Theo Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị, từ năm 1975 đến nay, bom, mìn và vật liệu nổ đã gây thương vong cho hơn 8.540 người; trong đó có 3.432 người chết, còn lại là bị thương. Đặc biệt trong tổng số người bị thương vong do bom, mìn, trẻ em dưới 16 tuổi chiếm 31%.
Để có nguồn lực khắc phục hậu quả bom, mìn, tỉnh tập trung vận động tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ và tổ chức quốc tế. Đến tháng 4/2023, đã có 34 tổ chức phi chính phủ và 23 tổ chức quốc tế hỗ trợ tỉnh khắc phục hậu quả bom, mìn. Riêng Chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ tỉnh thông qua các tổ chức phi chính phủ khoảng hơn 91 triệu USD.
Peace Trees VietNam - Cây Hòa bình Việt Nam (PTVN) là tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ đầu tiên được cấp phép (năm 1995) và triển khai hoạt động rà phá bom, mìn khắc phục hậu quả chiến tranh tại Quảng Trị. Sau đó, nhiều tổ chức quốc tế thông qua các chương trình, dự án đã và đang hỗ trợ tỉnh khắc phục hậu quả bom, mìn như: Tổ chức Nhóm Cố vấn bom mìn (MAG) triển khai "Liên lạc cộng đồng và rà phá vật liệu chưa nổ giai đoạn 2021-2025" với số vốn trên 29 triệu USD; Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) thực hiện (Dự án NPA/RENEW) "Phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh (RENEW) - Chương trình khảo sát và rà phá bom mìn tại tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018-2022" với kinh phí gần 13 triệu USD; PTVN thực hiện"Rà tìm và xử lý bom mìn, vật nổ nhằm giảm thiểu các mối nguy hiểm và hỗ trợ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025" với kinh phí 10,5 triệu USD.
NPA là một trong những tổ chức quốc tế tham gia chương trình khắc phục hậu quả bom, mìn có quy mô lớn và hiệu quả nhất tại tỉnh Quảng Trị. NPA đang triển khai 300 nhân viên tại tỉnh thực hiện khảo sát, rà phá, xử lý bom, mìn lưu động, thử nghiệm các thiết bị cao trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom, mìn. Từ tháng 2/2023, NPA đã tiến hành khảo sát hàng triệu m2 đất, phát hiện hàng trăm vật liệu nổ tại các thôn Vầng và Măng Song, xã Ba Tầng. Diện tích đất sau khi được làm sạch bom mìn, người dân chuyển từ trồng tràm sang trồng sắn cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Bà Nguyễn Thị Diệu Linh, Quản lý NPA tại tỉnh Quảng Trị cho biết, từ năm 2001 đến nay, Dự án NPA/RENEW đã đạt được nhiều kết quả khả quan khi khoanh vùng được 600 triệu m2 khu vực khẳng định ô nhiễm bom, mìn; rà phá bom, mìn tại 22 triệu m2; xử lý lưu động trên 15.300 nhiệm vụ người dân báo thông tin bom, mìn; xử lý được 123.400 vật liệu nổ khác từ các hoạt động.
Nguồn lực huy động từ các tổ chức phi chính phủ và tổ chức quốc tế đã giúp tỉnh Quảng Trị đạt được nhiều kết quả khả quan trong công tác khắc phục hậu quả bom, mìn. Giai đoạn năm 1975 - 1995, trung bình mỗi năm, tỉnh có khoảng 100 người bị tai nạn do bom, mìn gây ra; giai đoạn từ năm 2005 - 2015 trung bình mỗi năm nạn nhân tai nạn bom mìn giảm xuống còn 10 người. Đặc biệt từ đầu năm 2018 đến hết năm 2021, tỉnh không có tai nạn bom, mìn. Đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ tai nạn bom, mìn làm một người chết, một người bị thương. Tỉnh đã rà phá được trên 779.000 bom, mìn các loại, làm sạch 26.660 ha đất bị ô nhiễm bom, mìn nặng; gần 1.000 nhân viên kỹ thuật được đào tạo bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế về rà phá bom, mìn, được trang cấp thiết bị, phương tiện hiện đại. Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa giáo dục phòng tránh tai nạn bom, mìn vào trường học ngay từ bậc Tiểu học và tiến tới là Trung học Cơ sở. Tỷ lệ người dân, nhất là học sinh nhận biết mức độ nguy hiểm và tác hại của bom mìn đạt mức cao, có 630.000 lượt người được tiếp cận các chương trình giáo dục nguy cơ tai nạn bom, mìn.
Theo bà Nguyễn Triều Thương, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh tỉnh Quảng Trị, tỉnh đã xây dựng và triển khai chiến lược hành động bom, mìn; khởi xướng, hiện thực hóa nhiều sáng kiến được các tổ chức trong nước, quốc tế đánh giá cao, được nhân rộng trên địa bàn tỉnh và trong nước, cũng như các nước trên thế giới bị ô nhiễm bom mìn. Đặc biệt trong đó có sáng kiến thành lập Trung tâm Hành động bom mìn - đây là trung tâm điều phối bom mìn cấp tỉnh đầu tiên ở Việt Nam. Tỉnh lập bản đồ số kết hợp xử lý các khu vực ô nhiễm cao, áp dụng công nghệ tiên tiến trong rà phá, thiết lập hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu dùng chung cho hoạt động xử lý hậu quả bom, mìn, lồng ghép các hoạt động khắc phục hậu quả bom, mìn vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội theo hướng bền vững, xây dựng năng lực cho các tỉnh, thành khác trong nước. Đặc biệt tại các địa phương trong tỉnh có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với các tổ chức hành động bom mìn và người dân. Do đó, việc huy động và sử dụng nguồn lực cho các hoạt động khắc phục hậu quả bom, mìn hiệu quả cao.
Giai đoạn 2016 - 2025, tỉnh phấn đấu huy động từ các tổ chức quốc tế trên 150 triệu USD để khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh. Quảng Trị hướng đến mục tiêu là tỉnh đầu tiên trong cả nước không chịu tác động của bòm mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh vào năm 2025. Mục tiêu này không có nghĩa là các loại bom mìn được rà phá hết mà hướng đến việc hoàn thành khảo sát, lập bản đồ các khu vực bị ô nhiễm bom, mìn để giám sát quản lý, định hướng mục tiêu giải quyết vấn đề ô nhiễm một cách rõ ràng; 100% người dân được trang bị kiến thức và được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ để sống và làm việc an toàn, phấn đấu giảm thiểu tai nạn do bom mìn gây ra. Các loại bom, mìn nguy hiểm nhất được xử lý; những khu vực ô nhiễm bom, mìn cao có nhu cầu sử dụng đất sẽ được khoanh vùng để rà sạch; khu vực còn lại được kiểm soát và xử lý theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với nhu cầu sử dụng đất.
Ông Đinh Ngọc Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Hành động bom, mìn tỉnh Quảng Trị cho hay từ một tỉnh có mức độ ô nhiễm bom mìn cao nhất cả nước, đến nay địa phương đã kiểm soát được vấn đề ô nhiễm bom, mìn, có thể nhận biết được khu vực nào có mức độ ô nhiễm cao, khu vực nào cần ưu tiên xử lý, khu vực nào ô nhiễm với loại bom, mìn nào, nạn nhân bom, mìn đang cần hỗ trợ những gì. Từ đó, tỉnh xây dựng chiến lược lâu dài mang tính bền vững cho công tác khắc phụ hậu quả bom, mìn sau chiến tranh.