Phát triển xe buýt điện thông minh hướng đến giao thông 'xanh'

TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để hướng người dân sử dụng nhiều hơn các phương tiện công cộng "xanh", giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ngày 7/6, Trung tâm dịch vụ truyền thông Thông tấn xã Việt Nam Khu vực phía Nam, Trung tâm truyền thông Tài nguyên - Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) và Tổng công ty KOTRA Việt Hàn đã phối hợp tổ chức hội thảo "Trao đổi xúc tiến đầu tư và chuyển giao công nghệ xe buýt điện công cộng thông minh tại TP Hồ Chí Minh" để tìm ra giải pháp giảm ô nhiễm môi trường từ các phương tiện giao thông hiện hữu, khuyến khích người dân sử dụng xe buýt điện công cộng ...

Chú thích ảnh
Các đại biểu đã giới thiệu nhiều giải pháp giúp phát triển giao thông công cộng tại TP Hồ Chí Minh.

Tham dự hội thảo có đại diện các bộ ngành Trung ương và sở ngành TP Hồ Chí Minh, các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà khoa học, các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc... Tại đây, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã giới thiệu nhiều giải pháp, các chính sách đầu tư vào Đô thị thông minh và giải pháp về giải quyết an toàn giao thông, giao thông thông minh, giao thông công cộng xanh tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Đại diện Sở Giao thông và Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để hướng người dân sử dụng nhiều hơn các phương tiện công cộng xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, tốc độ phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất, phương tiện giao thông hiện chưa đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông của thành phố. Cụ thể, hệ thống giao thông công cộng có 3.000 xe buýt vận hành trên 152 tuyến, chỉ đáp ứng 9,5% nhu cầu của khách. Để đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân, ước tính số lượng xe buýt phải lên đến 21.000 xe. Ngoài ra, mỗi năm TP Hồ Chí Minh thiệt hại khoảng 1,5 tỷ USD vì giao thông tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội của thành phố nói chung.

“Ùn tắc giao thông kéo dài cũng dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại thành phố. Vì vậy, sắp tới Thành phố chọn giải pháp đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt điện thân thiện với môi trường, bên cạnh các giải pháp đầu tư vào hệ thống tàu điện metro, tàu thủy… Đây là những giải pháp mang lại hiệu quả vượt trội, cơ bản giảm được khí thải từ phương tiện công cộng, giúp thành phố thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh trong thời gian tới", đại diện Sở GTVT TP Hồ Chí Minh chia sẻ thêm.

Đại diện Tập đoàn DATAM (Hàn Quốc) cho biết, đơn vị sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất xe buýt điện với giá chỉ bằng 20% so với xe buýt hiện nay cho TP Hồ Chí Minh để đầu tư vào dự án xe buýt điện công cộng thông minh. Dự án xe buýt điện thông minh này có tổng vốn đầu tư 525.000.000 USD từ nguồn Quỹ khí hậu Xanh. Trong đó, dự kiến đầu tư 300.000.000 USD để sản xuất 20.000 xe buýt điện và 225.000.000 USD để trang bị đèn đường LED năng lượng mặt trời thông minh tích hợp camera AI, Wifi miễn phí…Trong giai đoạn đầu, chi phí đầu tư thí điểm cho một tuyến đường 2 chiều với khoảng cách 30 km là khoảng 10 triệu USD.

Trong khuôn khổ của hội thảo, đại diện các sở, ngành TP Hồ Chí Minh và đại diện Tập đoàn DATAM (Hàn Quốc) đã cùng nhau ký ghi nhớ xúc tiến dự án Giao thông công cộng xe bus điện thông minh tại thành phố.

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Hoàn thiện các quy định pháp luật về giao thông vận tải, phù hợp với thực tiễn 
Hoàn thiện các quy định pháp luật về giao thông vận tải, phù hợp với thực tiễn 

Ngày 5/6, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 13 của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.  Đây là ngày chất vấn thứ hai của Quốc hội tại kỳ họp này. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN