Trước thiệt hại do mưa lũ gây ra, tỉnh Quảng Ngãi đang khẩn trương chỉ đạo di dời dân, cứu hộ, cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân các địa phương bị lũ lụt ngập nặng.Nhiều người dân trong vùng ngập nước ở Quảng Ngãi phải trèo lên mái nhà. Ảnh: Thanh Long-TTXVN |
Ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Hiện nay, ngoài việc cử các đoàn về các địa phương chỉ đạo cứu hộ, cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân, kiên quyết không để người dân vùng lũ nào bị đói, khát, UBND tỉnh cử một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chuyên lo cung cấp các mặt hàng thiết yếu trước mắt cho nhân dân các địa phương.
Ngay sau khi lũ rút, các địa phương tập trung khắc phục ngay các cơ sở y tế và trường học, xử lý môi trường. UBND tỉnh chỉ đạo, ngoài lực lương tại chỗ, tỉnh đang huy động lực lượng xung kích của Đoàn thanh niên, lực lượng quân đội, công an của tỉnh và đề nghị Quân khu 5 chi viện để sớm giúp dân khắc phục lũ lụt. UBND các huyện chỉ đạo các địa phương tập trung vào công tác cứu trợ trước mắt cho nhân dân và xử lý môi trường, giúp dân sớm ổn định cuộc sống sau lũ lụt.
Theo báo cáo nhanh của các Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các huyện trong tỉnh Quảng Ngãi, đến trưa ngày 16/11, toàn tỉnh có 10 người chết, trong đó huyện Nghĩa Hành 5 người, Sơn Tây 2 người, các huyện Ba Tơ, Minh Long Sơn Tịnh mỗi huyện có một người chết.
Do lũ lớn nên quốc lộ 1A đã bị chia cắt hàng chục đoạn, các loại xe khách, xe tải không qua lại được, hàng trăm xe ô tô buộc phải đậu tại thành phố Quảng Ngãi. Nước lũ đã dâng ngập đường ở nhiều nơi, có đoạn sâu từ 1- 1,5 mét. Quốc lộ 24 bị sạt lở 15 đoạn, Quốc lộ 24 C sạt lở 2 đoạn gây ách tắt giao thông; nhiều tuyến đương tỉnh, đường liên huyện đã bị chia cắt hoàn hoàn gây khó khăn cho việc tiếp cận các vùng lũ để cứu hộ, cứu trợ khẩn cấp. Tỉnh đội Quảng Ngãi cũng đã đưa về các địa phương 4 đoàn cứu hộ, mối đoàn 2 ca nô, 2 xe tải và 20 cán bộ, chiến sĩ để cứu hộ tại các địa phương.
Ngay sau khi có công điện và thông báo lũ khẩn cấp, các địa phương trong tỉnh đã di dời, sơ tán được trên 15.500 hộ với gần 52.000 nhân khẩu.
Tại huyện Sơn Tây, khoảng 19 giờ ngày 15/11, hơn 10.000 m3 đất đá phía ta luy dương đã đổ ập xuống cuốn trôi hoàn toàn 1 ngôi nhà và vợ chồng anh Đinh Văn Lang, chị Đinh Thị Hiếp ở thôn Gò Lã xã Sơn Dung (Sơn Tây). Ngay trong tối 15/11 và sáng 16/11, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Sơn Tây đã huy động toàn bộ lực lượng tại chỗ để khẩn trương tìm kiếm 2 hai nạn nhân bị đất đá cuốn trôi.
Tại huyện miền núi Ba Tơ, theo ông Huỳnh Thương - Phó Chủ tịch UBND huyện, đến trưa 16/11, hệ thống điện, điện thoại, giao thông bị cắt đứt hoàn toàn, đèo Đá Chát tuyến Quốc lộ 24 địa phận xã Ba Liên bị sạt lở nghiêm trọng, ước khoảng 7000 m3 đất đá, ập xuống tuyến đường kéo dài hơn 100 mét, gây tắc nghẽn tuyến đường về huyện và đi các tỉnh Tây Nguyên. Cầu treo Tân Long Trung, xã Ba Động, bị lũ cuốn trôi. Hàng chục nghìn nhà dân nơi đây bị lũ nhấn chìm sâu từ 2 đến 6m, một số vùng ở xã Ba Vì cũng bị lũ nhấn chìm.
Tại huyện Sơn Hà, ông Phùng Tô Long, Chánh Văn phòng UBND huyện, cho biết: Đến trưa 16/11, trên địa bàn huyện có 6 ngôi nhà tại xã Sơn Nham sập hoàn toàn, 6 nhà bị trôi và khoảng 6.000 nhà ngập sâu trong nước.
Nguyễn Đăng Lâm