Cụ thể, vào lúc 15 giờ ngày 30/1/2020, tại khu vực sạt lở Quốc lộ 91 cũ, đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang (phía trong đoạn cong đã sạt lở xuống bờ sông Hậu vào ngày 1/8/2019) tiếp tục xảy ra sạt lở với chiều dài 12 m, ăn sâu vào phía trong khu dân cư 1,2 m. Đồng thời, tại vị trí này tiếp tục xuất hiện vết rạn nứt kéo dài khoảng 13m, ăn sâu vào khoảng 1,3m theo hướng lấn sâu vào bên trong về phía hạ lưu.
Theo ông Khanh, nguyên nhân sạt lở bước đầu được xác định do mái dốc thẳng đứng, nền đất cát, nước triều lên xuống ngấm vào đất cát yếu và tác động do sóng đánh vào bờ gây sạt lở.
Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND huyện Châu Phú và xã Bình Mỹ đã đến hiện trường kiểm tra tình hình sạt lở, vận động di dời các hộ dân đã quay về nhà sinh sống trong dịp Tết di dời đến nơi an toàn; đồng thời, tiến hành căng dây, cắm biển cảnh báo, cắt cử lực lượng túc trực 24/24 giờ để kịp thời cảnh báo người dân không đi vào khu vực nguy hiểm này.
Nhận định về tình trạng sạt lở Quốc lộ 91 đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, ông Tô Hoàng Môn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết: Khu vực sạt lở vào chiều 30/1 vẫn nằm trong vùng cảnh báo sạt lở nguy hiểm. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang đang phối hợp với các đơn vị chuyên môn sâu trong cả nước tiến hành kiểm tra, khảo sát để đưa ra phương án xử lý sạt lở hiệu quả nhất.
Theo ông Môn, toàn tỉnh An Giang hiện có 52 đoạn sông có nguy cơ sạt lở, với tổng chiều dài gần 170.000 m; trong đó, 6 đoạn bờ sông có nguy cơ sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, 41 đoạn ở mức độ nguy hiểm, 5 đoạn ở mức độ trung bình.
Sáu đoạn bờ sông được cảnh báo nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm gồm: đoạn sông Hậu chảy qua xã Châu Phong (thị xã Tân Châu) dài 6.900 m, trong đó nguy cơ sạt lở mạnh thuộc hai ấp Vĩnh Tường 1 và Vĩnh Lợi 2, dài 4.400 m; đoạn sông Hậu chảy qua xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú) dài 1.900 m, kéo dài từ Vàm Kênh Cây Dương đến Bến phà Năng Gù, trong đó trọng yếu tại khu vực Trường Tiểu học A Bình Mỹ. Thành phố Long Xuyên có hai điểm được cảnh báo gồm: đoạn sông Hậu chảy qua xã Mỹ Hòa Hưng dài 3.300 m và đoạn sông Hậu chảy qua các phường Bình Đức, Bình Khánh, Mỹ Bình dài 4.300 m. Đoạn sông Tiền chảy qua xã Phú An, huyện Phú Tân dài 3.100 m và đoạn sông Hậu, sông Vàm Nao chảy qua huyện Chợ Mới, từ xã Kiến An đến chợ xã Mỹ Hội Đông dài 3.600 m.
Với tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn bất thường như hiện nay, dự báo, trong thời gian tới, nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở trên địa bàn tỉnh được cảnh báo là rất cao, nhất là các đoạn sông đang diễn ra quá trình sạt lở. Để chủ động phòng tránh, ngăn ngừa và hạn chế sạt lở trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang sẽ tiếp tục theo dõi, quan trắc sạt lở đợt 2/năm và quan trắc đột xuất ở những khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Qua đó, kịp thời thông báo, cảnh báo tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh để chính quyền địa phương, người dân chủ động phòng tránh, di dời đến nơi an toàn. Ngoài ra, Sở đẩy nhanh hoàn thành Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu địa hình đáy sông để làm cơ sở cảnh báo sạt lở trong thời gian tới.
Như TTXVN đã thông tin, tối 31/7/209 và rạng sáng 1/8/2019, trên tuyến Quốc lộ 91 (đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đã liên tục xảy ra sạt lở đất bờ sông. Hậu quả, khiến 1/2 mặt đường nhựa Quốc lộ 91, với chiều dài 85m về phía hạ lưu bị sụp hoàn toàn xuống sông Hậu, buộc phải di dời khẩn cấp 26 hộ dân trong khu vực nguy hiểm.
Theo khảo sát của các ngành chức năng, tại vị trí sạt cách bờ 70m có hố xoáy sâu 25m, dốc đứng. UBND tỉnh An Giang lúc đó ban bố tình huống khẩn cấp, triển khai công tác khắc phục sự cố; phương án được đưa ra là thả bao tải cát gia cố mái ta luy, tổng lượng cát được dùng để xử lý tại vị trí sạt lở khoảng 34.000 m3, nhằm tạo mái dốc bảo vệ đường bờ, ngăn không cho lở sâu thêm vào đất liền. Tổng kinh phí khắc phục sự cố là 25 tỷ đồng. Đến sáng 18/8/2019, toàn bộ phần cát gia cố bảo vệ quốc lộ 91 và khu dân dư bị sụp lún xuống sông Hậu, tại khu vực sạt lở nói trên tiếp tục xuất hiện thêm vết nứt mới. Đến chiều 19/8/2019, UBND tỉnh An Giang cho ngừng thi công công tác khắc phục sự cố sạt lở Quốc lộ 91 để chờ các khảo sát đánh giá một cách cụ thể hơn của các cơ quan chuyên môn.
Hiện, Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh An Giang đã xây dựng và đưa và sử dụng tuyến đường tránh Quốc lộ 91 đi vòng qua khu vực sạt lở này vào cuối năm 2019 nên giao thông trên tuyến Quốc lộ huyết mạch của tỉnh An Giang vẫn được đảm bảo.