Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản đề nghị Bộ Y tế công khai chia sẻ thông tin về các đơn vị được phép nhập khẩu chất Salbutamol để phối hợp quản lý chất này, tránh sử dụng sai mục đích.
Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu, quản lý nghiêm ngặt việc sử dụng theo tinh thần quản lý kiểm soát đặc biệt. Ngoài ra, thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan kiểm tra, giám sát việc sử dụng trong sản xuất thuốc có chứa Salbutamol.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo thông tin mà Bộ này nhận được, Cục quản lý dược (Bộ Y tế) tiếp tục cho nhập khẩu Salbutamol kể từ ngày 1/8/2016 để sử dụng trong lĩnh vực y tế.
Tuy nhiên, đây là chất tạo nạc mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấm sử dụng trong chăn nuôi theo Thông tư số 28/2014TT-BNNPTNT ngày 4/9/2014 ban hành Danh mục hoá chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 285.878 hộ chăn nuôi ký cam kết không sử dụng chất cấm. Vùng có số lượng hộ ký cam kết nhiều nhất là đồng bằng sông Hồng có 181.505 hộ, chiếm 63,5% tổng số hộ đã ký của cả nước, tiếp đến là Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có 54.835 hộ, chiếm 19,2%; Trung du và miền núi phía Bắc có 20.175 hộ, chiếm 7,1%; đồng bằng sông Cửu Long có 16.023 hộ, chiếm 5,6%; Đông Nam bộ có 10.023, chiếm 3,8%; Tây Nguyên 2.562 hộ, chiếm 0,9%.
Theo Cục Thú y, việc sử dụng chất cấm thời gian vừa qua đã giảm rất rõ rệt. Do đó, trong thời gian tới cần tiếp tục duy trì việc tuyên truyền các hộ đã tham gia ký cam kết không sử dụng chất cấm thực hiện tốt các nội dung đã cam kết, đồng thời thực hiện các giải pháp giám sát xã hội để đảm bảo việc ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có hiệu quả thiết thực và bền vững.