Ngày 18/8/2015, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) ra mắt phim ngắn truyền thông cảnh báo về tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD) tại Việt Nam. Phim ngắn kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hành động để bảo vệ các loài ĐVHD đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Phim ngắn lấy bối cảnh một bé gái tình cờ đi lạc vào nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn chế biến từ ĐVHD nguy cấp quý hiếm. Khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng các thực khách đang tiêu thụ ĐVHD, cô bé đã hét lớn “Hãy dừng lại”. Qua góc nhìn của thế hệ trẻ thơ trước hiện thực ĐVHD bị tiêu thụ tràn lan, phim ngắn cho thấy tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép đang đe dọa tương lai của đất nước. Từ đó, phim ngắn cũng kêu gọi người xem cùng hành động bằng cách không tiêu thụ ĐVHD và thông báo các vi phạm về ĐVHD đến cơ quan chức năng hoặc đường dây nóng miễn phí của ENV 1800 - 1522.
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc ENV cho biết: “Mặc dù là một quốc gia có nền đa dạng sinh học vô cùng phong phú và độc đáo, Việt Nam lại trở thành một điểm nóng về buôn bán và tiêu thụ ĐVHD trên thế giới. Việc ngăn chặn nạn tiêu thụ ĐVHD trái phép không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là nghĩa vụ của mọi công dân.”
Theo kết quả chương trình khảo sát vi phạm về tiêu thu ĐVHD tại 6 thành phố lớn trên cả nước, bao gồm Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Vinh (tỉnh Nghệ An), Huế và Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), ENV đã ghi nhận 651 trên tổng số 3.743 nhà hàng được khảo sát có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD, chiếm tỉ lệ 17%. Số liệu của Cục Kiểm lâm cũng cho thấy đã có 598 cá thể ĐVHD nguy cấp bị tịch thu trong các vụ vi phạm về ĐVHD trong năm 2014. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng những con số này chỉ phản ánh một phần rất nhỏ bức tranh toàn cảnh về thực trạng buôn bán ĐVHD trái phép mỗi năm ở Việt Nam. Nền kinh tế phát triển mạnh trong những gần đây đã kéo theo nhu cầu tiêu thụ ĐVHD của một bộ phận người dân tăng cao và từ đó dẫn đến gia tăng đột biến nạn săn bắt và buôn bán ĐVHD trái phép.
Mèo rừng bị nuôi trái phép ở Thái Nguyên. |
“Đã đến lúc cả cộng đồng phải chung tay đấu tranh chống lại nạn buôn bán và tiêu thụ ĐVHD trái phép. Cuộc chiến này sẽ không thể thành công nếu không có sự tham gia tích cực của cả cộng đồng. Chúng ta phải hành động để đảm bảo rằng các loài ĐVHD sẽ không bị tuyệt chủng như loài tê giác một sừng”, bà Dung chia sẻ.
Phim ngắn sẽ được phát sóng rộng khắp trên 60 kênh truyền hình trung ương và địa phương trong thời gian tới.