Tràn lan kinh doanh động vật hoang dã

Theo kết quả chương trình khảo sát tăng cường những vi phạm về tiêu thụ động vật hoang dã do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tiến hành tại các cơ sở kinh doanh, bao gồm nhà hàng, khách sạn, chợ, quán bar, quán rượu, cửa hàng thú cảnh và hiệu thuốc đông y trên địa bàn Hà Nội, mức độ các vi phạm về tiêu thụ động vật hoang dã khá phổ biến.

Trong tổng số 1.921 cơ sở kinh doanh đã khảo sát trên địa bàn 6 quận của Hà Nội (quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Cầu Giấy và Long Biên), có 21% cơ sở khảo sát có dấu hiệu vi phạm. Các dấu hiệu vi phạm chủ yếu tại các nhà hàng chiếm 83% trong tổng số 408 các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu vi phạm. Như vậy, cứ 10 cơ sở kinh doanh tại Hà Nội thì có tới 2 cơ sở có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã.

Trong đó, quận có số lượng các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu vi phạm về động vật hoang dã cao nhất là Long Biên (chiếm 42%). Quận Cầu Giấy đứng thứ hai với tỷ lệ là 28%, cao hơn nhiều so với các quận được khảo sát năm 2013.

Các cơ quan chức năng tại 6 quận trên địa bàn Hà Nội đã xử lý thành công 209 trong tổng số 408 cơ sở có dấu hiệu vi phạm, đạt tỷ lệ 51%. Quận có tỷ lệ xử lý thành công cao nhất là Hoàn Kiếm, với số lượng vi phạm giảm 77% sau khảo sát lần thứ 3. Quận Cầu Giấy và Long Biên có tỷ lệ xử lý thành công lần lượt là 34% và 32%, đứng 2 vị trí cuối.

Năm 2014 có 29 vụ việc có dấu hiệu vi phạm liên quan tới hành vi nuôi nhốt, bán hoặc quảng cáo các cá thể động vật hoang dã còn sống được ENV thông báo tới cơ quan chức năng thành phố Hà Nội. Nhưng chỉ có 31% số vụ việc nêu trên được xử lý thành công, dù các cơ quan chức năng đã có phản hồi cho toàn bộ các vụ việc được thông báo. Như vậy, tỷ lệ các vụ việc liên quan đến động vật hoang dã còn sống được xử lý thành công thậm chí còn thấp hơn, so với kết quả tương tự trong năm 2013 (34,7%).

Theo kết quả điều tra, thống kê gần đây, Hà Nội đã ghi nhận được 31 loài thú quý hiếm, trong đó có 30 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 23 loài nằm trong phụ lục của Nghị định 32/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Trong số 213 loài chim có 17 loài quý hiếm, trong đó có 11 loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam (2007) và 9 loài nằm trong phụ lục của Nghị định 32/2006. Trong số 111 loài bò sát, ếch nhái có 20 loài quý hiếm, trong đó có 19 loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam 2007 và 12 loài nằm trong phụ lục của Nghị định 32/2006.

Theo đánh giá của ENV, dấu hiệu vi phạm phổ biến nhất liên quan đến các cá thể động vật hoang dã còn sống là hành vi nuôi nhốt một số loài như cu li, khỉ và mèo rừng. Bên cạnh một số trường hợp người vi phạm đã kịp thời tẩu tán hoặc cất giấu cá thể động vật hoang dã khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ xử lý thành công đạt ở mức thấp là do cơ quan chức năng chưa có hành động kịp thời, quyết đoán khi vi phạm được phát hiện.

Theo ông Hoàng Đức Vĩnh, Trưởng phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, qua nắm tình hình và điều tra cơ bản cho thấy, Hà Nội có nhiều tuyến phố giao thông huyết mạch, là địa bàn gây nuôi, trung chuyển, đồng thời cũng là địa bàn tiêu thụ động vật hoang dã quý hiếm lớn trong cả nước. Đây cũng chính là địa bàn các đối tượng lợi dụng hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã quý hiếm với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi gây khó khăn cho công tác phòng ngừa đấu tranh trong lĩnh vực này. Trong khi đó, lực lượng cán bộ, chiến sĩ trong lĩnh vực này còn mỏng, dàn trải, kinh nghiệm còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao.

Mặt khác, các loại sản phẩm, chế phẩm từ động vật hoang dã là mặt hàng đem lại lợi nhuận cao, nên nhiều đối tượng phạm tội đã bất chấp khung xử phạt và vẫn vi phạm. Cùng với đó, hệ thống các văn bản pháp luật mặc dù được sửa đổi, bổ sung nhưng thực tế còn thiếu và chưa đồng bộ đã tạo nhiều lỗ hổng để đối tượng lợi dụng hoạt động.

Do vậy trong thời gian tới, để ngăn chặn tình trạng gia tăng buôn bán, sử dụng các loài động vật hoang dã cần tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục về trách nhiệm, ý thức bảo vệ động vật hoang dã, như huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong các hoạt động tuyên truyền giáo dục, phổ biến các quy định, cơ chế chính sách về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nói chung và động vật hoang dã nói riêng. Công bố công khai những cá nhân, cửa hàng buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã và hình thức xử lý.

Đặc biệt, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an TP Hà Nội cần xây dựng Kế hoạch hành động thực thi pháp luật trong chiến dịch triệt phá các đường dây buôn bán và truy quét, giám sát các cơ sở kinh doanh động vật hoang dã trái phép trên địa bàn.


Thanh Tuấn




Kiểm soát chặt cơ sở gây nuôi động vật hoang dã
Kiểm soát chặt cơ sở gây nuôi động vật hoang dã

Nhiều cơ sở gây nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) trở thành nơi “rửa” ĐVHD bị săn bắt trái phép trong tự nhiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN