Nguyễn Xuân Sáng, đại diện Công ty Cổ phần Công nghệ môi trường Tiên phong kiến nghị.
Theo một số chuyên gia về đô thị, mô hình xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới. Về bản chất, nhà đầu tư không sử dụng ngân sách nhà nước, không lấy tài nguyên đất đai, rất có lợi tạo bộ mặt đô thị khang trang cho thành phố. Tuy nhiên, để sớm có nhà vực nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn trên địa bàn, nhiều chuyên gia cho rằng, thành phố cần tiếp tục tạo điều kiện, cấp giấy phép quảng cáo để nhà đầu tư có thể chứng minh với ngân hàng rằng dự án triển khai có hiệu quả.
Hơn nữa, đây cũng là lĩnh vực mới nên một số sở ngành liên quan còn lúng túng khi giải quyết các thủ tục. Do vậy, thành phố cần quan tâm chỉ đạo sát sao hơn nữa để mọi vấn đề liên quan đến đầu tư, quảng cáo được rút gọn, có như vậy người dân Thủ đô mới nhanh chóng được sử dụng nhà vệ sinh công cộng văn minh, sạch sẽ, vị chuyên gia nêu ý kiến.
Ngoài những “rào cản” thủ tục, cơ chế từ các sở ngành liên quan, thì doanh nghiệp khi triển khai xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội cũng phải đối mặt với một tình trạng là mất cắp các thiết bị lắp đặt tại nhà vệ sinh công cộng.
Với những thực tế như vậy nên tại Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành khác, các doanh nghiệp đều ngại ngần, chưa mặn mà khi tham gia lĩnh vực khó nhằn này. Vì thế, từ nhiều năm nay Hà Nội mới chỉ kêu gọi xã hội hóa được 113 nhà vệ sinh công cộng. Cho nên, người Thủ đô vẫn đang mong mỏi vào sự lưu tâm của chính quyền thành phố trong việc giải quyết nhu cầu tế nhị nhưng vô cùng chính đáng ở những nơi công cộng.