Hà Nội cho taxi 'mặc đồng phục', phân vùng đón trả khách, liệu có khả thi?

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đang hoàn thiện dự thảo Quy chế Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi (dự thảo quản lý taxi) trên địa bàn, trong đó sẽ sơn "đồng phục" bằng 3 màu xanh, ghi bạc, trắng.

Chú thích ảnh
Theo dự thảo, taxi hoạt động tại Hà Nội sẽ phải " mặc đồng phục".

Theo nội dung dự thảo, Sở GTVT Hà Nội  sẽ quản lý taxi theo hướng có nhiều quy định chặt chẽ hơn. Đáng chú ý là từ năm 2019 đến năm 2025, với xe taxi thay mới, tăng thêm sẽ áp dụng màu sơn chung. Còn từ năm 2026, Sở GTVT thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với tất cả xe taxi hoạt động trên địa bàn (cả taxi cũ lẫn taxi mới) với 3 màu sơn gồm: xanh, ghi bạc, trắng. Hiệp hội Taxi Hà Nội được giao nhiệm vụ liên hệ với Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ để đăng ký màu sơn chung cho taxi Hà Nội.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2019, các đơn vị taxi phải sử dụng phần mềm dùng chung của Trung tâm Quản lý phần mềm dùng chung taxi Hà Nội, do Hiệp hội Taxi Hà Nội xây dựng và điều hành.

Một điểm mới nữa là Hà Nội sẽ tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi theo vùng. Vùng phục vụ của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là khu vực xác định theo địa giới hành chính mà xe taxi của các đơn vị vận tải được đăng ký khai thác (tập trung dừng, đỗ, đón, trả khách), gồm 2 vùng: Vùng 1 bao gồm địa giới hành chính các quận trên địa bàn thành phố; vùng 2 gồm địa giới hành chính tại các huyện, thị xã còn lại của Hà Nội.

Khi dự thảo đưa ra, nhiều ý kiến đã phản đối việc sơn 3 màu chung cho taxi Thủ đô, vì giống "mặc đồng phục", có thể tạo điều kiện cho quản lý nhưng không thuận lợi cho việc tạo dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, việc quy định màu sơn chỉ có thể làm sau năm 2030, để những chiếc xe taxi hiện có đã cũ đi,  bản thân các hãng có nhu cầu đổi xe mới, thì mới có tính khả thi.

Ông Bùi Danh Liên cho biết,  không nên quy định phân vùng quản lý bởi hoạt động vận tải là sự liên thông giữa các vùng miền. Sự phân vùng quản lý, cấm taxi vùng này đón khách ở vùng kia sẽ không thỏa mãn được lợi ích của các hãng taxi, ảnh hưởng quyền lợi người sử dụng dịch vụ.

Đơn cử như người dân ở vùng 1 muốn đến vùng 2 thì bắt người ta lại phải thuê xe ở vùng 2 để đi lại, đồng nghĩa người dân lại phải bỏ ra một chi phí lớn hơn chi phí khứ hồi. Điều đó với người dân khó có thể chấp nhận; trong luật cũng không quy định.

"Mục tiêu của việc quản lý dịch vụ trước hết phải hướng tới lợi ích của người dân, lợi ích đó thể hiện qua giá thành và dịch vụ mà các hãng taxi cung cấp, dịch vụ tốt được ưa chuộng. Dịch vụ kém bị bài trừ nên việc phân vùng taxi sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lựa chọn của người dân", ông Liên nhấn mạnh.

 

XM/Báo Tin tức
Mỗi quận một ý khi đào đường, hạ ngầm cáp ở Hà Nội
Mỗi quận một ý khi đào đường, hạ ngầm cáp ở Hà Nội

Trước kỳ họp HĐND Hà Nội sắp tới, nhiều cử tri Hà Nội phản ánh tình trạng đào đường, lát vỉa hè, hạ ngầm cáp không làm đồng bộ khiến đường phố bụi bẩn, mất mỹ quan đô thị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN