Tại Hà Nội hiện nay, có không ít các khu đô thị mới với vẻ ngoài hoành tráng nhưng lại thiếu các trạm xử lý nước thải. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn khiến các hộ dân vô cùng bức xúc.Liên quan đến vấn đề này, Sở Xây dựng Hà Nội đã có chỉ đạo, thời hạn cuối là ngày 30/4, các chủ đầu tư phải có báo cáo tình hình triển khai các dự án khu đô thị, trong đó có nội dung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là các trạm xử lý nước thải theo quy hoạch được duyệt.
Chây ỳ xây dựngGiám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, thành phố có trên 150 khu đô thị mới, hàng nghìn chung cư cao tầng nhưng có rất nhiều khu đô thị không có trạm xử lý nước thải hoặc không xử lý qua hệ thống bể tự hoại mà xả thẳng vào hệ thống thoát nước chung của thành phố. “Nguyên nhân là chủ đầu tư không chịu “bỏ tiền túi” để đầu tư một công trình không đem lại lợi nhuận. Trong khi đó, vẫn chưa có chế tài xử phạt để buộc các chủ đầu tư phải thực hiện đúng cam kết trong quy hoạch đã được duyệt”, ông Dục cho hay.
Thực tế, theo khảo sát của phóng viên tại các khu đô thị mới tại Hà Nội, không ít khu xả thẳng nước thải ra môi trường khiến các con kênh, mương quanh khu vực bị ô nhiễm, bốc mùi. Tại khu đô thị Ciputra (quận Tây Hồ) do Tập đoàn Ciputra (Indonesia) liên doanh với Tổng công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư, nơi được xem là khu đô thị kiểu mẫu với kiến trúc sang trọng, quy mô rất lớn nhưng cho đến nay vẫn chưa có nơi xử lý nước thải. Toàn bộ nước thải khu đô thị đều xả thẳng ra môi trường không qua xử lý.
Nhiều khu đô thị tại Hà Nội xả nước thải chưa qua xử lý vào hệ thống sông hồ, kênh mương chung. Ảnh: HD |
Không chỉ có Ciputra mà nhiều khu đô thị khác tại Hà Nội như Mỹ Đình - Mễ Trì, Yên Hòa, Văn Khê... cũng đã từng bị phạt bởi lí do xả thải gây ô nhiễm môi trường nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải. Mức phạt hiện nay còn thấp nên dường như các chủ đầu tư “chưa sợ”.
Một lãnh đạo Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long, chủ đầu tư khu đô thị Văn Khê (Hà Đông) phân trần, khu đô thị mới xây dựng xong phần thô khu xử lý nước thải và chưa đưa vào hoạt động vì chi phí máy móc, công nghệ tốn kém. Tuy vậy, lí do này khó có thể chấp nhận được bởi theo đúng quy hoạch phê duyệt thực hiện dự án, tất cả các khu đô thị đều phải có trạm xử lý nước thải riêng.
Ngoài việc viện cớ xây khu xử lý nước thải riêng phức tạp, tốn kém thì một trong những lí do khiến các chủ đầu tư “chây ỳ” xây dựng thời gian qua chính là sự lỏng lẻo trong các khâu quản lý.
Phải quyết liệt xử phạt“Cần phải phân loại các khu đô thị. Khu nhà ở quy mô nhỏ chỉ cần xử lý sơ bộ là có thể đưa vào hệ thống thoát nước chung của thành phố, không nhất thiết có trạm xử lý riêng.
Vấn đề tiếp theo là kiểm tra việc kết nối hệ thống thoát nước của dự án với hệ thống của thành phố như thế nào, có đảm bảo xử lý sơ bộ trước khi vào hệ thống xử lý chung không?
Mặt khác, cần kiểm tra việc các khu đô thị đã thực hiện việc tách riêng hệ thống thoát nước mặt và nước thải theo quy định chưa” - Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội |
Theo Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Đỗ Viết Chiến, sự phát triển ồ ạt của các khu đô thị mới thời gian qua vẫn còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch. Điều này dẫn đến hậu quả là nhiều khu đô thị thiếu hạ tầng quan trọng phục vụ người dân, tình trạng ô nhiễm môi trường... Theo ông Chiến, hiện còn thiếu quy định liên quan đến phát triển đô thị và khu đô thị, có sự chồng chéo các văn bản quy phạm khiến cơ quan chức năng và chủ đầu tư lúng túng trong xử lý.
“Các khu đô thị quá chú trọng phát triển số lượng, quy mô mà không chú trọng đến các yếu tố phát triển bền vững, trong đó có thân thiện với môi trường”, ông Chiến cho hay.
Mặt khác, theo ông Chiến, trong quá trình đầu tư xây dựng khu đô thị, các bộ, ngành, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm tiền kiểm, hậu kiểm. Chủ đầu tư sai phạm thuộc cấp nào, cấp đó phải xử lý.
Còn ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh đến nguyên nhân từ phía các cơ quan quản lý xử lý chưa nghiêm. Theo ông Liêm, xử lý những trường hợp này không quá khó. “Nếu anh không hoàn thiện hạ tầng, tôi không cho phép anh được bán hàng. Với các khu đã đi vào hoạt động, có thể mời cảnh sát môi trường vào kiểm tra. Dự án phê duyệt quy hoạch có trạm xử lý nước thải mà khi kiểm tra không có thì rõ ràng là vi phạm”, ông Liêm cho biết.
Trước Tết, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư các dự án phải có báo cáo về quá trình triển khai các trạm xử lý nước thải, chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương xây dựng trạm xử lý nước thải trong khu đô thị theo đúng quy hoạch, có cam kết tiến độ khởi công - hoàn thành. Tuy vậy, nếu cơ quan quản lý nhà nước này không thường xuyên đôn đốc, xử lý các chủ đầu tư cố tình trì hoãn xây dựng thì khả năng các chủ đầu tư tiếp tục chây ỳ là rất cao.
Hoàng Dương - Mai Ngọc