Phụ nữ Thủ đô chủ động sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn

Phụ nữ Hà Nội hiện chiếm gần 50% dân số của thành phố và đang ngày càng chủ động tham gia sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản an toàn.

Đam mê với nông sản, trăn trở làm cách nào để tiêu thụ cho nông dân, hạn chế vấn nạn thực phẩm bẩn... chị Phạm Thị Tư Hậu, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến nông sản Yến Anh (huyện Ba Vì, TP Hà Nội) từ một dược sĩ đã quyết tâm chuyển sang kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn. 

Chia sẻ về công việc kinh doanh “nông sản sạch”, chị Tư Hậu tự hào nói: “Hiện nay, HTX của tôi tạo công ăn việc làm cho hơn 40 công nhân, trong đó 90% là chị em phụ nữ của huyện, mỗi tháng cung cấp trung bình 100 tấn sản phẩm được sản xuất từ nông sản sạch như: Ngô, khoai, sắn, dừa… ra thị trường tiêu thụ”.

Đặc biệt, 3 sản phẩm: Ngô chiên bơ, khoai lang kén, bánh sắn nướng cốt dừa đạt OCOP 3 sao do UBND huyện Ba Vì chứng nhận; dự án “No đủ củ sắn Ba Vì” được Hội liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội biểu dương là “Sản phẩm sáng tạo năm 2023”. Riêng sản phẩm “Bánh sắn phomai” đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ với số lượng lớn và duy trì đơn hàng cố định... 

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Liên (áo dài), Chủ Trang trại giun quế GHT (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) giới thiệu sản phẩm thịt lợn giun quế.

Là sĩ quan quân đội nghỉ hưu, bà Nguyễn Thị Liên, Chủ Trang trại giun quế GHT (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) luôn mong muốn được đóng góp sức lực cho nền nông nghiệp sạch của đất nước. 18 năm qua, bà tâm huyết chăn nuôi gia súc kết hợp với vi sinh, nhằm đảm bảo các sản phẩm theo tiêu chí an toàn thực phẩm.

“Trang trại của tôi tự sản xuất thức ăn chính cho vật nuôi theo phương pháp nấu chín bằng nồi hơi, vận hành bằng điện 3 pha, kết hợp với vi sinh, nhằm đảm bảo môi trường trong lành cho vật nuôi và người chăm sóc. Vì vậy, các sản phẩm như: Thịt lợn, xúc xích, thịt gà đóng gói... luôn đảm bảo được chất lượng, được người tiêu dùng ưa thích, lựa chọn”.

Chú thích ảnh
Sản phẩm thịt lợn giun quế.

Hiện nay, các sản phẩm trong trang trại của bà Nguyễn Thị Liên đã được tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc và sản phẩm được khẳng định chất lượng, thương hiệu, cam kết của nhà sản xuất, có chỗ đứng trên thị trường. Đồng thời, được UBND TP Hà Nội cấp giấy nhận đạt 3 sao, cung cấp cho hơn 20 cửa hàng trên địa bàn TP Hà Nội, mỗi tháng phục vụ hơn 200 khách hàng trực tiếp trên hệ thống bán lẻ và một số cửa hàng thực phẩm sạch tại các tỉnh, thành phố Bắc Ninh, Hải Phòng… 

Tháng 5/2024, HTX nông sản và dịch vụ thương mại Đông Xuân được thành lập với 7 thành viên, trong đó 3 thành viên nữ, đây là mô hình kinh tế tập thể gắn kết được số đông là người dân tộc thiểu số của huyện Quốc Oai. HTX hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm sạch từ thịt gà, thịt lợn, rau củ quả… gắn với dịch vụ du lịch sinh thái trải nghiệm bản địa. Đây cũng là mô hình kinh tế tập thể gắn kết được số đông là người dân tộc thiểu số của huyện Quốc Oai. 

Nói về khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, bà Nguyễn Thị Lợi, Thành viên HĐQT HTX nông sản và dịch vụ thương mại Đông Xuân chia sẻ: “HTX của chúng tôi mới thành lập còn non trẻ, các thành viên trong HTX chủ yếu là hội viên phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, nên còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận hành, quản lý, xây dựng thương hiệu”.

Chú thích ảnh
Nhiều khách hàng bị thu hút bởi các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản thực phẩm sạch.

Vì vậy, bà Nguyễn Thị Lợi đề xuất với các cấp chính quyền địa phương tạo nhiều “sân chơi” để các HTX có cơ hội liên kết tìm hiểu thị trường; xây dựng chiến lược quảng bá sản phẩm. Từ đó, mỗi HTX sẽ thiết kế kênh phân phối, xúc tiến bán hàng, lựa chọn thị trường mục tiêu, định vị thương hiệu sản phẩm, tạo bản sắc thương hiệu cho sản phẩm địa phương...

Bà Nguyễn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội nhấn mạnh, Hội đang tập trung xác định việc hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số để kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm của TP Hà Nội, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên trong các cấp Hội. 

Chú thích ảnh

Bà Nguyễn Thị Hảo đề xuất, các cơ quan hữu quan của TP Hà Nội cân tăng cường lồng ghép đào tạo kỹ năng số, hướng dẫn phụ nữ ứng dụng công nghệ số trong các giao dịch thương mại, sử dụng hạ tầng thanh toán trực tuyến, sử dụng internet tra cứu thông tin, nhằm xây dựng “Nền tảng công nghệ quản lý đội nhóm, kết nối cung cầu, nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo cho phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp”. 

Theo thống kê của Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội, đến nay đã có trên 4.000 nữ chủ doanh nghiệp, HTX sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm được tham gia các chương trình đào tạo tập huấn, tiếp cận và thực hiện quy trình số hoá dữ liệu, ứng dụng các phần mềm quản lý doanh nghiệp, quản lý sản xuất kinh doanh chuyển từ giao dịch trực tiếp sang giao dịch trực tuyến để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh; 1.870 doanh nhân nữ được hỗ trợ kỹ năng kinh doanh online, tiếp thị liên kết và xây dựng gian hàng trên các kênh mạng xã hội tiktok, facebook, zalo và tạo gian hàng trên các sàn thương mại điện tử shopee, lazada, BCB…

Hồng Phượng/ Báo Tin tức
Đảm bảo mọi phụ nữ được tiếp cận các dịch vụ khi mang thai và sinh con
Đảm bảo mọi phụ nữ được tiếp cận các dịch vụ khi mang thai và sinh con

Ngày 11/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7 năm 2024 để cùng nhìn lại những tiến bộ toàn cầu trong quá trình thực hiện cam kết về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản và các quyền; thảo luận những ưu tiên nhằm giải quyết những vấn đề đang còn tồn đọng trong bối cảnh nhân khẩu học thay đổi nhanh chóng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN