Quảng Bình: Di tích lịch sử bị lãng quên

Nằm trên địa bàn xã Hóa Tiến (huyện Minh Hóa, Quảng Bình), hệ thống hang Binh Trạm, hang Bệnh viện 14, hang Kíp, hang Xưởng Cưa, hang ông Vó, ông Ngôn, ông Sứ… vốn là nơi tập kết quân trang, vũ khí và là trụ sở của Bộ chỉ huy Binh trạm 12 cùng một số đơn vị khác trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Những hang động trên này đã đóng góp không nhỏ trong tiến trình kháng chiến của đất nước và đã góp phần lập nên nhiều chiến công hiển hách trên dải đất miền Trung này. Nhưng hiện nay, toàn bộ hệ thống hang động này đã bị hoang hóa, lãng quên do không được đầu tư, tôn tạo.

Chúng tôi theo chân ông Cao Ký, nguyên xã đội phó xã đội Hóa Tiến cắt qua khu rừng hoang sơ để đi đến hang Bệnh viện 14. Ông Ký kể: "Ngày xưa, bệnh viện nằm ngay trong hệ thống hang động tại thung lũng Ải, thuộc thôn La Vân, Hóa Tiến. Hang rộng lớn và chứa được rất nhiều người, đặc biệt là hang phòng mổ có diện tích lớn hơn, miệng hang rộng khoảng 5 m, cao 4 m và sâu hơn 1.000 m. Cùng ông Ký đi sâu vào bên trong, chúng tôi chứng kiến hang rất rộng lớn và bằng phẳng, được chia nhiều phòng khác nhau, quanh những căn phòng năm xưa các chiến sĩ vào đây trị bệnh vẫn còn vương lại những ống thủy tinh đựng thuốc và một số dụng cụ y tế.

Theo lời ông Ký, trước những năm 1972, nơi đây đã có rất nhiều y, bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ y tế làm việc. Sức chứa của bệnh viện lên đến hàng mấy trăm người. Bệnh nhân ngày đó chủ yếu là các chiến sĩ bị thương chuyển từ các chiến trường Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và từ mặt trận Lào về đây điều trị. Ngoài ra, người dân địa phương cũng được đưa vào đây chữa trị khi bị thương hoặc ốm đau, bệnh tật.

Hang ông Bống - một trong hệ thống hang động phục vụ cho kháng chiến tại dãy núi đá vôi ở xã Hóa Tiến.

Rời hang Bệnh viện 14, chúng tôi tiếp tục đến hang Binh Trạm ở thôn Yên Phong, Hóa Tiến, nằm trong hệ thống núi đá vôi khổng lồ. Cũng như những hang khác, bên trong hang Binh Trạm cũng rất rộng, sâu và bằng phẳng. Đây là nơi làm việc của Bộ Chỉ huy Binh trạm 12, khu vực hang có nhiều nhà để cho các bộ phận tham mưu, hậu cần...

Mỗi hang được đặt tên theo nhiệm vụ mà nó đảm trách. Hang xăng dầu là nơi đã từng chứa một lượng lớn xăng dầu được tập kết vào đây để chuyển vào chiến trường miền Nam, qua Lào phục vụ cho các đoàn xe vào Nam ra Bắc làm nhiệm vụ. Hang Ông Ngôn là nơi ở, nơi tiền trạm của hàng vạn chiến sĩ khi hành quân qua dải đất Quảng Bình. Ngoài những cái tên hang được nhắc tới, còn có hàng chục hang động khác làm nơi cất giấu vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng phục vụ cho cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta.

Con đường vào các hang động này hiện đều đã hoang hóa và rất còn ít người biết đến. Ông Cao Ký tâm sự: "Sau từng ấy năm, những hang này đã bị quên lãng, hoang tàn và không ai để ý đến ngoài những người đã từng gắn bó với nơi đây. Cũng đã có nhiều đoàn cán bộ đã từng làm việc ở đây, khi trở lại thăm chiến trường xưa thấy tình cảnh các hang động bị bỏ quên đã cảm thấy rất xót xa".

Hiện tại, ngoài hang Binh Trạm được xã cho rào lại để bảo vệ, những hang còn lại chỉ là một khối hoang hóa giữa núi rừng. Ông Cao Khắc Minh, Chủ tịch UBND xã Hóa Tiến, Minh Hóa cho biết: Những năm trở lại đây, nhiều đoàn cán bộ, chiến sĩ từng sống và chiến đấu ở các hang động này trong những năm chiến tranh về thăm lại hệ thống hang động để ôn lại quá khứ, nhưng các hang không còn như ngày xưa, sự hoang hóa sau nhiều năm khiến mọi người không được vui.

UBND xã cũng muốn trùng tu, tôn tạo và bảo vệ các hệ thống hang lịch sử này nhưng rất khó khăn. Chúng tôi mong các cấp, ban ngành sớm có kế hoạch đầu tư, tôn tạo và được công nhận di tích lịch sử cho hệ thống hang động này, để lớp trẻ hôm nay và mai sau biết đến những địa danh lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta.

Nguyễn Đức Thọ - TTXVN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN