Phụ huynh cùng nuôi học sinh bán trú

Các trường học trên địa bàn tỉnh Lai Châu khi thực hiện mô hình bán trú dân nuôi gặp không ít khó khăn, vì không có biên chế nấu ăn và chăm sóc học sinh. Trường Mầm non xã Mù Cả thực hiện xã hội hóa giáo dục, vận động các bậc phụ huynh tham gia nấu ăn, chăm sóc trẻ tại trường.

Quan tâm việc học các con

Ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do đời sống còn nhiều thiếu thốn, đi làm nương xa nhà nên tình trạng phụ huynh phó mặc cho nhà trường chăm sóc và nuôi dạy con cái đang diễn ra phổ biến. Áp dụng Quyết định 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ, tất cả trẻ em mẫu giáo 3 tuổi đến 5 tuổi trên địa bàn xã Mù Cả (huyện Mường Tè) được hỗ trợ 120.000 đồng/tháng/cháu để duy trì bữa ăn trưa tại trường. Giá cả ở khu vực biên giới đắt đỏ nên khẩu phần ăn của các cháu còn sơ sài, nhà trường đã vận động phụ huynh đóng góp củi đốt, gạo và rau xanh, tiền hỗ trợ dành để mua thực phẩm nên chất lượng bữa ăn được nâng lên.

Đội ngũ giáo viên của trường vào một số thời điểm không đủ hai giáo viên trên lớp để thực hiện công tác bán trú. Một giáo viên đứng lớp, nếu phải tham gia nấu ăn thì trong khoảng thời gian đó sẽ không có người bao quát trẻ, nguy cơ mất an toàn rất cao. Để giải bài toán khó này, Trường Mầm non xã Mù Cả đã vận động phụ huynh tham gia nấu ăn, chăm sóc trẻ tại trường. Việc các phụ huynh tham gia nấu ăn sẽ giám sát được nhà trường tổ chức chăm sóc trẻ, đồng thời dần nâng cao ý thức quan tâm tới con em mình.

Phụ huynh tham gia nấu ăn và chăm sóc trẻ tại trường, giáo viên có thêm thời gian nâng cao chuyên môn và cải thiện chất lượng giáo dục.


Năm học 2013 - 2014 có bảy trên tám điểm trường có tổng 97 phụ huynh tham gia, năm học này có tới 130 phụ huynh tham gia trên tất cả các điểm trường. Mỗi gia đình đến điểm trường nấu một ngày. Thời gian đầu, các bậc phụ huynh chưa quen với cách chế biến món ăn cho các cháu, nên lóng ngóng. Cô giáo hướng dẫn, thức ăn nấu cho các cháu cần phải băm nhỏ, thái nhỏ… thì các bậc phụ huynh đã dần quen cách làm. Tại điểm trường mầm non bản Xi Nế, anh Lỳ Gạ Hừ đang loay hoay chế biến món ăn, nói: “Mình tham gia được hai năm rồi, tuy nhà neo người lại rất bận rộn với công việc nương rẫy nhưng khi đến phiên gia đình thì tôi thu xếp công việc để tham gia”. Theo anh Lỳ Gạ Hừ, Nhà nước có chính sách hỗ trợ để các con được ăn, ngủ tại trường giúp người dân yên tâm sản xuất, chiều đến đón các con, mọi người thấy yên tâm rất nhiều. Các gia đình tham gia nấu ăn, dù bận mấy cũng cố gắng tham gia đầy đủ.

Cô Trần Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Mù Cả kể: Lúc đầu, các bậc phụ huynh đều nói là không có thời gian để tham gia. Với tinh thần “mưa dầm thấm lâu”, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành họp từng bản để tuyên truyền, vận động người dân. Lúc đầu chỉ có một vài người nghe theo, về sau nhiều người đến đăng ký thực hiện. Một số điểm trường như Tó Khò, Xi Nế mặc dù thiếu nguồn nước nhưng phụ huynh hàng ngày vẫn đi gùi nước về để nấu ăn cho các cháu.

Chất lượng giáo dục tăng

Cô Trần Thị Phương cho biết: “Sự hỗ trợ hết sức thiết thực và ý nghĩa của các bậc phụ huynh đã giảm bớt áp lực công việc cho giáo viên, giải quyết được bài toán khó khi không đủ hai giáo viên trên lớp để thực hiện công tác bán trú. Các cô giáo có thêm thời gian để nghiên cứu các biện pháp nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, nhiều tiết dạy sáng tạo giúp phát huy tính tích cực của trẻ. Các cô còn có thời gian để làm thêm đồ dùng, đồ chơi tự tạo phục vụ các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ”.

Số lượng trẻ của Trường Mầm non xã Mù Cả tăng lên hàng năm. Năm học 2012 - 2013 toàn trường có 131 cháu, năm học này toàn trường có 170 cháu. Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ của nhà trường được nâng lên rõ rệt. Năm học 2012 - 2013, qua khảo sát, số trẻ đạt yêu cầu cuối độ tuổi là 112/131 trẻ (đạt 93%), đến năm học 2013 - 2014 đạt 139/142 trẻ (98%). Tỷ lệ chuyên cần được duy trì ở mức cao 95%, trẻ suy dinh dưỡng ở cả hai thể nhẹ cân và thể thấp còi đều giảm xuống dưới 15%. Đơn vị xã Mù Cả cơ bản đảm bảo các tiêu chí hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2014.

Cách đây tám năm, cô giáo Trần Thị Phương về xã Mù Cả nhận công tác, sự nghiệp giáo dục ở nơi biên giới này còn vô vàn khó khăn thiếu thốn. Đường giao thông cách trở, chưa có đường xe đi lại, trao đổi thông tin liên lạc chủ yếu bằng những bức thư tay, trường lớp tạm bợ bằng tre, nứa. Người dân chưa thực sự quan tâm đến sự học của con em mình, các cháu đến trường đến lớp còn đi chân đất, không có quần áo ấm để mặc vào mùa đông, vệ sinh không sạch sẽ... Giờ đây đã có đường xe đến trung tâm xã và các điểm trường.

Trung tâm xã đã có sóng điện thoại di động và có thể truy cập internet, trao đổi thông tin liên lạc, báo cáo qua email, không còn phòng học bằng tre nứa, một số điểm trường đã được đầu tư xây dựng kiên cố. Bàn ghế, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cũng đã được nhà nước đầu tư mua sắm, cấp phát đồng bộ. Người dân đã quan tâm nhiều hơn đến sự học của con em mình, các cháu trong độ tuổi đi học được đến trường. Các cháu đi dép, mặc quần áo ấm vào mùa đông, được cha mẹ vệ sinh sạch sẽ trước khi đến lớp. Nhiều con em của đồng bào đã trở thành thầy cô giáo, y bác sĩ, chiến sĩ công an nhân dân, quân đội nhân dân quay trở về phục vụ tại địa phương.

Bài và ảnh: Việt Hoàng
Khó khăn bán trú dân nuôi
Khó khăn bán trú dân nuôi

Mô hình trường Dân tộc bán trú dân nuôi ở vùng sâu, vùng xa đã tiếp bước cho các em học sinh dân tộc tới trường. Tuy nhiên, nhiều trường Dân tộc bán trú vẫn khó khăn về nơi ăn, chốn ở, nước sinh hoạt, điện thắp sáng… ảnh hưởng tới công tác dạy và học của cả thầy lẫn trò.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN