Theo ông Nguyễn Xuân Lưu, mô hình “Bắt chó thả rông phòng trừ bệnh dại” nhằm khắc phục tình trạng súc vật chạy tự do ngoài đường, từng bước ngăn chặn bệnh dại làm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân.
UBND các phường và các tổ dân cư sẽ thành lập những đội xung kích và tổ phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh dại và bắt chó thả rông; các thành viên đội, tổ xung kích phản ứng nhanh được tập huấn kỹ năng giám sát, bắt giữ và xử lý chó thả rông.
Tại buổi tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố khóa XV sắp tới, cử tri Phạm Sông Thao (phường Kim Giang, Thanh Xuân) phản ánh, hiện nay, tình trạng nuôi chó đang diễn ra phổ biến ở các khu tập thể và trên địa bàn các phường, xã. Người dân gặp chó thả rông giữa đường phố rất sợ hãi. Không những thế, chó còn phóng uế bừa bãi, được chủ dắt đi giữa đường không có rọ mõm. Thậm chí, tình trạng chó cắn chết người, chó cắn chủ nhà bị thương vẫn thường diễn ra. Mặc dù thành phố đã có chỉ đạo các quận, huyện, phường, xã xử lý, nhưng đến nay chưa hiệu quả.
“Gần đây, ở thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập các đội săn bắt chó kèm theo chế tài xử lý, bước đầu đã có hiệu quả. Vậy Hà Nội nên áp dụng hình thức như Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai”, ông Phạm Xuân Thao kiến nghị.
Xung quanh ý kiến của cư tri về việc quản lý chó thả rông, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho rằng, đây là thực trạng xảy ra ở nhiều nơi, thậm chí có những hộ dân ở chung cư cũng nuôi chó và chủ nhà dắt chó đi trong thang máy nhà chung cư, do đó cần phải có phương án quản lý, giải quyết.
Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra các vụ chó nuôi tấn công, thậm chí cắn chết người. Nạn nhân gần đây là ông Nguyễn Văn Th. (Phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) bị chó cắn vào cổ sáng 19/8 dẫn tới tử vong. Trước đó, ngày 14/7, một bé gái 8 tháng tuổi ở phường Đội Cấn (quận Ba Đình) cũng bị chó nhà tấn công dẫn tới tử vong.